Thầy giáo làng say mê “truyền lửa” văn hóa đọc

GD&TĐ - Cứ cuối tuần, ngôi nhà của thầy Bùi Văn Đông, thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô (Ninh Bình) lại tấp nập người đến mượn sách. Với gần 4.000 đầu sách các loại, hàng trăm lượt đọc sách mỗi tuần, thư viện sách của thầy Đông đã trở thành một điểm văn hóa quen thuộc trong nếp sinh hoạt cuối tuần của rất nhiều người, đặc biệt là các em nhỏ và sinh viên.

Thầy Bùi Văn Đông tại thư viện gia đình
Thầy Bùi Văn Đông tại thư viện gia đình

Xây dựng tủ sách lớp học

Thầy giáo Bùi Văn Đông (SN 1962), Phó phòng GD&ĐT huyện Yên Mô (Ninh Bình) sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghề thủ công. Bố làm việc ở trạm y tế xã, mẹ là thợ thủ công làm thảm cói. Từ bé, cậu học trò Bùi Văn Đông đã ham đọc sách. Mỗi khi bố đi làm về, có mấy tờ báo Nhân dân, Đông rất thích và đọc ngấu nghiến. Thích đọc sách nên từ lớp 1, lớp 2, Đông đã được bố mẹ mua sách để đọc.

Sau này, khi học lên cấp 3, đại học, rồi ra trường làm giáo viên dạy Toán, thầy giáo trẻ Bùi Văn Đông luôn dành tiền để mua những cuốn sách yêu thích. Có niềm yêu sách đặc biệt, thầy Đông luôn ấp ủ sẽ lập ra những tủ sách lớp học và gia đình để truyền cảm hứng đọc cho nhiều người. Vì thế, cứ mỗi lần có sách hay, thầy lại mang đi tặng.

Thầy Đông nhớ lại: “Cách đây hơn hai năm, trong lần đi công tác đến Trường THCS xã Yên Đồng, thấy các em học sinh (HS) ở đây rất ham đọc sách. Tôi hứa, đầu năm học sẽ tặng sách cho các em. Vào năm học mới 2017 - 2018, tôi đã mua hơn một triệu đồng tiền sách và mang tặng các em học sinh nhà trường. Không chỉ tặng sách, tôi còn khuyến đọc bằng cách giới thiệu về những cuốn sách tôi tặng các em và khi được biết tôi chỉ là giáo viên dạy toán thì các em rất thích thú.

HS Trường THCS Yên Thắng chọn sách ở thư viện gia đình thầy Đông
HS Trường THCS Yên Thắng chọn sách ở thư viện gia đình thầy Đông 

Từ khi ở Trường THCS Yên Đồng về, niềm vui cứ nhen nhóm. Hàng ngày, thầy Đông âm thầm, lặng lẽ truyền văn hóa đọc đến các thầy cô giáo, rồi các em học sinh toàn huyện. Tủ sách lớp học của thầy Đông và nhóm “Sách hóa nông thôn Yên Mô” gây dựng ở Trường THCS Yên Đồng bắt đầu được lan rộng ra nhiều trường trên địa bàn.

Đến nay, sau hơn hai năm thực hiện, với ba đợt triển khai, thầy cùng các nhà trường đã thực hiện được trên ba trăm “tủ sách lớp học” ở 14 trường THCS, 10 trường tiểu học và 18 trường mầm non trên địa bàn. Ngoài ra, thầy còn vận động một số trường làm được tủ sách dùng chung cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tùy theo điều kiện và nhu cầu của các trường.

Về kinh phí thực hiện “tủ sách lớp học”, thầy Đông cho biết, ban đầu thầy và một số anh em nhóm “Sách hóa nông thôn Yên Mô” hoàn toàn chủ động. Sau đó, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các nhà trường, giáo viên, học sinh, các bậc phụ huynh vì mọi người đều hiểu được giá trị to lớn của việc đọc sách. Việc nâng cao văn hóa đọc là cốt lõi của giáo dục, không chỉ nâng cao tri thức mà còn giúp xã hội ngày càng tiến bộ và phát triển hơn. Vì thế, các tủ sách lớp học sau này được thực hiện xã hội hóa. Thầy Đông chỉ là người “truyền lửa” và góp thêm ít đầu sách cho các tủ sách này.

Tâm huyết với tủ sách gia đình

Nói về tủ sách gia đình, thầy Đông cho biết: “Sau nhiều năm ấp ủ, đúng Ngày Sách Việt Nam (21/4/2018), tôi chính thức khai trương “Tủ sách gia đình”, phục vụ miễn phí cho các em học sinh và người dân địa phương. Tôi đóng kệ sách và trưng bày sách xong, dùng mạng xã hội để kết nối. Tiếng lành đồn xa, từ trẻ con đến người lớn ai cũng biết. Họ tìm đến mượn sách, kể cả buổi tối. Vừa kết nối, tôi vừa kêu gọi ủng hộ sách từ khắp các nơi nên số sách cứ tăng dần. Đặc biệt là học trò cũ, mỗi lần đến thăm thầy đều không quên tặng sách”.

HS đến thư viện của thầy Đông mượn sách
HS đến thư viện của thầy Đông mượn sách

Hiện nay, tủ sách của gia đình thầy Đông có nhiều loại sách khác nhau như: Sách tri thức khoa học giáo dục, sách lịch sử, văn học, tiếng Anh, sách cho các bà mẹ và trẻ em… Nhiều nhất là sách dành cho học sinh, chiếm 50%. Trước khi được đánh mã số, đưa lên giá sách phục vụ bạn đọc, thầy đều xem qua từng cuốn và nghiên cứu kỹ xem sách có ý nghĩa hay không rồi mới cho mượn. Theo thầy Đông, tính trung bình 1 tháng có khoảng 200 người mượn. Đối tượng mượn sách có độ tuổi từ mầm non đến THPT, phụ huynh, GV, sinh viên nghỉ hè.

Những tháng hè, thầy Đông mở cửa tủ sách cả ngày để tiếp đón độc giả. Vào năm học, tủ sách chỉ mở cửa ngày vào thứ Bảy và Chủ nhật. Các em học sinh, người dân khi đến đọc và mượn sách được thầy Đông tận tình hướng dẫn cách chọn sách đọc sao cho phù hợp với lứa tuổi, cách thưởng sách sao cho hiệu quả. Ngoài việc xây dựng tủ sách gia đình, thầy Đông còn đi tư vấn cho các cá nhân trong và ngoài tỉnh làm tủ sách cộng đồng, tư vấn cho các nhà trường ở huyện bạn làm tủ sách lớp học hay đi tặng sách cho nhà văn hóa...

Hoạt động khuyến đọc của thầy cũng đa dạng và phong phú bằng các hoạt động như tặng sách, tặng lịch, tặng giá đọc sách, cho HS đi trải nghiệm ở Không gian Văn hóa Đông Tây, mời nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương về nói chuyện với các GV và HS, tổ chức khuyến đọc cho GV dạy Sử, tổ chức cho HS viết review những cuốn sách đã đọc ở tủ sách nhà thầy… Với những việc làm như thế, thầy Đông lan tỏa văn hóa đọc đến nhiều người. Thầy đã giúp cho người dân trong vùng biết quý trọng sách, đam mê đọc sách, trẻ em bớt tìm đến những trò chơi vô bổ, yêu sách hơn, học tập tốt hơn.

Dự định của thầy Đông trong thời gian tới, vẫn tiếp tục tăng cường phát triển văn hóa đọc, tư vấn cho người khác để tiếp tục mở tủ sách cộng đồng. Thầy nói rằng, ít năm nữa khi về hưu sẽ mở rộng tủ sách gia đình lớn hơn để được phục vụ mọi người nhiều hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ