Thanh tra phải độc lập như kiểm toán

Thanh tra phải độc lập như kiểm toán

Tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6 năm 2010), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật thanh tra (sửa đổi). Sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban pháp luật đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

Thanh tra phải độc lập như kiểm toán ảnh 1
Phiên họp thứ 32, UBTVQH đã bế mạc vào sáng ngày 26/7.

Về địa vị pháp lý của cơ quan Thanh tra, Thường trực Ủy ban pháp luật cho rằng, việc sửa đổi Luật thanh tra lần này cần phải theo hướng nâng cao địa vị pháp lý, vai trò, tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ nói riêng và của các cơ quan thanh tra nói chung. Đây chính là định hướng đã được xác định rõ tại Nghị quyết số 48/2005/NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị khi đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động thanh tra, cụ thể là“bảo đảm mọi hoạt động quản lý nhà nước đều chịu sự thanh tra, kiểm tra của Chính phủ”.

Đồng thời, đây cũng chính là định hướng của Chính phủ được nêu rõ tại Nghị quyết số 21/2009/NQ-CP ngày 12/5/2009 về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, cụ thể là “Nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thanh tra theo hướng làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước... tăng cường tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra... tăng cường hiệu lực thi hành các kết luận của cơ quan thanh tra”.

Tại phiên họp, có ý kiến cho rằng, địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra chưa thực sự rõ ràng và bị nhiều yếu tố thực tiễn chi phối.

Để phù hợp với thực tiễn, cơ quan thanh tra phải được bảo đảm vị trí như một Bộ và cơ quan ngang Bộ trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành và lĩnh vực được phân công nhưng đồng thời phải bảo đảm tính độc lập tương đối của hoạt động thanh tra. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh tính chủ động trong việc tiến hành thanh tra, kết luận thanh tra và quyết định xử lý về thanh tra, từ đó cơ quan thanh tra phải tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính trung thực, tính khách quan của các kết luận thanh tra.

Về thanh tra khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, bên cạnh những ý kiến lo ngại có nhiều cơ quan thanh tra sẽ chồng chéo, gây khó khăn cho các hoạt động của doanh nghiệp thì cũng có ý kiến cho rằng, cần phải có thanh tra khu công nghiệp.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thanh tra, Thường trực Ủy ban pháp luật nhận thấy, việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào việc xác định địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra. Do đó, nếu địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra được xác định theo phương án nào trong hai phương án nêu trên thì nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra sẽ được xác định theo cho phù hợp. Tuy nhiên, cho dù theo phương án nào thì cũng cần quy định cho cơ quan thanh tra một số nhiệm vụ, quyền hạn dưới đây để có thể phát huy được hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra:

Thứ nhất, xác định Thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền chủ động ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm trên cơ sở chương trình thanh tra đã được Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phê duyệt; quyền ra quyết định thanh tra; kết luận thanh tra; quyết định xử lý về thanh tra;

Thứ hai, xác định Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra và các kiến nghị ghi trong kết luận thanh tra.

Thứ ba, xác định và phân định rõ thẩm quyền xử lý sai phạm của cơ quan thanh tra, của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình tiến hành thanh tra cũng như sau khi có kết luận thanh tra.

Về Thanh tra chuyên ngành, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, hiện nay bộ máy nhà nước ta tồn tại quá nhiều cơ quan thanh tra.

Nhìn chung, các thành viên UBTVQH cho ý kiến vào dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi đều có chung quan điểm là: dù sửa thế nào thì dự án Luật cũng phải thể hiện được tính ở đâu có quản lý thì ở đó có hoạt động thanh tra, kiểm tra. Phải xem thanh tra, kiểm tra là một nội dung của quản lý nhà nước, là công cụ, phương tiện của quản lý nhà nước.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.