(GD&TĐ) - Nói đến bậc học Mầm non người ta nghĩ ngay đến các cô giáo trẻ hát hay múa dẻo, nhẹ nhàng, dịu hiền với các cháu. Nhưng giờ đây ở chính những lớp học với nhiều tiếng nói cười ríu rít như chim non ấy lại có hình ảnh khác, vừa lạ, vừa quen lại có sự hấp dẫn rất riêng. Đó chính là những người thầy giáo ... mẹ hiền ở trường Mầm non Thanh Quân - Như Xuân - Thanh Hóa!
Thầy ơi con "đi tè"
Ở Trường Mầm non Thanh Quân (Như Xuân, Thanh Hóa), có những lớp học khá đặc biệt. Đặc biệt ở đây không phải là trường lớp hay đồ dùng học tập... có gì khác mà đặc biệt ở chỗ lớp học có thầy giáo trông trẻ.
Hàng ngày 8 giờ sáng, thầy Hoàng Thanh Tình bắt đầu đón trẻ vào lớp. Ổn định lớp rồi thầy bắt đầu cho các cháu hát, múa.... Buổi trưa thầy cho các cháu ăn. Ăn xong thầy trải giường cho các cháu ngủ. Đến 2 giờ chiều thầy đánh thức các cháu dạy, gấp chăn, gối, cho các cháu đi vệ sinh, ổn định chỗ ngồi một lát thầy lại cho các cháu ăn bữa phụ cùng các cô nuôi. Ăn xong thầy cho các cháu hát, múa, chơi trò chơi... và đợi cha mẹ các cháu đến đón các cháu về. Công việc này đã trở nên quen thuộc với thầy suốt hơn 10 năm qua.
Ghé sang các lớp bên chúng tôi thấy những đồng nghiệp nam của thầy Tình cũng đã bắt đầu công việc như vậy. Thầy Vi Văn Tiến đang dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi hát. Lớp bên cạnh nữa thầy Vi Văn Dương đang dạy các bé nhận biết môi trường xung quanh. Ở lớp đối diện, thầy Vi Văn Hướng đang dạy các bé múa.
Thầy Hoàng Thanh Tình đang chăm sóc trẻ |
Khi chúng tôi hỏi về việc dạy múa cho các cháu, thầy Vi Văn Dương chia sẻ: "Về dạy múa thì chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn so với các cô. Vì thực tế tay, chân của chúng tôi không dẻo và uyển chuyển như phụ nữ. Nhưng dạy mãi rồi các động tác của chúng tôi cũng mềm dẻo hơn. Các cháu cũng thích học nhất là các cháu trai bởi vì việc múa hát thường thì chỉ có các em gái nhưng vì là có thầy giáo dạy nên phần nào cũng khích lệ được các em hơn. Trong khi dạy các cháu, tôi cũng rút ra một bài học về sự nghiêm khắc và cứng rắn của người cha cần phải dậy dỗ, uốn nắn các cháu như thế nào từ những bài học đầu tiên”.
Ghé sang lớp thầy Vi Văn Tiến lúc này đã đến giờ cho trẻ ăn trưa, chúng tôi nhìn cách thầy dỗ dành một bé gái đang khóc trong giờ ăn thật khéo, thật không khác nào một người mẹ hiền từ, nhẫn nại bên đàn con. Thầy Vi Văn Tiến chia sẻ: "Từ khi đã chọn nghề chăm trẻ tôi đã xác định coi các em như con mình. chính vì thế mà tôi không thấy ngại. Không biết các thầy khác thế nào chứ tôi thấy dạy các cháu, chăm sóc, rửa ráy cho các cháu, tôi thấy chả có gì khó khăn. Nhiều khi đang trong giờ học các cháu lại gọi “Thầy ơi con muốn đi tè” hoặc có cháu tè đái dầm hay “đùn” ra quần rồi mới thưa là chuyện bình thường. Hôm nào có việc gì đó mà không đến lớp được tôi cũng thấy nhớ các cháu...".
Cơ duyên gắn bó
Nhìn những cử chỉ, hành động chăm sóc các cháu của các thầy giáo Trường Mầm non Thanh Quân chúng tôi không khỏi cảm phục và vô cùng xúc động. Trò chuyện với chúng tôi về việc chọn nghề và gắn bó với nghề các thầy như được cởi tấm lòng:
Thầy Hoàng Thanh Tình chia sẻ: Năm 1996, để có tiền học lớp trung cấp sư phạm 2 năm tôi đã phải bán mất 2 con trâu và một mảnh đất, cùng tủ, giường, tổng cộng khoảng 15 triệu đồng. Đi dạy 16 năm, tới năm 2012, tôi mới được vào biên chế. Chừng ấy năm chế độ bấp bênh, từ vài yến thóc một vụ tới hơn 1 triệu đồng/tháng không đủ để tôi nuôi thân chứ nói gì đến phụ giúp gia đình, vợ con chi tiêu, ăn, học. Thế nhưng phần vì thương con trẻ vùng cao thiệt thòi, phần vì tiếc công sức đầu tư cho học hành, rồi những năm tháng vất và sống chết vì trường, vì lớp nên lúc khó khăn nhất tôi vẫn quyết tâm cùng các thầy cô trong trường Thanh Quân quyết bám lấy nghề...
Đồng cảnh ngộ, thầy Vi Văn Hướng nhớ lại: Thời đó, cuộc sống của người dân thật khó khăn. Chọn vào trung cấp sư phạm cũng vì gần nhà và nhà quá nghèo không có tiền cho con đi học xa. Lúc mới ra trường cảnh giáo viên mầm non ai ai cũng đều khó khăn như nhau. Cuộc sống của các thầy cô rất vất và thiếu thốn trăm bề. Việc đưa được các cháu tới trường cũng rất gian truân, giao thông đi lại khó khăn. Từ điểm trường xuống bản để đến nhà từng học sinh vận động cũng mất nửa ngày đường. Trường sở lại không có, phải mượn nhà dân dạy dưới sàn…
Thầy Vi Văn Dương cũng tâm sự: Nhớ lại những ngày đầu vào trường chúng tôi cũng thấy khó vì là con trai nhưng xác định đã đi học rồi, mất tiền rồi, phải cố thôi. Lúc mới nhận công việc tại trường, chế độ chưa có gì đâu, đi dạy thì bà con góp lúa, gạo hỗ trợ. Cũng như hàng chục ngàn giáo viên mầm non những năm cuối thế kỷ trước, mỗi vụ thu hoạch, tôi cũng như các thầy cô trường mầm non Thanh Quân được dân góp cho vài yến lúa. Sức vóc tuổi trẻ của chúng tôi đã dành cho việc đứng lớp, nên việc làm kinh tế đành để vợ gánh vác, thu nhập bấp bênh, gia đình nhiều phen lao đao.
Hàng ngày, sau khi tan lớp, thầy Dương cũng như thầy Tiền, thầy Hướng, thầy Tình và các thầy cô khác lại tranh thủ ra ruộng giúp gia đình tăng gia sản xuất. Sau khi trả các cháu về với gia đình thầy Dương lại cùng vợ, con chăm sóc 6 sào ruộng, vài sào mía. Những ngày đầu bước vào nghề, nhờ mấy sào ruộng này mà 4 miệng ăn nhà thầy không bị đói. Dù vất vả mưu sinh nhưng thầy luôn yêu và nguyện gắn bó với nghề.
Phải công nhận, thầy giáo trực tiếp đứng lớp tại các trường mầm non hiện nay không nhiều và có lẽ trường Thanh Quân có nhiều thầy giáo nhất. Nhưng điều đáng nói và đáng khâm phục hơn cả ở các thầy là sự theo nghề và bám nghề rất tâm huyết và tận tình. Hình ảnh người thầy mầm non thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao!
“Tôi vẫn nói họ chính là những người đi đầu, làm thay đổi kinh tế - văn hóa – xã hội vùng cao.…Cách đây một phần tư thế kỷ, chúng tôi đã có chủ trương tăng số lượng thầy giáo vào trong các trường sư phạm mầm non. Nếu có sự quản lý tính toán điều hành để thấy có lợi thì khuyến khích tăng số lượng nam giới trong các trường mầm non thì rất hay, nó có thể mang đến sự tốt đẹp". Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục |
Hiền Anh