Thầy cô cũng cần rèn luyện kỹ năng sống

GD&TĐ - Liên quan đến vụ việc thầy giáo bị tố đánh HS lớp 8 vẹo cột sống ở An Giang, cơ quan chức năng đã ngay lập tức vào cuộc, yêu cầu điều tra làm rõ, để xem xét xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, dư luận xã hội đặt câu hỏi: Tại sao một số giáo viên (GV) được đào tạo sư phạm lại hành xử thiếu sư phạm như vậy?

Mỗi giáo viên cần thường xuyên trau dồi kỹ năng sư phạm và chuyên môn để trưởng thành
Mỗi giáo viên cần thường xuyên trau dồi kỹ năng sư phạm và chuyên môn để trưởng thành

HS P.T.M.T. (7A3), Trường THCS Long Hòa (xã Long Hòa, huyện Phú Tân, An Giang) không thuộc bài nên bị thầy Lê Trường Thọ - GV chủ nhiệm, Tổ trưởng môn Địa lý phạt roi. Về nhà T. không dám nói với cha mẹ. Đến ngày 20/2, T. bị đau nên nói với gia đình và được đưa khám tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM. Chụp X quang cho kết quả: T. bị vẹo cột sống. Bác sĩ kê toa thuốc về nhà uống.

Nhận phản hồi từ phụ huynh, đại diện Trường THCS Long Hòa đã đến nhà thăm hỏi T. đồng thời tạm đình chỉ công tác 15 ngày với thầy Lê Trường Thọ, kể từ ngày 25/2. Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh An Giang chỉ đạo kiểm tra, xác minh và phối hợp với các ban, ngành liên quan xử lý nghiêm minh vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo nói trên (nếu có), đồng thời, quán triệt trong toàn ngành tuân thủ các quy định về đạo đức nhà giáo, phòng chống bạo lực học đường và các quy định mà Bộ GD&ĐT đã ban hành.

Câu chuyện tại An Giang cùng một số vụ việc trước đó khiến dư luận đặt câu hỏi: Tại sao một số GV lại hành xử thiếu sư phạm như vậy? Phải chăng việc đào tạo GV trong các nhà trường sư phạm đang có lỗ hổng?

Trả lời câu hỏi này, một hiệu trưởng trường ĐH sư phạm bày tỏ sự thất vọng về hành xử thiếu đạo đức của một số GV với HS. Với tư cách là một nhà giáo, cô không thể chấp nhận việc GV coi đánh HS là một phương thức GD.

Và vị hiệu trưởng kể tỉ mỉ về quá trình đào tạo SV ở trường sư phạm kỹ lưỡng đến như thế nào. SV không chỉ học kiến thức để truyền dạy, mà còn được dạy các kỹ năng xử lý tình huống để biết cách ứng xử khi HS bướng bỉnh, nghịch ngợm, chống đối, phản ứng nóng nảy… Ngay cả cách bước vào lớp như thế nào, đặt cặp (túi) lên bàn ra sao, chào HS, vung tay, viết bảng, trình bày bảng… cũng được các thầy cô giáo ở trường hướng dẫn chi tiết.

Không chỉ học lý thuyết, SV sư phạm còn có thời gian thực tập tại các nhà trường, sau đó trở về trường rút kinh nghiệm, trao đổi với giảng viên, nhờ thầy cô chỉ dạy, tư vấn, làm dày thêm hành trang trước khi bước vào thực tế. “Chúng tôi luôn dạy SV phải biết kiềm chế. Làm nhà giáo mà không kiềm chế cảm xúc, cứ nóng nảy là bột phát, bước chân vào lớp mà vẫn mang cái bực dọc ở bên ngoài vào là hỏng hết tiết dạy. Thế nên mới phải học về tâm lý lứa tuổi để biết cách ứng phó với HS, phải học các kỹ thuật sư phạm để truyền dạy kiến thức. Chúng tôi tự tin với các lứa SV khi ra trường được đào tạo bài bản, đủ điều kiện đứng lớp giảng dạy” - hiệu trưởng trường sư phạm tự tin khẳng định.

Vậy lý giải hiện tượng nơi này nơi khác có GV bạo hành HS như thế nào?

Vị chuyên gia trong đào tạo sư phạm không trả lời thẳng vào câu hỏi mà đưa ra một câu chuyện về giáo dục gia đình - bố mẹ nào cũng mong con ngoan ngoãn, nên người. Nhưng những đứa con không chỉ tiếp nhận sự giáo dục từ cha mẹ mà còn chịu nhiều tác động từ xã hội, từ môi trường sống… Nếu không đủ bản lĩnh để gạn đục khơi trong sẽ ít nhiều bị “đổi màu”, bị ảnh hưởng bởi những cái không tốt. Một ngôi trường cũng như gia đình lớn vậy, SV ra trường trong quá trình công tác nếu không có bản lĩnh, không có ý thức học hỏi, tu dưỡng bản thân thì sẽ khó có thể thành công được.

Hiện trong các nhà trường đều cố gắng lồng ghép dạy HS kỹ năng sống, giá trị sống vì cho rằng kỹ năng sống giúp HS có hành vi lành mạnh, tích cực, giúp các em vượt qua những thách thức của cuộc sống hàng ngày. Nhìn ngược lại, chính thầy cô giáo cũng rất cần rèn luyện kỹ năng sống, không chỉ học ở trong nhà trường mà còn phải không ngừng học hỏi ở cuộc sống, để mỗi khi bước vào lớp, đứng trên bục giảng, tiếp xúc với HS sẽ có những ứng xử phù hợp, đạt chuẩn sư phạm, và hơn cả là được HS và phụ huynh tin yêu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ