“Tháo ngòi nổ” xung đột vợ chồng

GD&TĐ - Các chuyên gia tâm lý thường có lời khuyên: “Chìa khóa để giữ gìn hạnh phúc gia đình, hạn chế những mâu thuẫn, xung đột của đời sống hôn nhân trước áp lực cơm áo gạo tiền nằm trong chữ “nhẫn” của người vợ và chữ “quảng” của người chồng.

“Tháo ngòi nổ” xung đột vợ chồng

Kiềm tỏa cái tôi…

Anh Nguyễn Linh (ngõ 97 - Thái Thịnh - Hà Nội) là một người rất nóng tính, hễ có chuyện gì không vừa ý là rất dễ nổi nóng, lớn tiếng quát mắng áp chế vợ, con. Nhiều lần có những điều bất ưng với vợ con anh sẵn sàng “hóa kiếp” đồ vật nếu tiện tay vớ được trong cơn bốc hỏa… khiến gia đình rất bất ổn, người thân bất bình. Chị Thu Bình, vợ anh rất khổ sở khi bất kể sai đúng thế nào chị cũng phải là người xuống nước, nhẫn nhịn mọi điều mới giữ cho gia đình khỏi cảnh tan cửa nát nhà.

Anh Trung Huy (Công ty TNHH đèn nội thất Eglo) thì ngậm ngùi chia sẻ vì có bà xã còn hiếu thắng hơn chồng gấp nhiều lần. Khôn ngoan, sắc sảo nên cái gì chị cũng thích khẳng định là mình đúng, cứ tranh biện là chị cố cãi đến cùng. “Sau nhiều lần mâu thuẫn cao trào đến mức xung đột và sứt mẻ tình cảm, rồi cũng chẳng đi đến đâu, tôi rút ra kinh nghiệm tự rút lui, tìm cớ đi giải quyết việc khác để hạ nhiệt bầu không khí gia đình… Sau này bình tĩnh hơn mới phân tích thiệt hơn…

Đàn ông không nên dại đầy mình từ thế đối thoại sang đối đầu với vợ. Lúc cô ấy đang “hăng tiết vịt” mình cũng gân lên thì không khí gia đình căng thẳng, đầu độc tâm trạng của con cái. Nhường vợ mình lúc đó để cô ấy phải tâm phục khẩu phục lúc sau mới là quan trọng… chứ hơn thua lời nói trong cơn tức giận, mất kiểm soát, hồ đồ… chẳng đem lại lợi ích gì?” - anh Huy chia sẻ kinh nghiệm “tháo ngòi nổ” nhà mình.

Tôn trọng nhau, tự hạ hỏa

Theo các chuyên gia tâm lý, quan niệm về tầm quan trọng của gia đình như thế nào sẽ chi phối mỗi người trong hành động. Nếu coi gia đình là quan trọng nhất thì người ta sẽ có những lựa chọn ưu tiên lớn nhất khi giải quyết các xung đột nổ ra.

Nếu người vợ có chữ “nhẫn” (nhẫn nhịn, khéo léo trong lời nói và hành xử) người chồng có chữ “quảng” (bao dung, độ lượng) và sự đồng tâm cùng thay đổi bớt cái tôi để vun đắp san sẻ, hướng về chúng ta (bao gồm cả con cái, người thân) thì sẽ tìm ra giải pháp “hạ hỏa”.

Thông thường, người vợ được đánh giá cao trong vai trò người tháo gỡ khúc mắc vì họ vốn có sẵn đức tính nhẹ nhàng, nhẫn nại. Thường những phụ nữ ít cao giọng bốp chát, đôi co mà biết sử dụng chiêu thức “lạt mềm buộc chặt” thì gia đình luôn thuận hòa. Nghệ thuật ứng xử nằm trong cả kiến thức, cả văn hóa và phải liên tục học hỏi tiếp thu…

Bình đẳng trước hết là sự tôn trọng nhau chứ. Khi có bất đồng hãy bình tĩnh và từ tốn “nói chuyện” với bạn đời. Nóng lòng “ép” nửa kia phải nhất nhất nghe theo ý mình mà không cho họ thời gian để tiếp nhận, chia sẻ và thấu hiểu quan điểm của mình là một sai lầm mà nhiều cặp vợ chồng trẻ hay mắc phải.

Theo chuyên gia tâm lý Tuyết Nhi - Tổng đài tư vấn An Nam 19006172: Người duy nhất bạn cần làm và có thể kiểm soát được là chính bản thân bạn. Đừng cố gắng và dành mọi cách thuyết phục hoặc áp đặt “nửa kia” phải tuân phục, nghe theo ý kiến của mình. Dù muốn mọi thứ theo ý của mình cũng không thể chỉ đạt quyền lợi của mình mà ích kỷ bỏ qua tâm trạng, điều kiện của người khác.

“Cho dù có cảm thấy đang mắc kẹt vào một tình huống khó khăn thì việc luôn chủ động xác định mình cần phải “hạ nhiệt” để người kia có cơ hội “tháo ngòi nổ” thì chắc chắn sẽ hạn chế được sự tổn thương và ngăn chặn được kết quả xấu”. Chuyên gia tâm lý Tuyết Nhi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ