Thế giới chung tay tiêu diệt SARS-CoV-2

Thế giới chung tay  tiêu diệt SARS-CoV-2

Điều đáng nói là đại dịch khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng. Trong cơn hoạn nạn, tình đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế được coi là điểm sáng nổi bật trong những ngày qua.

Đã đến lúc phải đoàn kết

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres đã trình bày một kế hoạch nhân đạo để chống lại sự lây lan của SARS-CoV-2 và chống lại ảnh hưởng của đại dịch. Trong số các đề xuất là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và hạn chế thương mại giữa các quốc gia. Các biện pháp như vậy sẽ được thảo luận nghiêm túc. Trong khi đó, thế giới đã và đang xây dựng các quỹ hỗ trợ lẫn nhau trên toàn cầu để giữ cho nền kinh tế không bị sụp đổ.

Các biện pháp đề xuất liên quan đến cả cá nhân (tăng bảo trợ xã hội và tiếp cận các khoản vay, miễn thuế tạm thời…). Trong số các điểm “nóng” của chương trình là hỗ trợ cho các nhóm dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là người tị nạn và người di cư. Để thực hiện kế hoạch của mình, LHQ đã yêu cầu 2 tỷ USD từ các nhà lãnh đạo của các nước G20.

Kế hoạch dày 80 trang bao gồm các mục hỗ trợ cho các quốc gia như: Ukraina, Afghanistan, Iran, Iraq, Venezuela, Syria, Libya, Mali và Ethiopia. LHQ dự định trang bị cho những trại tạm thời các thiết bị vệ sinh để rửa tay, triển khai chiến dịch thông tin để giải thích các phương pháp bảo vệ chống nhiễm trùng. Đồng thời, tạo ra các trung tâm vận tải ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh nhằm đưa những người lao động nhân đạo đến nơi cần thiết nhất. Kế hoạch này cũng bao gồm các biện pháp bổ sung để hỗ trợ các quốc gia tiếp tục mở cửa cho người tị nạn và người di cư.

Theo Tổng Thư ký LHQ António Guterres, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ sẽ lãnh đạo dự án.

“Với tài trợ thích hợp, kế hoạch này sẽ cứu nhiều mạng sống và cung cấp cho các cơ quan nhân đạo, tổ chức phi chính phủ công cụ xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và thiết bị y tế để điều trị cho bệnh nhân” - ông António Guterres khẳng định.

Tổng Thư ký LHQ cho rằng, các biện pháp chống lại Coronavirus nên mang tính toàn cầu và áp dụng cho tất cả mọi người.

Cụ thể, ông Guterres đề xuất dỡ bỏ các hạn chế đối với thương mại xuyên biên giới, cản trở việc cung cấp thiết bị y tế và thuốc men. Sáng kiến ​​được ghi nhận nhất của Tổng thư ký là kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 từ bỏ chính sách trừng phạt nhằm cung cấp quyền tiếp cận thực phẩm, nhu yếu phẩm cơ bản và chăm sóc y tế.

Đây là thời điểm cần sự đoàn kết, không cô lập - ông Guterres viết trong một lá thư gửi các nhà lãnh đạo G20.

Bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền LHQ cũng kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, Venezuela, Cuba, Zimbabwe và CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, bà còn yêu cầu tất cả các chính phủ nghiên cứu các giải pháp để thả tù nhân, những người đặc biệt dễ bị tổn thương với dịch Covid-19 gồm cả người già.

Không dừng lại ở đó, Tổng Thư ký LHQ cũng kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, vì các cuộc xung đột đang cản trở cuộc chiến với SARS-CoV-2.

“Đã đến lúc phải ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang, cùng tập trung vào cuộc đấu tranh thực sự vì cuộc sống của chúng ta” - ông Guterres nói.

Xuất hiện các hoạt động hỗ trợ

Thế giới chung tay  tiêu diệt SARS-CoV-2 ảnh 1
Những chuyến hàng cứu trợ của Nga đã đến với Ý. Ảnh: INT

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã chi nhiều tiền nhất để chống lại các dịch bệnh khác nhau. Kể từ năm 2009, Washington đã chi hơn 90 tỷ USD cho các mục tiêu này. Các quỹ cũng đang được phân bổ cho cuộc chiến chống lại dịch Covid-19. Tại Mỹ, Bộ Ngoại giao đang phối hợp hỗ trợ quốc tế cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Cụ thể, bộ này có kế hoạch chi 100 triệu USD từ ngân sách của bộ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Dự kiến ​​sẽ phân bổ 37 triệu USD để giúp đỡ 25 quốc gia, những nơi rủi ro được đánh giá là cao nhất, đặc biệt là Afghanistan, Iraq, Pakistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Việt Nam và Thái Lan.

Tổng cộng, hai kênh tài chính đã được lên kế hoạch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ nhận được một phần tiền và phân bổ quỹ này một cách độc lập. Trong số các mục tiêu của WHO là đào tạo nhân viên y tế, xây dựng kế hoạch khẩn cấp trong lĩnh vực y tế, chuẩn bị và in hướng dẫn cho bác sĩ và xây dựng phương pháp tiếp xúc của người bệnh.

Phần thứ hai sẽ được phân phối thông qua các tổ chức khác để trang bị cho các phòng thí nghiệm, cảnh báo công chúng về mối đe dọa của dịch bệnh, tổ chức theo dõi sức khỏe con người tại các trung tâm vận chuyển lớn; cung cấp vật tư y tế gồm khẩu trang, mặt nạ phòng độc, găng tay phẫu thuật…

Trong khi đó, Mỹ cũng đang yêu cầu các quốc gia khác giúp đỡ trong cuộc chiến chống dịch Covid- 19 ở nước này.

Mặc dù không nằm trong danh sách các quốc gia mà Washington nhắm tới, nhưng Nga sẵn sàng sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến gian khó này. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố: Nếu cần thiết, Matxcơva sẵn sàng giúp đỡ Washington trong cuộc chiến chống lại Covid-19.

“Tất cả chúng ta đều ở trong cùng một chiếc thuyền”, ông D. Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga nhấn mạnh.

Trước đó, Nga đã gửi 15 máy bay vận tải quân sự mang theo thiết bị khử trùng, phòng thí nghiệm của lực lượng phòng vệ bức xạ, hóa học và sinh học, cũng như khoảng 100 nhà virus học và bác sĩ quân sự đến hỗ trợ Ý. Sáng kiến ​​này đã nhận được sự ủng hộ tại EU. Mọi trợ giúp đều được đánh giá cao.

Chung tay dập dịch

Ở những mức độ khác nhau, nhiều quốc gia đang góp phần vào cuộc chiến toàn cầu chống lại Covid-19. Các khoản thu bổ sung cho ngân sách của WHO đã đến từ Ả-rập Xê-út, Kuwait và Vương quốc Anh. Đặc biệt, London đã viện trợ cho các tổ chức phát triển vắc-xin, hệ thống xét nghiệm và các chương trình khác trị giá 91 triệu bảng. Ngoài ra, Anh cam kết chuyển 150 nghìn bảng cho Quỹ ủy thác - một bộ phận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế để hạn chế và khắc phục hậu quả của thảm họa. Số tiền này sẽ cho phép các nước đang phát triển ngăn chặn một phần hậu quả kinh tế của SARS-CoV-2 và tập trung vào cuộc chiến chống lại căn bệnh này.

Đặc biệt, EU đã phê chuẩn đề xuất tạm thời đình chỉ Hiệp định Ổn định và Tăng trưởng (hiệp định cốt lõi của khu vực đồng euro). Hiệp định này giới hạn mức thâm hụt ngân sách (3% GDP) và nợ công (60% GDP) của các nước EU. Việc đình chỉ hiệp định này sẽ cho phép các nước trong khối thu hút các khoản vay mà không bị hạn chế và chỉ đạo các quỹ bổ sung để chống lại hậu quả của đại dịch. Ngoài ra, EU đã phê duyệt các chương trình viện trợ nhà nước cho doanh nghiệp ở Ý và Bồ Đào Nha, đồng thời phê duyệt khoản phân bổ 1 tỷ euro cho Romania.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển BRICS mới đã phê duyệt khoản vay 987 triệu USD cho Trung Quốc. Ngân hàng Thương mại và Phát triển Biển Đen (BSTDB) sẽ phân bổ 900 triệu euro cho các ngành tài chính bị ảnh hưởng bởi đại dịch. BSTDB được thành lập bởi chính phủ Albania, Armenia, Azerbaijan, Bulgaria, Hy Lạp, Georgia.

Mặc dù việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang gặp phải không ít cản trở và việc phân bổ các quỹ còn một vài bất cập, nhưng với sự chung tay của toàn thế giới, bệnh dịch Covid-19 sẽ sớm bị tiêu diệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ