Thầy Hiệp

Thầy Hiệp
 

(GD&TĐ) - Hơn 40 năm trước, dạo ấy vào mùa Đông năm 1968, Hà Nội hối hả đi sơ tán, các thành phố như Hải Phòng, Hải Hưng (tên tỉnh lúc đó) cũng sôi sục không khí phòng chống bom đạn của máy bay Mỹ có thể ập đến bất cứ lúc nào… 

1. Mọi nhà có con nhỏ đều đi sơ tán, rời khỏi thành phố. Tôi cũng nằm trong số đó. Tôi học ở thị trấn Gia Lộc –  cách thị xã Hải Dương 11 km. Bố tôi cũng chuyển từ Quảng Ninh về đây, dạy Văn tại trường này, đồng thời để “cai quản” 2 anh em tôi luôn. Nơi này yên bình như thể chiến tranh chưa đi qua, lúc nào cũng nhộn nhịp ở bến xe ngựa, người đi, kẻ đến luôn ồn ào.

Tôi học lớp 6, rồi lên lớp 7 ở Trường cấp 2 xã Nghĩa Hưng. Đến cuối học kỳ 1, vào khoảng  cuối tháng 12, tôi thi và đạt điểm cao nhất kỳ thi học sinh giỏi huyện Gia Lộc. Tôi lần đầu tiên được nếm cảm giác tự hào về bản thân, chạy một mạch ra bãi cỏ ven hồ thị trấn, nằm lăn trên cỏ, giấu khuôn mặt đỏ bừng bừng vì vui sướng vào búi cỏ gấu thơm ngát...

Tôi được chọn vào đội thi học sinh giỏi Văn miền Bắc năm học 1968 - 1969. Tôi không nhớ rõ Hải Hưng lúc đó có bao nhiêu huyện, mỗi huyện chọn từ 2-3 học sinh đạt giải Văn huyện để tham dự đội tuyển. Khi lớp tập trung tại xã Hồng Hưng tôi đếm thấy 32 bạn tất cả. Những khuôn mặt sáng sủa, khoảng một nửa là con trai, lạ thế, vì từ xưa đến nay, ở các lớp chuyên Văn, đến ¾ là nữ, số con trai chỉ đếm trên 5 ngón tay là hết.

Lớp học của đội thi được đặt tại Trường cấp 2 Hồng Hưng (cách nhà tôi khoảng 3 km). Chúng tôi ở nhờ nhà dân, chia ra 2-3 người ở 1 nhà. Thầy Hiệp chủ nhiệm và dạy Văn học hiện đại, thầy Mậu dạy Văn cận đại, thầy Minh dạy mở rộng...

Thầy Hiệp chạy hết nhà này đến nhà khác, xem chúng tôi ăn, ở thế nào. Thầy hỏi từng nhà dân một, xem các chủ nhà có vừa lòng với đám học trọ ở nhờ như vậy không. Thời đấy sao mà ở nhờ dễ thế không biết, không thấy ai than thở và làm khó dễ cho tụi học trò ầm ĩ chúng tôi... mà họ coi như con, như cháu, nhường giường cho ngủ, cho rơm, rạ để nấu cơm. Tôi không hình dung được, nếu những người nông dân này lên thành phố ở, liệu chúng tôi có đối xử tử tế với họ như vậy không?

Tôi ở cùng Kiều Nga, Kim Dung - hai bạn học ở Trường Hồng Quang thị xã Hải Dương.

Sau 2 ngày ổn định chỗ ăn, ở, chúng tôi lên lớp học. Gọi là lên lớp cho oai, chứ thật ra chúng tôi tập trung vào 1 phòng lớn, chẳng bàn ghế gì cả, chỉ có thầy Hiệp đứng giữa nhà, nói chuyện Văn, chuyện đời tác giả Xuân Sách, Nguyễn Đình Thi... Cả lớp cứ há hốc mồm nghe. Với tất cả, đấy là những thông tin ngoài sách giáo khoa, mà được kể ra một cách thật hấp dẫn.

Thầy hỏi xem đã có bạn nào đọc hết “Vỡ Bờ” chưa?  Có ai đó thuộc một bài thơ nào của Xuân Diệu? Cả lớp ồn ào như vỡ chợ. Chúng tôi tranh nhau phát biểu, thầy chăm chú lắng nghe tất cả. Thầy cho chúng tôi tranh luận, cho thoải mái phát biểu cách hiểu của mình về Văn học đương đại...  

Quả thật, đây là lần đầu tiên tôi được học Văn một cách tự nhiên thế này. Thường là sau 2 tiếng học như vậy, thầy trò chúng tôi lại kéo nhau ra bờ mương ngồi chơi, để ai cũng có thể  kể về mình và tranh luận tiếp những thắc mắc, hỏi thầy về những giai thoại văn chương. Thầy Hiệp luôn như một người cha, người anh của chúng tôi.

Lớp học thời chiến được tổ chức ở sân kho, sân đình và cả hầm trú ẩn
Lớp học thời chiến được tổ chức ở sân kho, sân đình và cả hầm trú ẩn
 

2. Chúng tôi học bên nhau 20 ngày, mà sao thấy thời gian trôi nhanh quá, chúng tôi đã quen thân nhau và bắt đầu lo sợ khi thi xong là chia tay. Tôi thân với Ngọc (ở Trường cấp 2 Thanh Hà), với Thanh Nga (cấp 2 Bần, Yên Nhân), Oanh (ở cấp 2 Mỹ Hào)...

Có một đêm, khoảng hơn 8 giờ tối, thầy Hiệp gọi tôi, Ngọc, Oanh đi dạo đường làng. Chợt nghe thấy tiếng gà gáy, thầy hỏi chúng tôi: “Gà gáy gì nhỉ? các em nghĩ đi nào”. Ngọc nói “Tiếng gà buồn bã trong đêm”, Oanh nói “Gà chợt thức giấc và dõng dạc gáy”, tôi nói “gà gáy eo óc trong đêm thanh vắng”. Thầy Hiệp chộp ngay câu của tôi “Hoa nói rất hay”.

Bốn thầy trò đi vòng vòng qua giếng Chằm, ánh trăng dìu dịu thật nên thơ. Thầy Hiệp nói “Ngọc và Hoa nên thi vào Tổng hợp Văn. Các bài Văn của các em thầy đã nhìn thấy một điều gì đó, thầy tin hai em sẽ đỗ đấy”. Tôi cười phá lên, vì cho đến lúc này, tôi không bao giờ nghĩ là mình có khả năng học Văn, tôi không biết là mình giỏi gì? 

Đêm đó, tôi nằm thao thức, thầy Hiệp đã gieo vào đầu tôi một hạt giống hy vọng... Sau này tôi nói với bố tôi, người đã khích lệ tôi và khẳng định lời thầy Hiệp sẽ đúng.

Tôi được giải Khuyến khích. Tôi buồn vì kết quả không như mong ước. Thầy Hiệp rất vui và động viên tôi, thầy nói là các em đã cố gắng, đã thực sự bước vào cuộc chiến cho tương lai, kết quả có thể sẽ tốt hơn nếu các em được cọ xát, được trau dồi thêm các kỹ năng... Thầy cần phải cảm ơn em.

3. Lớp 8, tôi về Hà Nội học và thi đỗ vào lớp chuyên Văn của Sở Giáo dục Hà Nội. Lớp chuyên của tôi đặt trong Trường cấp 3 Yên Hòa. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được thư của thầy Hiệp. Những lá thư động viên, khuyên nhủ và trao đổi ngang hàng như bạn, đó là tất cả những gì tôi cần cho tương lai...

Vâng, tôi đã  xác định được hướng đi của đời mình bắt đầu từ năm lớp 8 này rồi. Và tôi cũng được biết  một chút về đời tư của thầy giáo tôi: Thầy sinh trong 1 gia đình Việt kiều Thái Lan, thầy về nước vào đầu năm 60, tự đi học Cao đẳng Sư phạm Văn, tự mình chèo chống cuộc đời. Thầy chưa lập gia đình vì hoàn cảnh kinh tế chưa cho phép. Thầy chỉ ở trong 1 phòng xép 8 m2 của Trường Hồng Quang, ngoài cái xe đạp cũ ra, thầy chẳng có gì nữa...

Đến hết lớp 9 thì tôi không còn nhận được thư của thầy nữa. Khi được nghỉ hè, tôi có về Trường cấp 2 Hồng Quang. Tôi đã đến tận nơi để tìm thầy. Mọi người nói là thầy đã chuyển đến trường X. Không để lại địa chỉ. Cái cách chỉ dẫn của người nói làm toát lên vẻ không ưa gì thầy Hiệp. Tôi cảm nhận rõ điều đó. Tôi về lại Hà Nội mà lòng nặng trĩu. Tôi đã đỗ vào Tổng hợp Văn, còn Ngọc vào ĐH Sư phạm Văn Hà Nội, cả hai chúng tôi có điểm cao tuyệt đối.

Tôi hy vọng là thầy tôi vẫn khỏe mạnh, chắc đã về hưu, đang nghỉ ngơi ở đâu đấy với gia đình. Thầy Hiệp của tôi vẫn như ngày nào, quan tâm và tử tế với mọi người, và chắc vẫn nghèo thanh bạch như xưa.

Tôi muốn nhắn gửi rằng, tôi và Ngọc vẫn muốn được gặp thầy và cho thầy biết, điều thầy dự đoán năm xưa là đúng.

Hoàng Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.