Khẳng định điều này, ThS Phạm Thị Thu Khuê (Trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai) cho biết: Nhà trường đã tiến hành một chương trình hoạt động trải nghiệm sáng tạo với 4 nhóm hoạt động chính: Hoạt động tổ chức sự kiện, hoạt động câu lạc bộ, hoạt động tình nguyện và hoạt động định hướng.
Cơ hội thể hiện năng lực sáng tạo
Theo ThS Phạm Thị Thu Khuê, ngay từ đầu năm học, lãnh đạo Trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện và thành lập nhóm chuyên trách với sự tham gia của tất cả cán bộ, giáo viên trong nhà trường.
Tất cả các sự kiện dự kiến sẽ diễn ra trong hoạt động giáo dục nhà trường một năm học sẽ được hình dung để đưa vào kế hoạch hoạt động.
Chẳng hạn, khai giảng, đại hội Đoàn thanh niên, hoạt động mừng ngày 20/11, gặp mặt đầu xuân các thế hệ học sinh, giáo viên, ngày hội tư vấn tuyển sinh, một ngày làm học sinh trường chuyên dành cho học sinh các trường THCS chuẩn bị thi vào lớp 10, hội khỏe Phù Đổng,…
Các nhóm trưởng sẽ bàn bạc trong nhóm và lên kế hoạch cụ thể, chi tiết về nhiệm vụ được phân công, trình lên lãnh đạo nhà trường duyệt, sau đó chủ động tổ chức các sự kiện được giao.
Với cách làm này, mỗi thành viên trong nhóm đều có cơ hội thể hiện hết những năng lực sáng tạo, năng lực lãnh đạo và tổ chức, điều hành; năng lực hợp tác, làm việc nhóm…
Giữa các nhóm có sự thi đua, thậm chí cạnh tranh tiến độ theo các tiêu chí do nhà trường thống nhất từ đầu năm học. Đây cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua.
Phát triển năng lực hợp tác, đoàn kết
ThS Phạm Thị Thu Khuê cho biết, cùng với hoạt động tổ chức sự kiện, hoạt động câu lạc bộ được xác định là hoạt động chính, nằm trong chương trình trải nghiệm sáng tạo của các bộ môn học và các hoạt động giáo dục khác.
Với nội dung này, công tác chỉ đạo gồm các bước sau:
Xác định đầy đủ mục đích và ý nghĩa của hoạt động câu lạc bộ nói chung và câu lạc bộ học tập dành cho học sinh trung học nói riêng.
Sau đó, đưa vào kế hoạch năm học của nhà trường, kế hoạch hoạt động của các tổ chuyên môn.
Nhà trường tổ chức thảo luận để ban hành một số văn bản hướng dẫn cụ thể hoạt động của các câu lạc bộ dựa trên các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT về đổi mới phương pháp dạy học, dạy kỹ năng sống cho học sinh THPT.
Tiếp đến, giao nhiệm vụ cho các tổ trưởng tổ chuyên môn, trưởng các tổ chức, bộ phận theo từng lĩnh vực tương ứng; dự trù phân bổ kinh phí cho hoạt động câu lạc bộ với tư cách là một hoạt động thường niên, gắn liền và hỗ trợ cho hoạt động dạy học trong nhà trường.
Đặc biệt, có lưu ý hoạt động kiểm tra, đánh giá, lấy hiệu quả hoạt động của từng câu lạc bộ làm tiêu chí bổ sung cho việc đánh giá, xếp loại học sinh, giáo viên…
ThS Phạm Thị Thu Khuê cũng cho biết, năm học này, Trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai có 8 câu lạc bộ thành viên mang tính học thuật tương ứng với 7 môn chuyên trong nhà trường và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Mỗi tháng các câu lạc bộ này sinh hoạt 1 lần; riêng các câu lạc bộ thể thao, nghệ thuật sinh hoạt từ 2 đến 3 lần trong tuần.
Giúp học sinh biết trân trọng giá trị cuộc sống
Với hoạt động tình nguyện, nhà trường giao cho các lớp, các tổ chức đoàn thể trong trường xây dựng chương trình hoạt động cụ thể.
Theo ThS Phạm Thị Thu Khuê, năm học 2014 - 2015, các lớp, chi đoàn của Trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai đều đăng lý các hoạt động tình nguyện, từ thiện phù hợp với điều kiện học tập của từng môn chuyên, từng lĩnh vực quan tâm.
Hoạt động này còn có sự tích hợp liên môn, vừa có ý nghĩa học tập kiến thức, vừa có ý nghĩa giáo dục hình thành tình cảm, thái độ, kỹ năng cho học sinh. Nội dung những phần tích hợp được nhà trường chỉ đạo xây dựng thời lượng, nội dung, tài liệu, cách thức thực hiện một cách cụ thể, phù hợp.
ThS Phạm Thị Thu Khuê chia sẻ, để thực hiện tốt các hoạt động này, nhà trường đã có kế hoạch phối hợp với Hội cha mẹ học sinh nhà trường và Hội cha mẹ học sinh từng lớp hỗ trợ phương tiện, hướng dẫn về cách thức, liên hệ được những địa chỉ cần thiết…
Hiện nay, nhiều lớp trong nhà trường đã tiến hành hoạt động này một cách rất có hiệu quả, có ý nghĩa giáo dục và ý nghĩa thực tiễn cao.
Định hướng tương lai
Cuối cùng trong danh sách hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động định hướng. Mục tiêu hoạt động này nhằm giúp học sinh phát hiện năng lực, tố chất và sở thích của bản thân; xây dựng được bản sắc, cá tính riêng.
Đồng thời, có được nhiều thông tin liên quan đến học tập và công việc, giúp các em biết lập kế hoạch và chuẩn bị cho hướng đi tương lai của bản thân một cách đúng đắn, hiệu quả.
Trong năm học 2014 - 2015, ThS Phạm Thị Thu Khuê cho biết, Trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai đã chia cụ thể các nhóm hoạt động định hướng, như: Hoạt động giúp hiểu rõ bản thân, hoạt động hướng nghiệp và hoạt động thể hiện trực tiếp nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, nhà trường đã đưa nội dung định hướng vào mô hình “Trường học gắn với du lịch, kinh doanh”.
Để thực hiện được mô hình này, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với Hội cha mẹ học sinh, Công ty du lịch Lào Cai, Phòng Văn hóa và du lịch của UBND 2 huyện Bắc Hà và Sa Pa để được tư vấn, hướng dẫn, tham khảo tài liệu, giúp thẩm định nội dung tài liệu sau khi biên soạn…
Nhà trường cũng cử giáo viên trực tiếp đến các địa chỉ trên để lựa chọn tài liệu phục vụ cho công tác viết tài liệu dạy học.
“Với những hoạt động cụ thể như trên, trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai đã đào tạo ra những thế hệ học sinh có định hướng tương lai rõ ràng với đầy đủ trí tuệ và thể chất, biết vận dụng tích cực những kiến thức đã học vào thực tế; biết chia sẻ, quan tâm đến cộng đồng; biết trân trọng những giá trị sống tốt đẹp” - ThS Phạm Thị Thu Khuê khẳng định.