Tháo gỡ “rào cản”

Tháo gỡ “rào cản”

Còn nhớ, thời điểm Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, các cơ sở GDĐH hân hoan chào đón và mong chờ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Đến ngày 1/7/2019, Luật chính thức có hiệu lực, vậy là “cánh cửa” đã được mở để đón những luồng gió mới được tạo bởi các cơ chế chính sách, mà điểm nhấn là chính sách tự chủ đại học…

Có thể nói, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng GDĐH; đồng thời thực hiện hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua đó, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin vui vừa đến cách đây ít ngày, đó là: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Các quy định và hướng dẫn của Nghị định 99/2019/NĐ-CP cơ bản đã đáp ứng được những vấn đề mà thực tiễn GDĐH đã và đang đặt ra. Nghị định được xây dựng gồm 20 điều, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những nội dung chính của Luật; trong đó tập trung căn bản vào 4 nhóm vấn đề:

Thứ nhất là hệ thống cơ sở GDĐH gồm: Tên của cơ sở GDĐH; chuyển đổi cơ sở GDĐH tư thục sang tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; chuyển trường đại học thành đại học và thành lập trường thuộc cơ sở GDĐH; liên kết các trường đại học thành đại học; công nhận cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu. Thứ hai là về hội đồng trường và hiệu trưởng các cơ sở GDĐH. Thứ ba là quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, hệ thống văn bằng, chứng chỉ GDĐH. Thứ tư là một số vấn đề khác được Luật quy định hướng dẫn.

Điều đáng nói là, các điều khoản của Nghị định rất tường minh, dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện và gần như là đã “chỉ dẫn tận nơi” để các cơ sở GDĐH thực hiện. Ngay sau Nghị định được ban hành, lãnh đạo nhiều trường đại học bày tỏ sự phấn khởi và tâm đắc vì những quy định, hướng dẫn trong văn bản giúp các cơ sở GDĐH không phải “mò mẫm”, hoặc là vừa làm, vừa hỏi; đặc biệt là đã xóa bỏ cơ chế “xin – cho”.

Đơn cử như vấn đề hội đồng trường. Nghị định đã quy định và hướng dẫn chi tiết từ thủ tục thành lập hội đồng trường, thủ tục thay thế chủ tịch, thành viên hội đồng trường, cho đến công nhận hội đồng trường, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường và miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng… Đặc biệt, các quy định được hướng dẫn cụ thể cho từng cơ sở GDĐH thuộc khối công lập, tư thục và cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Nói gì thì nói, dù sao Nghị định cũng là một dạng của văn bản quy phạm nên vẫn phải bảo đảm tính phổ quát và “đón đầu” những vấn đề mà thực tiễn có thể xảy ra trong tương lai. Vì thế, ở thời điểm hiện tại, các quy định của Nghị định có thể là rất tốt với cơ sở GDĐH này, nhưng chưa phù hợp với cơ sở GDĐH kia; tuy nhiên biết đâu trong tương lai nó sẽ là cơ sở, “đòn bẩy” để các trường đại học “bứt phá”. Song điều quan trọng là, chúng ta đã có một văn bản hoàn chỉnh, tháo gỡ được nhiều “rào cản” cho GDĐH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ