Trưởng phòng Giáo dục tiểu học ( Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An) Trần Thế Sơn hồ hởi chia sẻ với chúng tôi như vậy khi nói chuyện về dự án trường học mới (VNEN) đang được triển khai thực hiện tại địa phương này.
Đổi thay lớn từ một mô hình
Câu nói của ông Sơn đã khiến chúng tôi quyết tâm tìm đến ngôi trường nơi biên cương của Tổ quốc. Qua tìm hiểu được biết, Trường tiểu học Nậm Cắn 1 huyện Kỳ Sơn nằm trên địa bàn xã vùng núi cao của tỉnh Nghệ An và là một trong những địa phương nghèo nhất so với cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy’, không còn là những em học sinh dân tộc thiểu số rụt rè, nhút nhát; trước mặt chúng tôi là những bạn nhỏ khá tự tin, năng động, nói năng lưu loát và sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào khi chúng tôi đưa ra.
Từng là một học sinh nhút nhát, ít nói, mỗi khi có người lạ là em Hờ Bá Cu (học sinh lớp 5A) lại ngồi co ro, thu mình trong góc lớp, ai hỏi câu gì cũng không nói, có chăng chỉ là những cái lắc đầu hoặc là gật đầu một cách miễn cưỡng.
Thế nhưng giờ đây Cu đã trở thành một người hoàn toàn mới. Em tự tin trong giao tiếp, hăng hái phát biểu trong lớp, sẵn sàng phản biện với cô giáo và các bạn. Gặp người lớn dù là quen hay không em đều lễ phép chào hỏi và trò chuyện thân mật với mọi người. Hiện Cu đã trở thành nhóm trưởng nhóm 2 của lớp.
Cũng giống như Hờ Bá Cu, em Lầu Mai Hoa không còn là một cô bé nói năng lý nhí và đỏ bừng mặt mỗi khi cô giáo hỏi. Hoa đã là Chủ tịch Hội đồng tự quản của lớp. Nhìn cách điều hành lớp học, chúng tôi thấy em khá chững chạc và rất ra dáng “lãnh đạo”.
Trao đổi với chúng tôi cô Nguyễn Thị Kiều – giáo viên chủ nhiệm lớp 5A - cho biết: Chúng tôi cũng không ngờ các em học sinh lại có sự tiến bộ nhanh đến như vậy.
Trước khi mô hình trường học mới được áp dụng, rất khó để có thể huy động các em tham gia vào các hoạt động học tập như là: Lên bảng làm bài tập, phát biểu ý kiến cá nhân hoặc là múa hát văn nghệ v.v… thế nhưng giờ đây mọi chuyện đã thay đổi. Mô hình trường học mới đã làm được điều này, khắc phục được hạn chế của cách dạy truyền thống như trước đây.
Lý giải cho sự tiến bộ rõ rệt của học sinh, cô Kiều phân tích: Có thể do lớp học VNEN được sắp xếp và trang trí một cách khoa học, khang trang gần gũi, thân thiện nên tạo được cảm giác thoải mái và hứng thú học tập đối với học sinh. Mặt khác, lớp học có đầy đủ các góc học tập, góc thư viện góc cộng đồng, sản phẩm của lớp học như: Hộp thư vui, Điều em muốn nói v.v…
Điều quan trọng là ở mô hình này, học sinh đã được đổi mới cách học đó là: phát huy tính chủ động, tự giác học tập, được học theo nhóm có sự giúp đỡ của giáo viên khi gặp khó khăn.
Đặc biệt, với lớp học VNEN, năng lực của từng em học sinh được bộc lộ và phát triển. Các em đã trở thành trung tâm của tiết học, được nói ra điều mình nghĩ và được trải nghiệm với những tình huống gần gũi với môi trường xung quanh. Chính vì lẽ đó mà học sinh đã hào hứng và ham học hơn.
Các em tự tin và hăng hái phát biểu, tày tỏ chính kiến của mình |
Chính quyền hỗ trợ, phụ huynh vào cuộc
Với những hiệu quả ró nét về phát triển năng lực và các kỹ năng cơ bản, mô hình trường học mới VNEN đã dần tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Phụ huynh đã tích cực hưởng ứng, chính quyền cũng đã vào cuộc để hỗ trợ cho Ngành.
Anh Và Bá Chịa – phụ huynh em Và Bá Xa (lớp 2C) tâm sự: "Ban đầu mình khá bất ngờ khi thấy con mình tự tin ở những nơi đông người không giống với nó ngày trước chút nào.
Hai bố con trên đường từ trường về nhà, gặp người lớn cháu chào hỏi rất lễ phép, nói năng mạch lạc rõ ràng. Tìm hiểu ra mới biết cháu được học theo mô hình trường học mới. Đến nay không còn là chuyện bất ngờ mà là sự tin tưởng tuyệt đối và gửi trọn niềm tin đến các thầy cô.
Chúng tôi sẵn sàng đóng góp công sức và tiền bạc để cùng với nhà trường để tạo điều kiện cho em mình được học tập trong điều kiện tốt nhất có thể theo mô hình VNEN".
Còn ông Lầu Bá Thái – Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn quả quyết: "Kết quả học tập và rèn luyện của con các em học sinh đã, đang thuyết phục dân bản và chính quyền địa phương. Cả hệ thống chính trị của xã sẽ cùng vào cuộc và đồng hành với giáo dục của địa phương.
Tất cả chỉ với một mong muốn đó: Con em dân tộc vùng núi cao này sẽ được phát triển toàn diện, rút ngắn khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi".
Theo báo cáo đánh giá của Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn: Năm học 2011-2012, Trường tiểu học Nặm Cắn 1 chưa thực hiện chương trình giáo dục theo mô hình trường học mới; toàn trường có 42 học sinh giỏi chiếm 14,9%; học sinh khá là 76 chiếm 27%; học sinh trung bình là: 149% chiếm 53% và học sinh yếu là 14 chiếm 5%; số lượng học sinh đạt trung bình trở lên là 267 em chiếm 95%.
Tuy nhiên sau khi thực hiện chương trình VNEN, kết quả này đã có sự thay đổi tích cực. Cụ thể: Năm học 2013 – 2014, số lượng học sinh giỏi là 56 em chiếm 18,4%; học sinh khá là 108 em chiếm 35,5% học sinh trung bình là 134 em chiếm 44,1% và học sinh yếu chỉ còn 6 em chiếm 2%. Tỷ lệ học sinh đạt từ trung bình trở lên là 298 em chiếm 98%.