Thắt lòng với di vật mẹ chồng để lại cho con dâu dưới chân giường

Đến lúc này, khi mẹ chồng đã ra đi gần 1 tháng trời, tôi mới biết được sự thật bấy lâu nay mẹ giấu kín. Tim tôi đau đớn với cảm giác xót thương lẫn tội lỗi…

Thắt lòng với di vật mẹ chồng để lại cho con dâu dưới chân giường

Chào mọi người,

Tôi rất ngại chia sẻ tâm sự của mình cho mọi người xung quanh. Thế nhưng, bây giờ tâm trí tôi rất hoang mang và mang nặng cảm giác tội lỗi với người mẹ chồng đã quá cố của tôi. 

Ở nhà dù đông người nhưng tôi không thể chia sẻ nỗi lòng của mình với ai. Chỉ mong khi nói ra những điều này, mọi người sẽ hiểu được lòng tôi lúc này.

Tôi lấy chồng gần 30 năm nay. Ngày đầu mới về nhà chồng, tôi cũng như bao nàng dâu khác đều sợ và e ngại với bố mẹ chồng. Mẹ chồng tôi trong ấn tượng ngày làm dâu đầu tiên là khó tính và hay soi mói.

Hôm đầu tiên ở nhà chồng, mới 4 giờ sáng, mẹ tôi đã lấy gậy gõ cạch cạch ngay chân giường của vợ chồng tôi để thức con dâu dậy làm việc nhà. Còn những bữa ăn đầu tiên, nếu tôi dám bới bát thứ hai là y như rằng bị mẹ chồng liếc xéo ra ý nhắc nhở.

Ngay bữa cơm đầu làm dâu, tôi ngồi đầu nồi và tay liên tù tì bới cơm cho đại gia đình 10 người nhà chồng. Hết người này người kia cứ đưa bát cho tôi xới dù bát cơm khi đó cơm thì ít mà khoai sắn độn vào phần nhiều. Tôi chỉ kịp ăn một bát cỏn con rồi lại vội vàng theo mẹ chồng ra đồng cấy hái.

Ngày nào cũng thế, cứ 4 giờ là tôi phải dậy làm việc nhà và nấu bữa sáng cho cả gia đình nhà chồng, nếu không kiểu gì mẹ chồng tôi cũng quát cho ầm ĩ xóm láng, không dám mở mặt nhìn ai.

Thắt lòng với di vật mẹ chồng để lại cho con dâu dưới chân giường - Ảnh 1

Đến bây giờ khi nhận được di vật mẹ chồng để lại, tôi mới thấy xót thương và tội lỗi vô cùng. Ảnh minh họa.

Tôi ngoài thời gian đi dạy ở trường (tôi làm giáo viên cấp 2 trong xã), hễ về nhà đặt túi sách xuống là xắn quần chạy đi làm việc nhà và việc đồng. 

Có mùa gặt gái, sáng tranh thủ dậy sớm đi gặt, gặt xong 1 ruộng khoảng 7 rưỡi lại tất tả về mặc đồ đi dạy. Dạy xong lại vội vàng về gánh lúa về nhà rồi cả trưa đội nắng ra đồng gặt hái. 2 giờ chiều lại vội vàng đi dạy và 5 giờ tiếp tục về đi gặt đến 9 giờ đêm.

Có lẽ ai nghe qua cũng khiếp đảm với giờ làm việc của tôi nhưng mà mẹ chồng cứ làm suốt như thế, tôi về nghỉ ngơi cũng khó coi với hàng xóm láng giềng.

Có lẽ vì thế mà vụ nào nhà tôi cũng nhiều thóc nhất. Người ta thường kể công mẹ chồng tôi phần nhiều chứ chẳng ai nhắc đến đứa con dâu như tôi.

Có lẽ cách đối xử khắc nghiệt và khó tính của mẹ chồng mà tôi không ưa gì bà. Tôi cố làm như vậy chẳng qua để lấy lòng và không xấu hổ với bà con mà thôi.

Mâu thuẫn giữa tôi và mẹ chồng bắt đầu vào khoảng năm 1985, khi con trai cả của tôi ra đời. Mới sinh được 3 ngày, mẹ chồng tôi đã gọi tôi dậy ra đồng làm việc. 

Tôi lúc đó ốm yếu nên có mở lời xin bà để nghỉ ngơi vài hôm cho khỏe đã, đi lúc đó sẽ thiếu sữa cho cháu bú. Thế mà mẹ chồng tôi đã lớn tiếng quát tháo tôi là đứa con dâu lười nhất cái xóm chân núi đó rồi cứ hễ có hàng xóm nào vào chơi là bà lại ra rả kể cái tội hôm đó của tôi cho mọi người nghe.

3 lần như thế thì tôi bắt đầu cãi lại mẹ chồng, từ đó tôi lại thêm tội hỗn láo với bà nữa. Từ đó, tôi và bà như mặt trăng – mặt trời, chạm mặt nhau nhưng chẳng bao giờ mỉm cười hay nói với nhau một lời.

Năm 1989, mắt mẹ chồng tôi đột nhiên bị mờ và đến cuối năm thì mù hoàn toàn. Tôi lúc đó như mở cờ trong bụng và nghĩ, cuối cùng cái thói soi mói của mẹ chồng bị quả báo, trời không cho nhìn thấy gì nữa.

Nhưng cũng từ đó, mọi công việc nặng trong nhà đều đổ hết lên vai tôi. Năm 1994, chồng tôi phải vào Nam đi làm thuê để nuôi các con ăn học vì nhà nghèo quá. Từ đó, tôi lại càng vất vả trăm bề.

Chẳng còn thời gian nghỉ với đủ việc nhà, việc trường, việc đồng áng, tôi gầy xó đen đúa, tính tình ngày càng nóng nảy và hay cáu gắt. Có lẽ lúc bấy giờ, tính tôi bắt đầu có phần giống mẹ chồng tôi trước đó.

Lúc ấy, tôi mới lờ mờ nhận ra, có lẽ mẹ chồng khó tính với tôi vì đời bà khổ cực quá. Thế nên tôi bắt đầu chú ý mua đồ ăn ngon cho bà nhiều hơn. 

Mẹ chồng tôi sau mấy năm mù lòa dần quen với bóng tối, bà lại lò dò làm đỡ tôi những công việc nhà như quét dọn, thái rau cho lợn gà ăn, nấu cơm, hái rau sẵn cho tôi về chỉ việc nấu. 

Tuy nhiên, cách nói chua ngoa khó chịu của bà vẫn không bỏ được. Thế nên, mâu thuẫn giữa tôi và mẹ chồng không được dung hòa là bao.

Năm 2010, cuộc sống của gia đình tôi có phần đầy đủ hơn, các con đều đã ra trường và có việc làm xa. Chồng tôi vẫn đi làm ăn xa vì ông ấy muốn có một khoản lương hưu khi về già. 

Tôi và mẹ chồng vẫn vò võ ở nhà. Hai người đàn bà sống trong căn nhà rộng thênh thang nhưng ít bóng người. Một người lại mù lòa không thấy gì. Còn tôi nhiều lúc thấy buồn và cô độc lắm.

Cuối năm 2014, mẹ chồng tôi bắt đầu có dấu hiệu suy yếu sức khỏe của tuổi già. Bà yếu đi trông thấy và bắt đầu lú lẫn. Mẹ chồng tôi không còn ý thức đi vệ sinh nữa mà đi luôn ngay trong quần hay cả lúc nằm trên giường. Lúc tôi, phận làm dâu con tôi vẫn thu dọn lau rửa sạch sẽ cho bà.

Với tôi, dù bà có đối xử khắc nghiệt với mình nhưng tôi vẫn làm trọn đạo dâu để sau này, con dâu tôi nhìn vào làm đối xử với mẹ chồng như vậy. Thực lòng thời gian đó, tôi làm cũng chỉ vì đỡ xấu hổ với hàng xóm láng giềng và nghĩa vụ chứ không phải vì tình thương với mẹ chồng.

Đến giữa năm nay thì bà suy yếu hẳn, không đi lại được và chỉ năm một chỗ. Mặc dù chồng tôi đã đưa mẹ vào viện cấp cứu mấy lần nhưng rồi bà đã không qua khỏi vào một buổi tối cuối tháng 10.

Sau khi lo hậu sự cho mẹ chồng xong, tôi vào phòng bà để thu dọn các vật dụng thì bất ngờ thấy một cái hòm nhỏ để dưới chân giường. Tôi tò mò mở ra thì phát hiện một bức thư nguệch ngoạc bà để lại: 

“Gửi con, có lẽ mẹ chẳng sống được bao lâu nữa. Có lẽ con sẽ bất ngờ khi đọc được những dòng này của mẹ. Từ lúc con mới về làm dâu, mẹ đối xử khắt khe với con vì mẹ biết, sau này con sẽ là người vợ, người mẹ trụ cột trong ngôi nhà này. 

Trọng trách lớn như mẹ từng mang những năm qua đó. Con và mẹ có những lần xung khắc, lớn tiếng với nhau cũng như lúc mẹ và bà nội vậy. 

Mẹ tin rằng, con sẽ vững vàng với nhiệm vụ của mình thay mẹ khi mẹ ra đi. Đây là túi vàng mẹ tích góp được từ lúc về đây làm dâu và để lại cho các con, các cháu. Khi khó khăn, con hẵng lấy ra dùng, còn chưa thực sự, con hãy tiếp tục thay mẹ quản lý nhé…”

Mắt tôi nhòa đi khi đọc được bức thư của mẹ. Vậy mà lâu nay, tôi chưa bao giờ xem mẹ là người một nhà và đối xử như người dưng nước lã. 

Trong tôi lúc này xen lẫn cảm giác thương xót và tội lỗi. Tôi chỉ ước, giá như trước đây, tôi sớm nhận ra đằng sau sự khắc nghiệt của mẹ là lòng tốt, luôn nghĩ cho con cho cháu thì mọi chuyện đã khác…

Theo nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ