Thầy trò chạy lũ quét

GD&TĐ - “Sau khi đưa 2 em học sinh cuối cùng từ nhà ở bán trú lên đến điểm an toàn thì cũng là lúc nước lũ tràn về, cuốn phăng tường bao và ào qua trường học.

Các thầy cô chung tay dọn dẹp Trường THCS Yên Tĩnh sau cơn lũ quét
Các thầy cô chung tay dọn dẹp Trường THCS Yên Tĩnh sau cơn lũ quét

Lúc ấy là gần 3 giờ sáng, cả thầy và trò đứng nhìn nước dâng lên từng bậc, ngôi trường chìm dần trong nước. Thầy trò bàng hoàng nhìn nhau, chỉ biết rằng thật may khi đã kịp chạy lên chỗ cao này” - thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Tĩnh, huyện Tương Dương (Nghệ An) nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng khi cơn lũ quét tràn qua do ảnh hưởng của cơn bão số 4.

Chạy kịp lấy người là may!

Lũ miền núi ào về đột ngột nhưng cũng rút đi nhanh chóng. Chỉ 1 buổi sau khi ngừng mưa, nước đã rút gần hết khỏi Trường THCS Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, Nghệ An. Những gì còn lại của ngôi trường này là cảnh ngổn ngang bùn đất, rác ngập ngụa.

Nhiều bàn ghế, đồ dùng học tập và sinh hoạt bị nước cuốn trôi, những tài sản còn lại chỉ là đống đổ nát. “Khi lũ tan, không còn nguy hiểm nữa, thầy trò quay lại trường, nhìn khung cảnh trước mắt, tôi buồn vô kể. Không còn chi nữa cả, các em ạ” - thầy Nguyễn Văn Hùng không nén được xúc động.

Yên Tĩnh là một xã miền núi vùng sâu của huyện vùng cao Tương Dương, cách thị trấn Hòa Bình khoảng hơn 20km. Địa hình cao, hiểm trở. Nơi đây, mỗi dịp mưa bão vẫn thường xảy ra hiện tượng sạt lở đất, lũ ống… Tuy nhiên, trận lũ quét vừa rồi, cuốn phăng và nhấn chìm tất cả tài sản của Trường THCS Yên Tĩnh trong bùn nước quá đột ngột và hung dữ, khiến mọi người ai nấy vẫn còn sợ hãi.

Tối ngày 13/9 trời bắt đầu mưa to liên tục. Có 12 thầy giáo và 104 học sinh nội trú của Trường THCS Yên Tĩnh đang ở tại trường. Điện thoại từ các trường vùng trong gọi ra báo cho chúng tôi biết trên núi mưa, mất điện và có nguy cơ sạt lở cao.

Kinh nghiệm dạy học ở miền núi khiến các thầy giáo biết đề cao cảnh giác, đi kiểm tra các phòng, khóa cửa cẩn thận và kê đồ đạc lên cao. Mưa vẫn liên tục, nước từ thượng nguồn chảy về bắt đầu lắp xắp sân trường. Các thầy bắt đầu gõ cửa phòng nội trú, di chuyển các em đến nhà dân trên cao.

“Tôi chạy ra ngoài cổng trường, ngó lên núi và xung quanh, thấy nước dâng lên nhanh, vội chạy vào đánh trống báo động. Toàn bộ thầy giáo ở lại trường được huy động tìm và di tản hết 104 em học sinh” - thầy Nguyễn Văn Thiện nhớ lại.

Các em đang tuổi ăn, tuổi ngủ. Mưa lũ về lúc 12 giờ đêm, nhiều em phải gọi mãi mới chịu dậy, bị thầy giáo thúc đi mà vẫn ngơ ngác chưa hình dung ra chuyện gì. Thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng chỉ đạo các thầy giáo dồn tất cả các em vào một chỗ, không cho phép em nào tự ý đi lại. Đồng thời kiểm tra xem còn thiếu học sinh nào nữa không.

“Vẫn còn thiếu 2 em nữa, chúng tôi đếm đi đếm lại, rồi quay lại trường đi tìm. Nước đã bắt đầu tràn vào nhà. Các thầy chia nhau lục tung từng ngóc ngách, bới hết chăn màn, mãi sau mới tìm được cả 2 em đang nằm quấn chăn ở góc giường, đang ngủ say”.

Còn cơn lũ vừa qua xảy ra quá đột ngột, lại vào thời điểm năm học mới bắt đầu. Tất cả mọi cơ sở vật chất, thiết bị vừa kịp hoàn thiện và đều tập trung ở trường để phục vụ công tác dạy học. Hơn nửa học sinh và thầy giáo cũng đang ở nội trú.

“Chỉ kịp chạy người thôi, may mà không có thiệt hại về người”. Nhưng tất cả đồ dùng, thiết bị dạy học, máy tính, bàn ghế, sách vở và hơn 2 tấn gạo của học sinh bị ngâm trong bùn đất, không sử dụng được nữa, thầy Thiện nói mà gương mặt buồn rượi.

Chỉ cần có bàn ghế, sách vở là dạy học trở lại

Ngay sáng 15/9, khi cơn lũ quét qua Trường THCS Yên Tĩnh, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng dân quân, công an, bộ đội và người dân đến dọn dẹp, vệ sinh trường học, phun thuốc phòng tránh dịch bệnh. Đồng thời, cứu trợ gấp một số lương thực thiết yếu như: Mì tôm, lương khô, nước uống… cho các thầy cô giáo và học sinh nội trú sau lũ.

Ngoài ra, Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cũng huy động cán bộ, giáo viên các trường lân cận đến trợ giúp Trường THCS Yên Tĩnh khắc phục hậu quả lũ quét.

Hết ngày 15/9, toàn bộ phòng học, phòng giáo viên, phòng ở nội trú học sinh, nhà bếp… đã được dọn rửa sạch sẽ hết bùn đất. Tuy nhiên, bên ngoài phòng học, hệ thống sân bãi, tường bao, các cửa lớp bị vỡ… tất cả đang ngổn ngang “không biết làm thế nào”.

Lo nhất là các em học sinh, năm học mới bắt đầu, việc ăn ở mới vào nề nếp, công tác dạy học cũng mới dần dần được ổn định thì cơn lũ đã cuốn trôi tất cả. “Các em rất sợ hãi, nửa đêm chạy lũ, rồi sáng hôm sau trở về trường mọi vật dụng cá nhân, sách vở bị cuốn trôi, nhiều em bật khóc” - thầy Vi Văn Đậu chia sẻ.

 “Mong muốn lớn nhất của trường lúc này là có đủ bàn ghế, sách vở cho học sinh và thầy cô giáo, để tổ chức dạy học trở lại, chứ không thể để tình trạng nghỉ học kéo dài. Lâu dần sẽ rất khó để ổn định tâm lý, đưa các em trở lại trường học” - thầy Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Từ sáng sớm 15/9 huyện đã tập hợp các lực lượng công an, quân đội, đoàn thanh niên và người dân cùng các thầy giáo khắc phục hậu quả lũ quét. Điều động 2 máy múc, mua máy bơm để hút bùn ra khỏi trường học.

Đồng thời liên hệ với Trung tâm y tế huyện xử lý khử độc, rác thải động thực vật bị trôi về trường. Đến nay đã hoàn thành được khoảng 2/3 công việc dọn dẹp vệ sinh trường lớp.

Thống kê sơ bộ, lũ đã nhấn chìm 350 bộ sách giáo khoa của học sinh và nhà trường (gồm 85 bộ lớp 6, 83 bộ lớp 7, 90 bộ lớp 8, 92 bộ lớp 9) cùng một số sách tham khảo các lớp; 20 bộ máy vi tính để bàn, 6 máy tính xách tay, 6 máy in; 120 bộ bàn ghế học, 19 bộ bàn ghế ăn của học sinh, 8 bộ bàn ghế giáo viên, 1 máy chiếu, 7 ti vi, 80 bộ chăn màn cùng đồ dụng, vật dụng cho học sinh bán trú và toàn bộ thiết bị dạy học xuống bùn đất. Hơn 2 tấn gạo dự trữ để phục vụ học sinh bán trú cũng bị ngâm dưới dòng nước lũ, không thể sử dụng được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.