Thầy dạy Văn, và hào hứng hóa thân vào các nhân vật trong tác phẩm, truyền “hơi nóng” cho tiết học, nên học trò rất mê.
Thầy có một ngôi nhà nhỏ, trong ấy có hẳn hai tủ sách to. Thầy đọc nhiều, quý sách lắm. Sách của thầy luôn tinh tươm, sạch sẽ, cầm chúng cứ như không phải vật chất thông thường, như là thiêng lắm vậy.
Tôi vẫn nhớ hai câu chuyện mà thầy hay kể và kể rất hay, lặp đi lặp lại mỗi khi có dịp, ấy là “Cánh buồm đỏ thắm”, và câu chuyện bi kịch tình yêu của thi hào Nga Puskin. Câu chuyện đầu, hẳn thầy muốn gieo vào lòng học trò sự hy vọng trong mọi hoàn cảnh, và câu chuyện sau, sự cao thượng, quân tử của người đàn ông chân chính khi đứng trước thử thách xâm hại danh dự.
Tôi, tất nhiên, học nhiều thầy cô, song điểm lại, thầy là người giáo viên đầu tiên lặn lội vào con hẻm nhỏ ẩm thấp tối tăm để thăm học trò, nên ấn tượng thầy để lại trong lòng tôi là mạnh mẽ. Căn cớ của chuyến thăm của thầy từ quyển tập học trò chép những bài thơ vụng về mà tôi “sáng tác”, một lần tôi mạo muội đưa cho thầy xem. Ông thầy đạo mạo, kính trắng, cặp da vào tận nhà khiến tôi bối rối. Thầy ngồi lại và xem kệ sách của tôi, những sưu tầm tranh ảnh, ghi chép tư liệu… Xem xong, thầy nói với tôi đang đứng cạnh bên: “Em là nhà xã hội học”. Câu nói của thầy khiến tôi càng bối rối hơn, đấy như là lời khen quá hớp với một học sinh nghèo hiếu học.
Vâng, như tôi đã kể từ đầu một cách có dụng ý, thầy luôn muốn gieo vào lòng học trò ước mơ và nỗ lực thực hiện ước mơ, như thông điệp của “Cánh buồm đỏ thắm” mà thầy kể đi kể lại với chúng tôi. Và cho dù cái đích xa vời “nhà xã hội học” tôi chẳng bao giờ đạt đến, song sự khích lệ của thầy trong hoàn cảnh của tôi cứ như là câu thần chú có uy lực mạnh mẽ. Nó khiến tôi siêng năng hơn trong việc học tại trường và tự học, đọc nhiều hơn, ghi chép nhiều hơn, vì là “nhà xã hội học” cơ mà! Thầy còn nói thêm: Sau này em nên học tổng hợp Văn.
Thầy vừa mất. Tôi thì tóc đã có nhiều sợi bạc, chẳng thành nhà xã hội học như thầy phong, cũng không vào được tổng hợp Văn như thầy kỳ vọng, song tình cảm của thầy với riêng tôi mãi còn. Ít ra, với người thầy khả kính vừa ra đi, một con người nghèo khổ như tôi là một cá nhân rất có giá trị. Tôi hiểu ít có người thầy làm được như vậy, vì đấy là cả một nghệ thuật, và hơn thế, cần cả một tấm lòng.
Thầy mất, đám tang diễn ra trong cơn mưa nhỏ, ven một con lộ đầy xe. Tôi và một người bạn vội vã về thăm thầy lần cuối. Buồn khi thấy ít bạn cũ có mặt. Chúng tôi ngậm ngùi ôn lại những cái rất riêng mà thầy để lại trong ký ức: thầy chơi đàn ghi ta hay, thanh âm thánh thót; ngoài hai câu chuyện về “cánh buồm đỏ thắm” và cuộc đấu súng của Puskin, thầy hay nhắc đến con sông
Kinh Thầy quê mình ngoài Bắc cũng như tài thơ kỳ lạ của Trần Đăng Khoa…
Chúng tôi không khóc, nhưng lặng lẽ ngậm ngùi, mỗi người miên man theo những hồi ức về thầy, dòng hồi ức mà có lẽ tôi là người có nhiều nhất…
Tôi biết ơn thầy đã đốt lên một ngọn lửa trong lòng, thắp một hy vọng, làm tròn bổn phận người Thầy…