Vào mùa cạn học sinh có thể lội qua sông đi học nhưng đến bên kia bờ thì quần áo đã ướt sũng. |
Ước mơ có cầu bắc qua sông
Đã nhiều năm nay người dân thuộc 3 thôn 10, 11 và 12 phải sống gần như tách biệt với bên ngoài vào mùa mưa lũ. Vào mùa nước cạn, muốn qua sông thì cả trẻ em và người lớn đều phải bơi sông. Một số người dân sống trong làng cho biết, nguy hiểm nhất là bọn trẻ nhỏ, khi sang bên kia sông đi học là chúng phải lội hoặc bơi qua. Dân sống trong các thôn đều là dân nghèo, miếng cơm còn chưa đủ ăn nói chi ngày bỏ ra 20 nghìn đồng tiền đò cho con đến trường đi học.
Người đồng bào dân tộc Ba Na sống ở các thôn trên, đến tháng muốn qua xã lấy lương, gạo, muối…nhiều khi không thể qua sông vì nước sông Ba chảy xiết. Học sinh ở 3 thôn hầu như chỉ học hết lớp 3 là đồng loạt bỏ học, chỉ một số ít tiếp tục theo học. Nguyên nhân là từ lớp 4 phải qua sông học nội trú bên xã. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không chu cấp nỗi tiền học hành cho con cái, thêm vào đấy lại mất một số tiền lớn dành cho việc đi lại qua sông mà tính mạng lại luôn bị rình rập.
Ông Nguyễn Văn Châu, người thôn 10, lái đò ở đây cho biết: “ tôi đã trực tiếp cứu nhiều cháu nhỏ khi bơi qua sông sang bên kia đi học. Biết nguy hiểm nhưng vì cái chữ nên các cháu vẫn liều lĩnh bơi sông. Tuy chưa có trường hợp nào bị chết đuối, vậy nhưng tình trạng này vẫn tái diễn thì cái tính mạng của các em học sinh sẽ không thể lường trước được”.
Vào mùa mưa đi trên chiếc thuyền này vô cùng nguy hiểm. |
Thấy bơi qua sông quá nguy hiểm nên nhiều học sinh đãc thôi học ở nhà làm việc phụ giúp cha mẹ. Thấy thương các em không được học chữ, thầy cô giáo lại xắn quần lội sông, đi tới từng nhà vận động các em đi học trở lại. Nhiều cô giáo thầy giáo còn bỏ tền túi ra mua gạo, sách vở… cho học sinh với mong muốn các em quay lại trường học. Thương con em khó khăn, không biết hết cái chứ là vậy, nhưng cũng chỉ được mấy hôm các em lại bỏ trốn về nhà. Cả 3 thôn cũng chưa đầy 50 học sinh các cấp học. Chủ yếu là có học sinh cấp 1, cấp 2, từ ngày tới giờ chưa có em nào học lên được cấp 3.
Nhiều gia đình đã đi mua thùng phuy về gò thành một chiếc thuyền tôn để làm phương tiện chở con sang sông đi học. Thuyền tôn thì vừa mỏng và vừa nhỏ chỉ 2 người ngồi vào được, nước lớn thì chịu, không ai dám ngồi lên để qua sông vì dễ bị lật úp xấp. Vào mùa mưa lũ, nếu thầy cô đã lỡ sang các điểm trường làng đi dạy thì coi như ở đấy cả mấy tháng mùa mưa lũ vì không còn đường quay trở về.
Thông thường nếu đi qua sông Ba để lên thị trấn Kông Chro thì chỉ mất 11km, nhưng vào mùa mưa lũ thì phải đi vòng ra đường thị xã An Khê mất 26km. “Cả 3 thôn với trên 135 hộ với trên 50 họ sinh. Thế nhưng vào mùa mưa lũ thì coi như các em ngồi ở nhà chứ không thể nào đi học được vì giao thông bị cắt đứt hoàn toàn, giáo viên cũng không thể sang điểm trường làng để đi dạy. Dân ở đây đã khổ, thiếu thốn trăm bề, muốn cho con cháu học hành đến nơi đến chốn nhưng đường xá thế này thì làm sao mà dạy và học được”- ông Đinh Phơi, trưởng thôn cho hay.
Một cây cầu bắc qua sông Ba không chỉ là ước mơ ngàn đời người dân nơi đây mà còn là của cả thầy và trò vùng sâu này. Ở đây, thày cô giáo cũng như người dân đều phải dùng nước sông Ba làm nước sinh hoạt hàng ngày. Hầu hết mọi cái giếng ở đây đều trơ đáy về mùa khô, nước sông ba thì ngày một ô nhiễm nặng.
Ông Hằng trình bày nỗi bức xúc cũng như nguyện vọng của người dân. |
Ông Phạm Mạnh Hằng, Phó chủ tịch MTTQ xã tâm sự: có một lần đi mang báo cáo sang xã họp, ngồi trên thuyền, do nước chảy xiết quá lật thuyền làm mất hết toàn bộ sổ sách. Không những vậy nếu không biết bơi thì tôi cũng đã chết trôi lâu rồi”.
Ông Hằng cho biết thêm, nghe đâu Nhà nước có dự án làm cây cầu này từ năm 2002, nhưng đến nay cũng chưa thấy đả động gì, trong các kỳ họp trên huyện chúng tôi cũng đã đề nghị cấp trên, xây một cây cầu để các cháu đi học bớt nguy hiểm và người dân giao thương buôn bán thuận tiện hơn. Bức xúc nhất của người dân hiện nay là toàn bộ dân làng của 3 thôn đều bị cô lập với bên ngoài trong mùa mưa.
Xuân Thu