Thầy giáo bày cách để học sinh lớp 9 tự ôn tập hiệu quả môn Ngữ Văn vào 10

Thầy giáo bày cách để học sinh lớp 9 tự ôn tập hiệu quả môn Ngữ Văn vào 10

Năm học 2019-2020, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sau kỳ nghỉ dài, học sinh phải tự học và ôn tập tại nhà những kiến thức đã học mà chưa được học bài mới. Mặc dù thời gian thi chính thức được thay đổi lùi lại nhưng cấu trúc đề và kiến thức bài thi hiện vẫn theo hướng dẫn trước đó.

Thầy giáo Nguyễn Văn Lự cho rằng:, để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 THPT tỉnh Vĩnh Phúc năm học 2020-2021, học sinh cần:

1. Nắm vững cấu trúc đề thi Năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng cấu trúc đề cho trường THPT không chuyên gồm 2 phần, Trắc nghiệm (2 điểm) và Tự luận (8 điểm) và đề thi vào THPT Chuyên gồm 3 câu theo tỉ lệ: câu 1 (2 điểm), câu 2 (3 điểm) câu 3 (5 điểm). So với năm 2018, đề Ngữ văn của Vĩnh Phúc 2019 có thay đổi ở phần trắc nghiệm của đề không chuyên và giảm 1 câu (còn 3 câu) của đề thi vào trường THPT Chuyên.

Kỳ thi năm học 2020-2021, môn Toán và Ngữ văn thời gian làm bài tự luận 120 phút, không thay đổi so với năm học 2019-2020, chỉ thay đổi bài thi Tổ hợp và cách xét tuyển vào trường THPT Chuyên. Đề Ngữ văn sẽ gồm 2 phần trắc nghiệm và tự luận với câu hỏi phân hóa, phần tự luận thí sinh cần nắm vững kiến thức và kỹ năng nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

2. Phần trắc nghiệm, để đạt điểm cao phần trắc nghiệm, với 4 câu hỏi 2 điểm, các em cần ôn tập kiến thức tiếng Việt về từ vựng và tu từ, về câu và liên kết câu, phương thức biểu đạt và kiến thức về văn bản chủ yếu ở lớp 9.  

Thực chất của câu hỏi trắc nghiệm vẫn là kiến thức đọc hiểu một đoạn văn bản cụ thể trong đề bài. Các em cần ôn tập bằng cách làm các câu hỏi của bài tổng kết tiếng Việt trong sách giáo khoa lớp 9, tham khảo sách bài tập và nếu chưa hiểu có thể gọi điện trao đổi với cô giáo. Mỗi tuần tự ôn một nội dung câu hỏi để hiểu bản chất, trừ bài chưa học đến.

3. Câu viết đoạn văn trong đề Ngữ văn vào 10 năm học 2019-2020 không giới hạn số chữ khiến nhiều em hiểu sai, viết quá dài trong khi thời gian dành cho viết đoạn chỉ 20-30 phút với các yêu cầu phụ. Với 3 điểm, nội dung nghị luận cần ngắn gọn, đúng vấn đề và diễn đạt dễ hiểu sẽ được 2 điểm, còn 1 điểm dành cho các yêu cầu phụ. 

Các trò cần tập viết theo cấu trúc của đoạn văn khoảng 200 chữ chứ không phải một bài văn nghị luận xã hội dài. Đoạn văn gồm câu chủ đề nêu khái quát về đề tài, các câu sau làm rõ vấn đề bàn luận là gì, biểu hiện thế nào và ý nghĩa/bài học, suy nghĩ và hành động của em về vấn đề đó. Làm câu hỏi phụ đến đâu hoàn thiện luôn, không để lại cuối giờ thi vội vàng dễ bị bỏ quên.

Vấn đề xã hội đề thường hỏi là những vấn đề gần gũi với tuổi học trò, đôi khi có tính thời sự. Các em hiểu vấn đề thế nào cứ mạnh dạn viết ra theo cách trả lời câu hỏi: là gì, biểu hiện như thế nào, ý nghĩa và ảnh hưởng đến chúng ta thế nào và cần làm gì đề thực hiện vấn đề đó. 

Không nên lệ thuộc vào đoạn văn mẫu mà đọc đoạn mẫu để bắt chước cách họ viết thế nào để mình viết. Đề thi hầu như mới hoàn toàn, nên học thuộc đoạn văn mẫu là tuyệt đối không nên làm. Thời gian này là cơ hội tốt để các em tự luyện viết đoạn, dùng từ, đặt câu và diễn đạt. Viết đoạn tốt sẽ giúp viết bài nghị luận hiệu quả.

4. Nghị luận văn học, trong hơn chục tác phẩm học ở lớp 9, các em cần nắm vững xuất xứ/hoàn cảnh sáng tác, đọc lại tác phẩm để nắm cốt truyện, chi tiết, học thuộc thơ để hiểu từng câu chữ, hình ảnh thơ và biện pháp nghệ thuật.
Các em tự ôn tập bài đã học bằng cách trả lời câu hỏi hướng dẫn học bài, tự diễn đạt ý hiểu vào vở thành đoạn văn ngắn. Bài soạn văn hôm nào chép vội để đối phó thầy cô kiểm tra nay đem ra đọc lại và viết thành bài soạn mới.

Câu hỏi 5 điểm yêu cầu thí sinh nắm chắc kiểu bài nghị luận về 1 tác phẩm hay đoạn trích, về nhân vật truyện hay 1 bài thơ/đoạn thơ trong chương trình chính khóa lớp 9. Làm bài về truyện, các em cần nhớ dẫn chứng là những chi tiết tiêu biểu. Hành động, việc làm thể hiện vẻ đẹp, tính cách, phẩm chất của nhân vật, còn với thơ, các trò cần nêu được nghĩa tả thực hình ảnh từ ngữ viết về cái gì, về việc gì sau đó mới phân tích ý nghĩa liên tưởng đến điều gì khác. 

Hình ảnh “hàng tre bát ngát” (trong bài Viếng lăng Bác - Viễn Phương) là miêu tả vẻ đẹp chân thực, giản dị, tự nhiên của hàng tre xanh có thật bên lăng Bác… rồi các em hãy viết hình ảnh hàng tre “Bão táp mưa sa vẫn đứng thẳng hàng” tượng trưng cho khí phách và tâm hồn dân tộc Việt Nam… Nếu phân tích thơ nhất thiết các em phải đọc thật kỹ bài thơ và liên tưởng, tưởng tượng để hiểu từ ngữ và hình ảnh, nhịp điệu thì khi phân tích truyện lại bám sát diễn biến câu chuyện với các chi tiết, sự việc liên quan các nhân vật.

5. Bài thi vào lớp 10 đòi hỏi thí sinh hiểu và vận dụng được các kỹ năng nghe - đọc - nói - viết thành thạo tiếng Việt. Hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu nghĩa của từ nào không hiểu qua Từ điển Tiếng Việt hoặc tra cứu trên Google, hoặc đọc bài hệ thống về từ Hán Việt ở cuối sách giáo khoa Ngữ văn tập 2 các lớp 6,7,8,9. Rèn kỹ năng dùng từ, viết câu, viết đoạn ngắn theo yêu cầu về các loại câu đã học. Phân tích ngữ pháp và rèn cách rút gọn, mở rộng câu theo cấu trúc (câu đơn, câu ghép) hoặc theo mục đích nói (câu hỏi, câu cảm, câu khiến, câu kể)… 

Đọc lại thật chậm để hiểu các bài học lý thuyết ở sách giáo khoa lớp 9 về kiểu bài nghị luận về truyện, về thơ và các kỹ năng làm bài như các phân tích đề, lập dàn ý sơ lược, viết và đưa dẫn chứng, kỹ năng đọc lại và hoàn thiện bài. Để đạt điểm cao, bắt buộc môn thi nào các em cũng phải đọc thật kỹ đề, phân tích đề, hiểu rõ yêu cầu của đề rồi mới bắt tay làm bài. 

Để thời gian nghỉ phòng chống dịch covid-19 trở thành cơ hội rèn phương pháp tự học, củng cố và nâng cao tri thức và kỹ năng học văn viết văn, các trò lớp 9 cần nêu cao tính tự giác và kỷ luật bên cạnh việc sắp đặt thời gian và thực hiện ôn tập nghiêm túc theo những trọng tâm trên. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.