Thậm chí có cả trường hợp vì nghe lời mách bảo đã tự làm thầy thuốc “chế ” thuốc Nam để điều trị bệnh cho bản thân... suýt mất cả tay vì biến chứng.
Rước họa cho sức khỏe vì cả tin!
Mới đây nhất, ông Lê Văn T. (48 tuổi, ở xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, An Giang) phải nhập Khoa Chấn thương chỉnh hình BVĐK trung tâm tỉnh An Giang vì tự chế thuốc Nam theo mách bảo để bó tay.
Theo ông T., do cánh tay phải thường đau nhức khớp rồi nghe người quen chỉ dùng thuốc Nam bó. Ông T. đã sử dụng một số loại thuốc trộn lại và đắp lên chỗ bị nhức rồi bó lại. Nhưng khoảng 1 giờ sau, chỗ bó rất nóng, ngứa ngáy...
Cảm thấy bất ổn, ông T. tháo bỏ hết thuốc Nam nhưng cánh tay lúc này đã đỏ tấy, sưng vù, gia đình đưa ông đến BV với chẩn đoán bị dị ứng nhiễm trùng do bó thuốc Nam.
Mặc dù đã được các bác sĩ điều trị trong 10 ngày liên tiếp, hiện vết lở loét trên cánh tay ông T. đã giảm gần 50% so với lúc nhập viện.
Song theo các bác sĩ của Khoa Chấn thương chỉnh hình, BVĐK trung tâm tỉnh An Giang, ca bệnh bị nhiễm trùng, hoại tử da cánh tay do bó thuốc Nam của ông T. vẫn phải tiếp tục theo dõi điều trị. Các bác sĩ cho biết, trường hợp của ông T. nếu cấp cứu chậm có thể nhiễm trùng dẫn đến hoại tử phải cắt bỏ tay.
Một trường hợp khác cũng ở An Giang là bé gái 13 tuổi bị rắn chàm quạp cực độc cắn vào chân, tuy nhiên, gia đình đã đưa cháu đến nhà thầy lang đắp lá.
Chỉ đến khi cháu bé bị hôn mê, gia định mới bỏ thuốc của thầy lang và đưa vào BVĐK trung tâm tỉnh An Giang để điều trị.
Cũng liên quan đến thuốc Nam, đã có 5 người ở Quảng Ngãi phải nhập viện sau khi sử dụng thuốc Nam chữa bệnh khớp của ông lang “tự phong”, trong đó có 2 ca bệnh nặng với dấu hiệu sốt cao, ăn uống kém, khó thở, trướng bụng, men gan cao bất thường, thậm chí có trường hợp lục phủ ngũ tạng bị nhiễm những chất lạ gây tình trạng tiếp nhận và đào thải, lọc máu của gan rất kém, da khắp người bị nổi mẩn đỏ đã phải chuyển từ Quảng Ngãi ra điều trị tại BVĐK Đà Nẵng.
Điều đáng nói là theo lời kể của các bệnh nhân, họ được người quen giới thiệu mua thuốc Nam của một người tên Vân.
Ông Vân xưng là giáo viên tại xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi nhưng không rõ dạy học trường nào, không biết nhà ở đâu, xưng là thầy thuốc Đông y, giới thiệu chữa bệnh gia truyền (xương khớp) và bán cho mỗi người 10 thang thuốc với giá 50.000 đồng/thang.
Nên sử dụng thuốc Nam tại các cơ sở đã được thẩm định
Về trường hợp nhập viện vì thuốc Nam ở Quảng Ngãi, ngay sau khi có thông tin, Thanh tra Sở Y tế Quảng Ngãi đã vào cuộc truy tìm cơ sở thuốc Nam tự phát của ông lang “tự phong”.
Tại nhà riêng ông Vân, lực lượng chức năng đã phát hiện một số loại cây làm thuốc không có trong danh mục của Bộ Y tế. Đáng chú ý, trong mỗi thang có 11 vị, có một vị là cây lùng bung mà ông Vân cho rằng cây này là “vị thuốc bí truyền”, được ông hái trên những mỏm núi ở xã Bình Châu để chữa xương khớp, đau lưng.
Qua quá trình kiểm tra cho thấy, ông Vân hành nghề không có chuyên môn, không hiểu hoạt chất thuốc đông dược dễ gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Thanh tra Sở Y tế Quảng Ngãi đã quyết định đình chỉ cơ sở hành nghề Đông y trái phép này. Đoàn thanh tra cũng niêm phong, tịch thu toàn bộ các thang thuốc Nam khiến các bệnh nhân sau khi uống phải nhập viện cấp cứu.
TS.BS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai cho biết, bất cứ loại thuốc nào cũng có thể gây dị ứng, vì vậy cần thay đổi quan niệm thuốc Nam, thuốc Bắc là “lành”.
Ngay cả với thực phẩm còn có thể gây dị ứng. Cũng theo BS. Đoàn, dị ứng thuốc và dị ứng thuốc Nam nếu nặng có thể gây suy thận, nguy hại cho sức khỏe, tính mạng. Ngay cả việc đắp thuốc lá bên ngoài cũng có thể gây dị ứng.
“Dị ứng có thể xảy ra sớm vài giờ sau khi sử dụng nhưng có khi lâu dài, nhiều ngày, thậm chí cả tháng mới xuất hiện.
Khi sử dụng thuốc Nam thấy các biểu hiện sẩn ngứa, nóng rát da, nổi mày đay, viêm loét miệng..., cần dừng ngay và đi khám để được chẩn đoán chính xác”, BS. Đoàn khuyến cáo.
PGS.TS. Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền - Bộ Y tế cho rằng, nếu dùng thuốc Nam, người dân nên mua tại các cơ sở có bài thuốc đã được thẩm định vì các bài thuốc nhiều khi có vị gây độc, cần được điều chỉnh liều lượng rất cặn kẽ, thậm chí một số vị đã được khuyến cáo không nên sử dụng nữa.