Thầy giáo đặc biệt của trò nghèo

GD&TĐ - Thoạt đầu, thầy Võ Văn Tâm (63 tuổi, ngụ xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đến với nghề dạy học với một lý do bất khả kháng. Nhưng rồi, bảng đen phấn trắng dần trở thành cái “nghiệp” trong đời thầy. Từ sự dạy dỗ của thầy, nhiều thế hệ học sinh nghèo có được tri thức, trở thành người có ích cho xã hội.

Thầy Tâm bên chiếc bảng cây dạy chữ
Thầy Tâm bên chiếc bảng cây dạy chữ

Từ lớp học mở bên hiên nhà

Sinh ra trong gia đình làm nông ở miệt vườn Cái Bè, trong một lần đi thăm vườn, chẳng may đạp phải trái mìn còn sót lại thời chiến tranh, đôi chân thầy trở nên thương tật. Từ một thanh niên tuổi 18 căng tràn sức sống bỗng dưng trở thành người tàn phế, thầy rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Nhưng rồi, khi nỗi đau thể xác dần nguôi ngoai, thầy khao khát được làm điều gì đó giúp ích cho đời, chí ít là đem những hiểu biết của mình để dạy cho trẻ con nghèo trong xóm. Thế là thầy chính thức “hành nghề” gieo chữ ở tuổi 25. Lớp học của thầy được bố trí bên hiên nhà, ngày nắng thì nóng, ngày mưa thì ướt nhưng thầy trò cùng khắc phục, cùng luôn cố gắng.

Dù chỉ học xong chương trình lớp nhất (lớp 5 ngày nay) nhưng thầy Tâm ráng đem hết tri thức tích lũy được từ trước đến nay để truyền giảng lại cho học trò. Ban đầu, lớp có khoảng 7 em, sau được mọi người biết đến nên số lượng tăng dần. Thầy dạy miễn phí các môn chính yếu trong chương trình cấp tiểu học như Tiếng Việt, Toán, Đạo đức…

Với niềm tin mãnh liệt ở cuộc sống, vượt qua mặc cảm và cả sự khó khăn khi di chuyển của người thương tật, thầy Tâm đã giúp xóa mù chữ cho hàng trăm trẻ em nghèo. Phụ huynh đã tự tay đóng bảng, đóng bàn ghế giúp thầy dạy học, tiếp thêm nghị lực cho thầy.

Chị Nguyễn Thị Hồng Tươi thăm lại thầy giáo cũ
Chị Nguyễn Thị Hồng Tươi thăm lại thầy giáo cũ 

Đến chuyên nghiệp hóa việc dạy học

Tuy là lớp học nghiệp dư, nhưng hiệu quả được minh chứng thấy rõ qua con số có đến 99% học sinh của thầy khi rời “lớp” biết đọc, biết viết và hoàn thành chương trình phổ cập. Trong lớp học, thầy rất nghiêm khắc, bài học của thầy dễ hiểu nên cứ hết thế hệ này đến thế hệ khác tìm đến với thầy. Có khi là cả một gia đình, từ anh em cho đến con cháu, đều theo học thầy. Lại có em vừa theo học ở trường chính quy vừa tìm đến lớp học của thầy để “bồi dưỡng” thêm, vì “thầy dạy dễ hiểu”!

Bà Lê Thị Âu (ngụ xã Tân Thanh) bày tỏ: “Hồi trước, ở cồn Bình Hưng bên kia sông cũng có trường học, nhưng khi biết thầy Tâm nhiệt tình dạy dỗ mấy đứa nhỏ, cha mẹ chúng ở trên cồn dần dần biết tới, đưa con qua nhà thầy học mỗi ngày một đông. Mấy đứa cháu của tôi cũng học với thầy từ sáng đến chiều. Con cháu được đi học là chúng tôi mừng lắm rồi”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Tươi (ngụ xã Tân Thanh) chia sẻ: “Thầy rất thương học trò nên ai cũng quý mến. Trẻ con trong xóm vì vậy đi học rất đều đặn. Hồi trước tôi cũng theo bạn đi học ở nhà thầy mà thầy không lấy tiền. Nếu ngày đó không có thầy tận tâm chỉ dạy kiến thức thì mấy anh em tôi không được như ngày hôm nay”.

Tuy là “thầy giáo không bằng cấp” nhưng ý thức trách nhiệm của thầy rất lớn. Thầy tích cực tiếp cận, tích lũy những kiến thức mới và tự mua sắm sách giáo khoa, sách giáo viên về nghiên cứu để dạy. Theo thời gian, chương trình dạy và học có sự thay đổi nhất định, được sự hướng dẫn của các thầy cô giáo ở trường chính quy (dù là những thầy cô nhỏ tuổi hơn thầy), thầy nỗ lực tiếp thu, xem như là cách trau dồi, củng cố chuyên môn nghiệp vụ cho phù hợp với đương thời.

Giáo án của thầy luôn luôn ở trong đầu, thầy dạy bằng trí nhớ và kinh nghiệm. Do không bị ràng buộc bởi thời gian hay những sổ sách chuyên môn nên thầy rất linh hoạt trong từng buổi dạy; có lúc giảng đi giảng lại nhiều lần cho đến khi học trò hiểu được bài mới thôi. Đã vậy, học sinh thuộc nhiều độ tuổi và trình độ nên thầy phải sát sao với từng em một nhưng vẫn bám sát chương trình. Biết là vất vả là vậy nhưng thầy nhất định thực hiện đúng quy trình dạy học và kết quả là hầu hết các em đều học tốt.

“Chịu ít nhiều áp lực về kinh tế và sinh hoạt bản thân, nhưng tôi vẫn muốn bám trụ với nghề vì từng được nghe một người động viên tôi qua câu nói ‘tàn nhưng không phế’. Niềm vui hàng ngày trong cuộc sống của tôi là từ các em học sinh. Vậy nên còn sức khỏe thì tôi còn dạy, sức nhiều dạy nhiều, sức ít dạy ít, khi nào hết sức thì mới nghỉ”, thầy Tâm chia sẻ.

Đến nay, thầy Tâm đã có trên 35 năm gieo chữ cho trẻ em nghèo. Dù không thể “đứng lớp” theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nhưng thầy vẫn tận tâm trong từng buổi học. Phải ngồi bệt dưới đất để viết bảng, nhưng vị thế của thầy rất cao trong lòng nhiều thế hệ học trò nơi vùng quê.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ