(GD&TĐ) - Những ngày này, cả nước đang hướng về ngày thầy thuốc với tất cả tấm lòng trân trọng và yêu mến. Và ở những vùng cao xa xôi của đất nước, vẫn có những người thầy thuốc người Mông yêu trẻ, yêu nghề.
Giấu luôn tận tình với người bênh, tận tâm với nghề |
Nhận xét về Thào A Giấu, cán bộ y tế dự phòng của Trạm Y tế xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên), anh Lò Văn Bua trạm trưởng cho biết: “Giấu là một cán bộ y tế khiêm tốn, ham học hỏi, nhiệt tình và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao”.
Thào A Giấu là dân tộc Mông bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên vì điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên anh chỉ học đến lớp 9. Những năm đi học anh luôn mơ ước được theo học ngành y, để vận dụng những kiến thức được trang bị phục vụ gia đình và bà con trong bản. Với nỗ lực quyết tâm của bản thân năm 2005, anh thi vào Khoa điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Điện Biên sau 3 năm phấn đấu học tập đạt loại khá.
Năm 2008, anh ra trường được phân công về Đội Y tế dự phòng huyện Điện Biên Đông, năm 2010 về công tác tại Trạm Y tế xã Pú Hồng. Được giao nhiệm vụ cán bộ phụ trách y tế dự phòng của xã. Pú Hồng là xã rộng với diện tích 1.228,34 ha, 557 hộ, 17 bản. Các hộ dân sinh sống rải rác với 100% dân tộc thiểu số, đa số chưa có ý thức, kiến thức về chăm sóc sức khỏe.
Với sự nhiệt tình, có trách nhiệm và lòng quyết tâm cao trong công việc, nên ngay từ đầu năm anh lên kế hoạch đi từng bản, phối hợp với Trưởng bản lồng ghép công tác tuyên truyền tới bà con trong những buổi họp về công tác chăm sóc sức khỏe, như: Ăn chín, uống sôi, phát quang xung quanh nhà, vận động các hộ gia đình làm công trình phụ hợp vệ sinh, khi ốm cần đến Trạm Y tế xã để khám và điều trị...
Ngoài công tác y tế dự phòng, khi xuống bản anh tranh thủ thời gian tới từng hộ gia đình thăm sản phụ, hướng dẫn các mẹ cách vệ sinh cá nhân, cách vệ sinh con nhỏ và cách cho con bú đúng cách, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đẻ có kế hoạch, vận động các bậc cha mẹ cho trẻ đi tiêm chủng, cân trẻ và uống VitamimA theo đúng quy định. Anh luôn tranh thủ thời gian ở mọi nơi, mọi lúc phát huy hết khả năng của mình trong công tác tuyên truyền tới bà con trong bản.
Hàng năm, trẻ em trong độ tuổi ở xã đều được tiêm chủng và uống VitamimA đạt 100%. Số trẻ trong độ tuổi được tiêm phòng đạt 96,5%, số phụ nữ 15 tuổi được tiêm uốn ván đạt 99%, các hộ trong xã đều được tẩm màn bằng hóa chất. Anh luôn chú trọng công tác giám sát tình hình dịch bệnh tại địa phương và báo cáo lên Trạm Y tế xã kịp thời có những biện pháp xử lý khi có dịch xảy ra.
Anh thật sự là một tấm gương sáng trên mặt trận phòng chống dịch bệnh tại địa bàn
*Từ ngày Lý A Dùa nhận nhiệm vụ y tá, bản Hoa Dì Hồ (xã Bản Hon, huyện Tam Đường, Lai Châu) không còn cảnh ngộ độc vì uống nhầm thuốc lá cây tự lấy trong rừng hoặc bị chết oan bởi cách chữa bệnh theo hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Lý A Dùa được kết nạp Đảng đầu năm 2010 và là đảng viên người Mông đầu tiên của bản Hoa Dì Hồ.
Lý A Dùa đang khám bệnh cho nhân dân |
Mười năm nay anh Dùa lăn lộn, trèo đèo, vượt suối đến gõ cửa từng nhà để đưa đến tận tay họ từng viên thuốc, từng tờ rơi tuyên truyền cách phòng chống bệnh tật. Bản thân anh cũng không nhớ chính xác đã có bao nhiêu nghìn viên thuốc được chuyển đến đồng bào...
Bà con kính trọng anh bởi những lặn lội gian truân, dù cầm một viên thuốc đi xa hàng chục km chữa bệnh cứu người anh cũng lặn lội mà không hề toan tính thiệt hơn. Giờ đây trên mảnh đất quanh năm mù mịt ấy không còn xảy ra những cái chết thương tâm nữa. Hàng đêm người ta vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng Lý A Dùa vai đeo túi thuốc, tay cầm bó đuốc và chiếc gậy rong ruổi đến từng nhà. Anh cuời, ngày bà con lên nương, tối mình phải đến mới gặp…
Kiên Cường-Xuân Dũng