Thầy cô chọn vất vả, khơi hứng thú học ngoại ngữ cho học sinh

GD&TĐ - Chuông reng reng báo vào tiết 3, học sinh lớp 6A1 Trường THCS-THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) lục tục sắp xếp sách vở, chia thành từng nhóm di chuyển đến các lớp học khác trong trường, nhóm học với lớp 6A2, nhóm học với lớp các anh chị lớp 7A; học sinh khối 7, khối 8 cũng “tìm đường đến lớp ghép” như vậy, tiếng cười nói cứ lao xao khắp hành lang trường học… Thấy sự ngạc nhiên của khách thăm trường, một cô giáo đã giới thiệu đầy tự hào: Đây là tiết học ngoại ngữ mà chỉ Lômônôxốp mới có!

Các bạn có nghĩ về cuộc sống gia đình như nhóm chúng mình không?
Các bạn có nghĩ về cuộc sống gia đình như nhóm chúng mình không?

Những lớp học “nhấp nhô”

 Chúng tôi chọn việc giáo viên và nhà trường vất vả để khơi hứng thú học tập ngoại ngữ cho học sinh, tôn trọng những gì các con có. Học sinh nói ra dù chỉ là một từ, một câu rời rạc thôi, giáo viên cũng yêu thương “hứng” lấy, động viên con tiếp tục học tập!
Cô Nguyễn Thị May – Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ

Nói vui là “nhấp nhô” bởi những tiết học ngoại ngữ bổ trợ tăng cường này đều được “ghép” từ các khối lớp trong trường, các anh chị lớn được “đàn em” kính cẩn thưa anh gọi chị, nhưng khi ngồi chung trong nhóm thì cả lớp đều bình đẳng về trình độ tiếng Anh.

Đây là điểm khác biệt của việc dạy – học ngoại ngữ ở Trường THCS-THPT M.V. Lômônôxốp– ngôi trường sắp tròn 25 tuổi có nền tảng từ trường Phổ thông bán công chuyên ngữ năm xưa.

Để có được các lớp học này, nhà trường và đối tác OEA-Oxford English Academy Việt Nam đã phải bỏ nhiều công sức để tổ chức lớp, từ việc kiểm tra trình độ “đầu vào” của học sinh đầu năm học, chia học sinh các khối lớp ra từng nhóm theo đúng năng lực đến việc tìm, soạn các giáo án phù hợp với từng lớp.

Niềm vui của học sinh khi được đóng kịch thể hiện ý tưởng theo nhóm
 Niềm vui của học sinh khi được đóng kịch thể hiện ý tưởng theo nhóm

Những lớp học tiếng Anh bổ trợ tăng cường tại trường tổ chức 6 tiết/tuần với giáo viên nước ngoài, giáo trình thay đổi liên tục theo trình độ của học sinh, đòi hỏi các thầy cô đa dạng hóa về tài liệu và phải dành nhiều thời gian hơn khi soạn giáo án, có như thế mới đáp ứng thực tiễn 5 lớp học mà có đến 7 cấp độ ngoại ngữ khác nhau.

Cuối năm học, các lớp tiếng Anh lại được kiểm tra sàng lọc, xếp lại trình độ, và các lớp học “nhấp nhô” lại tiếp tục triển khai ở năm học sau. Hiện 100% học sinh toàn trường đều tham gia chương trình bổ trợ tăng cường tiếng Anh với người nước ngoài. Đủ để thấy sức hấp dẫn của mô hình học tiếng Anh này.

Mình giơ tay tranh luận đi! - Giờ thuyết trình của học sinh lớp 6A1

 Mình giơ tay tranh luận đi! - Giờ thuyết trình của học sinh lớp 6A1

Song song với những giờ học tiếng Anh bổ trợ tăng cường là những giờ học tiếng Anh theo phân phối chương trình của Sở GD&ĐT Hà Nội. Nếu học tiếng Anh bổ trợ tăng cường là luyện kỹ năng giao tiếp, bồi đắp từ vựng học thuật cho học sinh thì ở những giờ học tiếng Anh theo phân phối chương trình, các giáo viên tiếng Anh – đồng thời cũng là giáo viên chủ nhiệm - chú trọng rèn học sinh 4 kỹ năng Nghe - Nói -  Đọc -  Viết, đặc biệt là kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm và kỹ năng làm bài thi.

Các giờ học tiếng Anh ở Trường THCS-THPT M.V. Lômônôxốp cứ thế đan xen, hoàn thiện kỹ năng, khơi gợi sáng tạo cho học sinh. Như cô May tâm sự: Chúng tôi luôn tôn trọng những gì học sinh có. Học sinh nói ra dù chỉ là một từ, một câu rời rạc thôi, giáo viên cũng yêu thương “hứng” lấy, động viên con tiếp tục học tập!

Và trong nhóm phụ huynh  thường kể chuyện, có cha mẹ hay xin cô “rình” con ở giờ học tiếng Anh, bởi:“Cô bảo con nói nhiều trong giờ tiếng Anh lắm mà tôi không tin, ở nhà nó cứ im im chả thấy “hay chuyện”. Đến mục sở thị mới thấy sướng rần vì con tự tin “bắn” tiếng Anh, lúc hăng lên còn vung tay chém gió thuyết trình, tranh luận với các bạn! Công thầy cô hứng từng giọt nước nhỏ, giờ đã thành từng dòng chảy tri thức dồi dào!

Các thầy cô Tổ Ngoại ngữ tham gia buổi tập huấn của Cambridge English do OEA tổ chức
Các thầy cô Tổ Ngoại ngữ tham gia buổi tập huấn của Cambridge English do OEA tổ chức 

Tổ ngoại ngữ “nội – ngoại”

Hỏi nhân lực tổ ngoại ngữ của nhà trường, cô May nói luôn: “Chúng tôi có hơn 30 giáo viên: 16 giáo viên tiếng Anh cơ hữu, 3 giáo viên tiếng Đức và 14 giáo viên nước ngoài của OEA!”. Cứ cười cô “tính ăn gian”, ai lại tính cả giáo viên đối tác vào tổ ngoại ngữ của nhà trường, nhưng tìm hiểu cơ chế hoạt động của tổ ngoại ngữ này mới thấy cô... tính đúng!

Tổ ngoại ngữ “nội – ngoại” này có sự liên hệ rất chặt chẽ trong chuyên môn. Mọi người trao đổi với nhau những tiết dạy khó, về từng học sinh để có biện pháp kịp thời trong tổ chức lớp, bồi dưỡng  và động viên khích lệ các em.

Giáo viên ngoại ngữ OEA đều dạy học ở trường cả ngày và tích cực tham gia các sự kiện của trường, của tổ ngoại ngữ, có người thời gian gắn bó đến 4 – 5 năm, vậy nên mới tính họ luôn vào nguồn nhân lực của trường là vậy!

Sau những giờ dạy hăng say, các thầy cô giáo Tổ Ngoại ngữ lại có phút giây nhí nhảnh thế này!
 Sau những giờ dạy hăng say, các thầy cô giáo Tổ Ngoại ngữ lại có phút giây nhí nhảnh thế này!

Năm học 2016 – 2017 vừa qua, trường và tổ ngoại ngữ “gặt giải thưởng” khi cô Phí Thanh Trà – giải Nhất cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cô Đinh Thị Bích Liên đạt thành tích cao trong công tác đào tạo đội tuyển học sinh giỏi, 4 học sinh đạt giải cấp quốc gia kỳ thi Olympic Tiếng Anh trên Internet, 3 học sinh đạt giải cấp thành phố.

Điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Anh của trường thuộc top đầu của thàn phố Hà Nội, nhiều học sinh đạt điểm IELTS 6.5 và 7.0... Nếu thành tích ở trường chuyên ngữ, ở trường điểm thì không có gì lạ, nhưng với ngôi trường dân lập có đầu vào không cao như Lômônôxốp thì quả là đặc biệt.

Đây là thành quả của việc lúc nào cũng tất bật việc cập nhật, từ cập nhật trình độ CNTT để có thể giúp học sinh ứng dụng thuyết trình, vẽ sơ đồ tư duy, tìm phần mềm học tập... đến cập nhật kiến thức để soạn giáo trình, giáo án của các thầy cô. Là một trong số ít trường đi tiên phong trong việc dạy tiếng Anh theo chương trình mới cả cấp THCS lẫn THPT của Bộ GD&ĐT hai năm nay, các thầy cô mỗi khi sinh hoạt tổ chuyên môn đều nhắc nhau để giờ học hấp dẫn học sinh, mỗi người  phải không ngừng trau dồi tự bồi dưỡng.

Ngay những giờ học của đồng nghiệp nước ngoài sôi động, mới lạ cũng là động lực thúc đẩy các thầy cô nhà trường nỗ lực để 45 phút lên lớp không nhàm chán, để không ngại học hỏi đồng nghiệp, học hỏi từ chính những học sinh của mình.

Học sinh Lômônôxốp trải nghiệm tại trại hè quốc tế
Học sinh Lômônôxốp trải nghiệm tại trại hè quốc tế

Mẹ ơi, tuần qua con du học ở... trường

Tuần du học ở trường của học sinh Lômônôxốp khi kể với mẹ là tổng hợp vui của các khối lớp với những giờ tiếng Anh bổ trợ tăng cường, tiếng Anh với thầy cô giáo tổ ngoại ngữ, là giờ học tiếng Đức và nói tiếng Nhật ở câu lạc bộ ngoại ngữ của trường!

Việc thu nạp kiến thức không chỉ là hình thức thầy – trò ở trên lớp, mà còn là những trại hè quốc tế, là các chương trình trao đổi học sinh để sau giờ học, giáo viên nước ngoài và học sinh của trường không về nhà ngay, cùng ngồi dưới sân trường giao lưu, ca hát. Môi trường đa ngôn ngữ với các hình thức học tập, sinh hoạt ngoại khóa đa dạng, sáng tạo đã góp phần giúp học sinh Lômônôxốp sẵn sàng hành trang hội nhập quốc tế.

Ngày 4/10 tới, nhân dịp tổ chức Tết Trung thu cho học sinh toàn trường, một tổ chức phi chính phủ Mỹ sẽ tới trường tổ chức dạy làm con rối trong 3 ngày với chủ đề “Rối và tình trạng bạo lực hiện nay”! Các khối lớp trong trường đang sôi nổi bàn luận về sự kiện này, rằng các con rối mà lại liên quan đến bạo lực thì thật lạ!

Hoạt động của Câu lạc bộ Ngoại ngữ - tiếng Đức theo chủ điểm Frohe Ostern

Hoạt động của Câu lạc bộ Ngoại ngữ - tiếng Đức theo chủ điểm Frohe Ostern

Cô Ngô Thị Hồng Hà – Phó Hiệu trưởng nhà trường – tiết lộ, buổi “dạy nghề” này sẽ không có phiên dịch, các lớp cử 2-3 học sinh đến “tập huấn”, hỏi - đáp với chuyên gia, tự lĩnh hội rồi về nhà làm slide, thuyết trình, dựng kịch..., sáng tạo bất kỳ hình thức nào nhằm truyền đạt lại cho các bạn, để cả lớp cùng làm được con rối, cùng hiểu về chủ đề rất “nóng” này.

Không chỉ lan tỏa trong nhà trường, mỗi học sinh của Lômônôxốp sẽ còn đi theo các đoàn thiện nguyện, đem kiến thức, kỹ năng về Rối và tình trạng bạo lực hiện nay “gieo hạt” lại cho các học sinh vùng sâu, vùng xa.

Thông tin hấp dẫn với hình thức học tiếng Anh đầy sáng tạo - như mọi lần - khiến học sinh trường THCS-THPT M.V. Lômônôxốp vô cùng hào hứng. Và một làn sóng thi đua tranh suất “tập huấn”lại bắt đầu...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ