Hai cẳng tay nạn nhân N.M.T. được 2 kíp phẫu thuật Bệnh viện Việt Đức ghép nối đang hồi phục tốt - Ảnh do bác sĩ cung cấp
Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) vừa phẫu thuật nối lại hai cẳng tay thành công cho một bệnh nhân bị tai nạn hi hữu .
Trước đó, bệnh nhân là N.M.T. (19 tuổi, công nhân của một xưởng gỗ ở huyện Lý Nhân, Hà Nam) được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức vào chiều 16-4 với hai cẳng tay đứt rời cùng tình trạng sốc tâm lý nặng.
Gia đình cho biết anh T. là công nhân xưởng gỗ, trong khi đưa gỗ vào máy, chiếc máy sắc bén với phần lưỡi dao từ trên cao dập xuống đã cắt rời 1/3 dưới cả hai cẳng tay của nạn nhân. Nạn nhân được chuyển đến bệnh viện địa phương cùng với phần đứt rời đã được bảo quản.
Sau khi được sơ cứu, nạn nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức sau 5 giờ xảy ra tại nạn. Tại đây hai kíp phẫu thuật khẩn trương được triển khai để nối tay cho bệnh nhân.
Tiến sĩ- Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Tạo hình - Hàm mặt, cho biết đối với những trường hợp tai nạn lao động bị đứt 1/3 cẳng tay hoặc đứt lìa 1 bên bàn tay thì các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận phẫu thuật nhiều. Tuy nhiên, đối với trường hợp của nạn nhân T. cùng lúc đứt lìa cả hai cẳng tay thì quá hi hữu. Do đó, ca phẫu thuật “gắn” hai cẳng tay cho T. diễn ra vô cùng phức tạp bởi thời gian “vàng” (trong vòng 6 giờ sau khi bị đứt rời) không còn nhiều nên các phẫu thuật viên không thể nối từng cẳng tay một mà các bác sĩ đã phải huy động 2 kíp phẫu thuật làm việc song song để kết hợp xương, nối gân và nối các mạch máu, thần kinh bằng vi phẫu thuật.
Ca phẫu thuật bắt đầu lúc 21 giờ 30 ngày 16-4, kéo dài liên tục suốt 9 giờ. Đến chiều 21-4, 5 ngày sau phẫu thuật, 2 cẳng tay của bệnh nhân T. đã tự cử động nhẹ nhàng các ngón tay, riêng bàn tay phải đã có cảm giác.
Với những tai nạn đứt rời một phần cơ thể, các bác sĩ khuyến cáo cần bảo quản phần chi thể đúng cách để phần cơ thể bị đứt sẽ “tái hòa nhập” với cơ thể giống gần như ban đầu. Theo đó, cho phần chi thể đứt rời vào túi nilon sạch, buộc kín, có thể bọc trong miếng gạc. Đặt vào một túi nilon khác đựng nước, buộc kín bỏ vào thùng đá, giữ ở nhiệt độ 4-10 độ C.
Các bác sĩ yêu cầu tránh để phần đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh vì có thể gây bỏng lạnh, dễ làm mạch máu và dây thần kinh bị hỏng. Trường hợp bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại trên da, không nên cắt rời mà nên dùng dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương.