Thầy cô đừng sợ thoát ly “phấn trắng, bảng đen”

Thầy cô đừng sợ thoát ly “phấn trắng, bảng đen”

- Tới đây, sẽ có nhiều sách giáo khoa trong cùng một Chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo ông, điều này tác động như thế nào đến việc dạy và học của giáo viên?

- Theo tôi, giáo viên cũng không nên hoang mang về việc chọn sách giáo khoa nào và dạy như thế nào. Các trường có thể lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp với chiến lược phát triển và định hướng người lao động trong tương lai. Theo tôi hiểu, các bộ sách đều hỗ trợ tối đa giáo viên trong quá trình dạy học sinh.

Trên cơ sở đó, thay cho việc lệ thuộc sách giáo khoa như trước đây thì nay giáo viên sử dụng sách giáo khoa với ý nghĩa là tài liệu hỗ trợ trong giảng dạy. Chắc chắn rằng, ngoài sách giáo khoa sẽ còn nhiều nguồn tài liệu khác hỗ trợ đắc lực cho giáo viên trong quá trình giảng dạy, giải quyết những yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đẩy mạnh truyền thông để giáo viên hiểu rõ về Chương trình, sách giáo khoa, giáo dục phổ thông mới cũng như quyền lợi, trách nhiệm của giáo viên. Hiện nay, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với VTV7 tổ chức cuộc thi “Thầy, cô trong mắt em” nhằm tạo cơ hội cho thầy, cô thể hiện tâm huyết, sáng tạo của mình trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Cùng với đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ ghi nhận, động viên và lan tỏa những tấm gương nhà giáo thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới giáo dục.

Ông Nguyễn Ngọc Ân
 Ông Nguyễn Ngọc Ân

- Chương trình giáo dục phổ thông mới chọn lọc những nội dung thiết thực, không thiên về kiến thức hàn lâm và đổi mới phương pháp dạy học. Điều này có gây khó khăn cho giáo viên?

- Theo tôi, cái gọi là kiến thức hàn lâm cũng rất quan trọng bởi nó là căn cốt, nền tảng. Tuy nhiên, Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng học sinh giải quyết vấn đề gắn với thực tiễn, với sự đòi hỏi của đa lĩnh vực. Chính vì thế, phương pháp dạy học không thể áp dụng cách thức truyền thụ kiến thức một chiều.

- Nhiều người cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy là tốt, nhưng làm sao thoát ly khỏi “phấn trắng, bảng đen”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Thực ra, không có gì là bất biến, nhất là trong dạy học. Học sinh có nhiều cách học và chúng ta không phủ nhận vai trò của công nghệ thông tin ảnh hưởng đến cộng đồng cũng như người học. Cho nên giáo viên không nên quá sợ việc thoát ly “phấn trắng, bảng đen”. Để hấp dẫn, thu hút học sinh, giáo dục hiện đại phải đa dạng hóa các phương thức tác động đến người học, hạn chế đến mức thấp nhất những quy trình lặp đi, lặp lại, xơ cứng, nhàm chán.

Bản thân tôi khi dạy học vẫn dùng “phấn trắng, bảng đen” và thấy rõ hiệu quả của nó. Nhưng tôi luôn phải lồng ghép các cách thức khác, trong đó không thể không có ứng dụng công nghệ thông tin. Giáo viên hãy một lần thoát khỏi “phấn trắng, bảng đen” xem thế nào và tự rút ra câu trả lời cho mình, đừng tự nghĩ và vội kết luận. Các thầy cô có thể đến với Trường THPT Bảo Thắng 2 (Lào Cai). Ở đó giáo viên có những giờ dạy sử dụng thuần túy smatphone trong giảng bài, kiểm tra đánh giá và hiệu quả rất là bất ngờ.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã xây dựng các tiêu chí, hướng dẫn giáo viên cách thức đổi mới, sáng tạo trong công việc. Ảnh minh họa/ INT
 Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã xây dựng các tiêu chí, hướng dẫn giáo viên cách thức đổi mới, sáng tạo trong công việc. Ảnh minh họa/ INT

- Với công nghệ phát triển như hiện nay, ông có lo ngại “thầy giáo Google” thay thế giáo viên?

- Dạy học là một nghệ thuật, Google cung cấp nhiều thông tin nhưng thầy giáo sẽ thắng Google trên nhiều phương diện. Về lý thuyết không nên dạy những gì học sinh đã biết, vì thế trong bối cảnh hiện nay ngoài Google sẽ còn nhiều công cụ khác có thể cung cấp thông tin cho học sinh. Việc đối mặt, cạnh tranh với Google và các mạng xã hội là việc giáo viên phải làm. Giáo viên không nên lo ngại, không sợ vì mình hoàn toàn có thể mở rộng hơn Google, làm thông tin hấp dẫn hơn Google nhờ những kỹ năng, kỹ xảo, cảm xúc nghề nghiệp trên lớp học mà chỉ giáo viên mới có được.

- Vậy Công đoàn Giáo dục Việt Nam có hỗ trợ gì đối với giáo viên để họ có thêm động lực đổi mới, sáng tạo trong dạy học?

- Cùng với xu thế đổi mới sáng tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam xác định việc hỗ trợ giáo viên giải quyết khó khăn trong lao động nghề nghiệp là vấn đề quan trọng và cần thiết. Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã xây dựng các tiêu chí, hướng dẫn giáo viên cách thức đổi mới, sáng tạo trong công việc của mình trên cơ sở lý thuyết nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng đã được triển khai trong các nhà trường từ những năm 2010.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam ghi nhận, lan tỏa và tôn vinh những sáng tạo của các thầy cô ở các cấp học, bậc học. Qua đó tạo cơ hội cho các thầy cô khẳng định giá trị bản thân; từ đó tự tin, mạnh dạn và sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp trong quá trình đổi mới sáng tạo.

- Xin cảm ơn ông!

“Theo tôi, giáo viên nên kết hợp phương pháp truyền thống và linh hoạt khi ứng dụng công nghệ thông tin trong bài giảng của mình; khi đó hiệu quả bài học sẽ cao hơn”.                    Ông Nguyễn Ngọc Ân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuyên gia đào tạo chia sẻ với học sinh Trường THCS Thành Công.

Cha mẹ hạnh phúc, con thành công

GD&TĐ - Chuyên đề Cha mẹ hạnh phúc, con thành công với góc nhìn mới, tầm quan trọng của "tam giác vàng" gia đình - trẻ em - thầy cô với sự phát triển của trẻ.