Thầy cô phải được hạnh phúc

GD&TĐ - Giáo viên hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng nhấn mạnh điều này trong nhiều diễn đàn về GD. Theo Bộ trưởng, chúng ta phải khơi dậy tình cảm, giá trị truyền thống của các thầy, cô giáo. Đã đến lúc cần có những chính sách rất cụ thể, có tính khả thi cao, có lộ trình phù hợp, công bằng cho từng đối tượng và hoàn cảnh của chúng ta.

Nhà giáo phải là hình mẫu để học sinh noi theo
Nhà giáo phải là hình mẫu để học sinh noi theo

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, động lực quan trọng để thu hút được người giỏi vào sư phạm là học xong có việc làm. Cùng với đó là mức thu nhập ổn định để thầy, cô không phải bận tâm về “cơm áo, gạo tiền” và chuyên tâm vào dạy học. Mơ ước giàu từ nghề giáo thì khó nhưng mức thu nhập phải bảo đảm cho giáo viên để họ yên tâm công tác và chúng ta cần tôn trọng điều đó.

Nghề giáo đòi hỏi cao hơn, thể hiện trên khía cạnh đạo đức nhà giáo, lòng yêu nghề mến trẻ. Nhưng muốn vậy, cần bắt đầu từ 2 việc: Học phải có việc làm, thu nhập phải bảo đảm ổn định. Chúng ta phải có trách nhiệm để thầy, cô giáo được hạnh phúc. Bởi thầy, cô có hạnh phúc thì HS mới hạnh phúc, phụ huynh hạnh phúc và cả xã hội sẽ hạnh phúc. Con đường đi đến hạnh phúc còn dài nhưng chúng ta sẽ từng bước thực hiện.

Tới đây, Chương trình GDPT mới được triển khai áp dụng vào thực tế, các trường đã đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tăng cường GD làm người, thầy cô sẽ là hình mẫu để hướng dẫn cho HS. Rèn về đức không chỉ một vài chuyên đề mà ít nhất trong 4 năm sư phạm và trong quá trình trải nghiệm. Để học một bằng cấp về chuyên môn rất nhanh nhưng để rèn luyện được phẩm chất người thầy là một thách thức và rất cần có thời gian, phải là tự thân của các thầy cô.

Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo lòng nhân ái cho học trò. Theo đó, giáo viên phải là hình mẫu tác động đến các em HS. Do đó, ngoài giỏi chuyên môn, các thầy cô còn là tấm gương về cách sống, cách làm việc để các em noi theo. Do đó, các giáo sinh cần được bồi dưỡng về đạo đức, lối sống về nhân cách, về lòng yêu thương ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Cùng với đó, cần đổi mới bồi dưỡng giáo viên, hạn chế bồi dưỡng theo lối truyền thống. Lựa chọn để bồi dưỡng những vấn đề thầy cô đang cần. Mặt khác, tăng cường ứng dụng CNTT, tăng cường chia sẻ qua mạng và qua thực tiễn. Những mô hình tốt cần được chia sẻ nhân rộng để các thầy cô tự học, tự tham khảo. Tránh tình trạng tập huấn đông người và kiểm tra đánh giá hình thức.

Bồi dưỡng không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ, mà còn bồi dưỡng về đạo đức và kỹ năng xử lý tình huống... Mỗi môi trường khác nhau nên giáo viên phải có kỹ năng ứng xử phù hợp.

Cũng theo Bộ trưởng, các đơn vị cần sớm xây dựng đội ngũ cốt cán, có chuyên môn nghiệp vụ tư vấn cho các trường. Tới đây, các trường cần có bộ phận tiếp thu ý kiến của phụ huynh. Nên có sổ tay hướng dẫn đơn giản, dễ hiểu để tư vấn cho phụ huynh, đặc biệt cho những lớp có HS cá biệt. Ngoài ra, cần tư vấn cho các thầy cô kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông, để các vấn đề của GD bé không thành lớn, không thổi phồng lên dẫn đến hiểu sai lệch. Khi chúng ta cung cấp đúng, trúng, đủ thông tin cho phụ huynh sẽ giảm bớt áp lực từ phía họ dành cho giáo viên. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ