Thấp thỏm...chuyện coi thi

Thấp thỏm...chuyện coi thi

(GD&TĐ) - Mấy hôm nay, Hội đồng Sư phạm của trường THCS thuộc Phòng Giáo dục thị xã nọ cứ bàn tán xôn xao trước thông tin sắp tới chế độ chi trả, bồi dưỡng coi thi, chấm thi cho giáo viên sẽ được điều chỉnh tăng lên so với những năm trước. Ai đó ở bên ngoài nhìn vào, hẳn sẽ nghĩ về cái sự xôn xao ấy là niềm vui mừng, phấn khởi của các thầy, cô giáo khi nhận được sự quan tâm thỏa đáng của Ngành.

Thế nhưng,  xin được trích dẫn nguyên văn lời bàn tán của làng giáo trường THCS nọ: Giáo viên A: “Coi thi tăng bao nhiêu thì quan tâm làm gì cho mệt óc. Rồi cũng lại “mâm bát” “bậu xậu” với nhau cả. Bao nhiêu năm nay mình có biết cái “mùi” coi thi ra làm sao đâu!”. Giáo viên B: “Bà xã nhà mình mấy năm trước cứ đến mùa đi coi thi là lấy lý do này, lý do khác trốn biệt. Bà nói, coi thi mà nghiêm túc thì mệt thấy mồ, vậy mà cả một ngày coi thi chỉ nhận được có 70.000 đồng, chi bằng ở nhà nghỉ cho khỏe!”. Giáo viên C phụ họa: “Đâu phải kỳ thi nào mức tiền thù lao cũng ít. Thử đi coi thi nghề, coi thi cao đẳng, đại học xem có ít không? Tôi vừa đọc được thông tin trên mạng, ở một trường ĐH TP Hồ Chí Minh, giám thị coi thi được tới 400 nghìn đồng/ngày. Giả sử tiền coi thi phổ thông năm nay tăng thì liệu có chuyện kiện thưa để được trong danh sách giám khảo không đây?”…

Phụ huynh thâp thỏm ngóng con thi
Thấp thỏm trước ngày thi. Ảnh minh họa/internet

Tò mò, Châm tôi liền thâm nhập vào làng giáo để tìm hiểu về cái sự “mâm bát”, “bậu xậu”, “kiện thưa” nói trên thì được biết sự thể như sau: Mấy năm vừa qua, đồng tiền trượt giá, mức chi trả, bồi dưỡng coi thi cho giáo viên phổ thông theo quy định của Bộ GD&ĐT 70.000 đồng/ngày đã không còn hấp dẫn. Thế là các kỳ thi tốt nghiệp THCS, THPT, thi tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm xuất hiện tình trạng giáo viên có điều kiện kinh tế tìm đủ cớ, nộp đơn lên Phòng, lên Sở để xin phép không coi thi. Thậm chí đã có trường hợp phải quà cáp, biếu xén chỉ để được bỏ tên ra khỏi danh sách giám thị, dù thông báo đã được gửi tới các trường.

Tuy nhiên, bên cạnh sự chạy chọt để không phải coi thi thì lại có cả trường hợp chạy chọt để được coi thi. Theo phản ánh của nhiều CB, GV ở ngành GD&ĐT thị xã nọ thì có cả  một ê kip trong danh sách giám thị, giám khảo nhiều năm qua ở những kỳ thi “bổng lộc” khá hơn, nhàn nhã hơn, như thi nghề, thi tuyển dụng CBVC, thi cao đẳng, đại học. Gọi là ê kíp vì danh sách này toàn người nhà và những người có quen hệ “dây mơ rễ má” với một số lãnh đạo, chuyên viên ở trong ban điều hành, tổ chức coi thi, chấm thi của Phòng, của Sở.

Liệu khi Bộ điều chỉnh mức chi tiền bồi dưỡng coi thi tăng cho phù hợp với thực tế, mặt bằng giá cả, có còn xuất hiện tình trạng chạy chọt hay lạm dụng quyền hạn, phân công giám khảo vô nguyên tắc như ở địa phương kể trên hay không? Thiết nghĩ, trong trường hợp này, các nhà giáo chân chính nên góp những tiếng nói trung thực, thẳng thắn để loại bỏ hiện tượng tiêu cực trong tổ chức coi thi, chấm thi ở đơn vị mình.

Hồng Châm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.