Thầy giáo nuôi dưỡng ước mơ học trò ở Cù Lao Dung

GD&TĐ - Về thăm Cù Lao Dung – Vùng cù lao đẹp tựa bài thơ trong cảnh yên bình của người dân Nam Bộ, chúng tôi ghé thăm thầy giáo Lâm Văn Cam (sinh năm 1984) – Giáo viên dạy Toán trường THCS Thị trấn Cù Lao Dung – thầy giáo giàu lòng tận tâm, yêu nghề và nhiệt huyết cống hiến từng ngày với trò ngoài đảo,…

Thầy Lâm Văn Cam (đứng giữa) cùng học trò của mình.
Thầy Lâm Văn Cam (đứng giữa) cùng học trò của mình.

Khó khăn nhưng vẫn còn hạnh phúc!

Thầy Lâm Văn Cam sinh năm 1984 là người dân gốc ở An Thạnh (Cù Lao Dung, Sóc Trăng). Tuổi thơ có nhiều thiệt thòi và chứng kiến những vất vả, nhọc nhằn trông chờ vào trồng cây trái, nuôi tôm, cá, khiến cậu bé ấy lớn dần lên trong sự quyết tâm học giỏi thoát nghèo.

Ước mơ được đứng trên bục giảng trở thành hiện thực, thầy giáo Cam của ngày hôm nay luôn nhiệt huyết từng ngày dạy dỗ học trò, gieo tâm hồn, dưỡng những ước mơ cho từng lớp học sinh. Hình ảnh người thầy đứng trên bục giảng say sưa dạy học, lại kể chuyện, cùng làm bạn giúp các em học kỹ năng sống khiến ai nấy cũng yêu quý.

Hạnh phúc riêng của thầy Cam cũng gắn với nghề! Bạn bè đồng nghiệp trêu đùa trong đám cưới của thầy rằng: Có lẽ yêu nghề quá mà nhất định phải theo đuổi một cô giáo để lấy làm vợ!

Hai vợ chồng thầy Cam mỗi ngày đều trò chuyện với nhau về những đứa trẻ, hôm nay chúng tiến bộ thế nào, học được những gì và có tâm sự ra sao? Tình yêu với nghề nghiệp, với học trò là "nếp nhà" của gia đình thầy Cam. Trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp, cuộc sống của vợ chồng thầy Cam và hai con trôi qua yên bình, hạnh phúc, đủ đầy niềm vui với "vợ đẹp, con ngoan ngoãn học giỏi". 

Kỉ niệm với cây cầu khỉ bị gãy

Là người dân gốc ở Cù Lao Dung nhưng trong quá trình công tác, thầy Cam gặp không ít vất vả, đặc biệt là việc huy động học sinh ra lớp vì các em theo cha mẹ đi làm ăn xa, độ tuổi học sinh chênh lệch nên nhận thức của từng học sinh, từng đối tượng khác nhau.

Bên cạnh đó, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn nên thầy và trò ở thị trấn Cù Lao Dung như bị bó hẹp về không gian, khoảng cách và môi trường giao tiếp cho học sinh.

Thầy Cam còn nhớ rõ một lần vào mùa nước nổi, trên đường dạy học về gặp một học trò lớp 7 đang ngập ngừng định qua cầu khỉ. Cầu đã bị ngập nước nên không nhìn rõ lối đi. Vậy là thầy giáo dừng xe, cầm tay dẫn học trò qua cầu. Nhưng nước ngập trôi cầu, chẳng còn lối đi nên hai thầy trò bơi dưới sông. Thầy vừa đi vừa giữ trò, qua được sông, cả hai thầy trò nhìn nhau không nói nên lời.  

Không chỉ dạy học, thầy Cam còn ôn tập cho các em thi học sinh giỏi: “Những lúc ôn tập cho các em, chỉ khoảng 5 học trò, ngoài việc học chính thức trên lớp ra, thầy trò tôi lại dành thêm thời gian bồi dưỡng, học tập các kiến thức nâng cao, các dạng bài toán khó,…những khoảnh khắc đó thầy trò chúng tôi như người thân một nhà vậy” – Thầy giáo Cam chia sẻ.

Yêu công việc giảng dạy, thầy Cam muốn gắn bó với học trò mỗi ngày, thầy cho rằng ở nơi đây học trò còn khó khăn, thiếu thốn nhiều nên muốn cùng trò chia sẻ những buồn vui, khó khăn, nguyện vọng, dành tình thương yêu các em trong quá trình giảng dạy và học tập. Thầy giáo xứ cù lao hy vọng những việc làm nhỏ bé hằng ngày của mình sẽ giúp ích cho học trò, sưởi ấm lòng ham mê học tập, đồng thời nuôi dưỡng những ước mơ cho những mầm xanh nơi đây.

Ước mơ của thầy giáo ngoài đảo

Thầy Cam là một trong những giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Chương trình do Trung Ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT, phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Khi được hỏi về mong muốn của mình, thầy Cam chia sẻ:Tôi chỉ mong dù ở nơi nào trên đất nước, tất cả học sinh trong độ tuổi đều được đến trường. Muốn vậy, đội ngũ giáo viên đang công tác tại các vùng khó khăn, hải đảo hãy yên tâm công tác và tiếp tục sự nghiệp, con đường mình đã chọn. 

Ở đâu có những ước mơ, hoài bão lớn, ở đó đang cần những giáo viên đầy nhiệt huyết cũng như các thầy cô giáo trẻ bắt tay xây dựng, thúc đẩy để những chủ nhân tương lai của đất nước hoàn thiện nó.

Hơn thế nữa, tôi cũng mong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” không chỉ dừng ở nơi cắm bản, hải đảo, không chỉ dừng lại ở giai đoạn 2015 – 2019 mà còn mở rộng ra các vùng, miền khó khăn, xa xôi,… vì nhiều địa phương còn có nhiều gương giáo viên tiêu biểu, đang thầm lặng cống hiến, gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy của mình đang cần chia sẻ, động viên đúng theo ý nghĩa nhân văn của chương trình...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ