Thành lương y nhờ nuôi chồng bệnh

Thành lương y nhờ nuôi chồng bệnh

(GD&TĐ) - Trong suốt 24 năm, chồng của bà Feng Guirong ở Trung Quốc bị mắc nhiều chứng bệnh như thận đa u nang, gan đa u nang, huyết khối, chảy máu não, urê huyết, khối u tuyến yên và hội chứng Parkinson. 

Các bác sĩ nhiều lần đã chẩn đoán bệnh của ông ta ở vào giai đoạn cuối, sự sống như chỉ mành treo chuông. Với tình yêu chồng và tinh thần “không đầu hàng số phận”, bà Feng đã đưa chồng trở về từ lằn ranh sinh tử. Bà không phải là một thầy thuốc, nhưng tin vào y học cổ truyền của Trung Quốc. Tự bà nghĩ ra những cách điều trị cho chồng và đã chứng kiến những sự kỳ diệu hết lần này đến lần khác. 

Bà Feng kết hôn với ông Dong vào năm 1972. Năm 1986, người chồng lúc đó 42 tuổi bất thình lình bị bệnh huyết khối và suy tim. Với sự chăm sóc của người vợ, sức khỏe ông ổn định dần và quay trở lại làm việc trong vòng 6 tháng. Năm 1997, ông Dong có vấn đề ở thân não và cũng nhờ sự chăm sóc tận tình của vợ, ông lại hồi phục. Hai năm sau, ông bị chảy máu não và được chẩn đoán các bệnh khác như u rê huyết, suy tim và hội chứng Parkinson. Bà Feng không nản lòng và luôn an ủi mẹ chồng : “Chừng nào con còn ở đây, Dazhao sẽ khỏi bệnh và sống khỏe”. 

Có niềm đam mê y học cổ truyền khi còn trẻ, nhưng bà không trải qua khóa học chính thức nào, chỉ là thành viên của nhóm hậu cần thuộc bệnh viện quận Fengnan ở thành phố Tangshan. Khi chồng bị bệnh, đặc biệt sau khi ông ta bị bệnh u rê huyết, bà Feng bắt đầu đọc sách để học về y học Trung Quốc. Vào thời gian rảnh, trong khi chăm sóc chồng, bà nghiên cứu sách Hoàng đế Nội kinh, một văn bản y học cổ của Trung Quốc có từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên; Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (1518-1593) và nhiều sách thuốc của các danh y khác. Qua các tài liệu này, bà có thể “kê” toa với các vị thuốc bằng dược thảo và nhiều biện pháp khác để thay đổi tình hình bệnh tật của chồng. 

Năm 1997, bà bắt đầu chế biến một loại canh thảo dược cho chồng ăn liên tục 7 ngày trong tuần. Theo lý thuyết của Wang Qingren, một danh y đời nhà Thanh, đột quỵ gây ra bởi tình trạng thiếu cả hai khí và huyết, cho nên một bát canh thảo dược có tác dụng bổ sung dương khí cho bệnh nhân. Chính công thức làm ra bát canh này đã giúp chồng bà đứng lên được sau chứng nhồi máu ở thân não.

Năm 1999, ông Dong Dazhaon lại bị chứng urê huyết. Biện pháp thông thường để điều trị bệnh này là thẩm tách lọc thận hay ghép thận. Tuy nhiên, ông lại bị bệnh thận đa u nang di truyền, do đó, việc ghép thận là không khả thi. Bà Feng đã bàn bạc về tình huống của chồng với các thầy thuốc nổi tiếng và đưa ra cách điều trị cho ông, hầu hết bằng Đông y trong năm đó. 

Trong 10 năm, chồng của bà mặc dù bị u rê huyết vẫn dựa vào Đông y. Đây là trường hợp kỳ diệu trong bệnh thận. Tuy nhiên, vào năm 2009, các biến chứng khác đã phát triển nặng hơn và ông Dong buộc phải đến bệnh viện để lọc thận. 

Mỗi tuần, ông Dong Dazhao, 64 tuổi được người vợ 62 tuổi cùng cậu con trai thay nhau cõng đến bệnh viện ở thành phố Tangshan, tỉnh Hebei để lọc thận. Trong mỗi chuyến đi như vậy, bà Feng đã cõng ông chồng ít nhất 8 lần, mồ hôi đầm đìa trên mặt nhưng bà vẫn luôn lạc quan, vui vẻ. 

Ông Dong còn bị phát triển khối u ở tuyến yên từ năm 2000. Các bác sĩ nói với bà Feng rằng chồng của bà sẽ bị mất thị lực ở cả hai mắt và ông ta sẽ không sống quá 3 năm sau khi bị mù. Tuy nhiên, chỉ dựa hoàn toàn vào Đông Y, ông Dong vẫn sống và kỳ lạ hơn thị giác của ông còn tốt hơn so với những người cùng lứa tuổi. 

Năm 2008, bệnh tình của ông bỗng trở nên tồi tệ. Các bác sĩ tuyên bố ông đã ở giai đoạn cuối của cuộc đời rồi. Tuy nhiên, bà Feng đã không đầu hàng và với nhiều năm kinh nghiệm điều trị và chăm sóc chồng, bà quyết giành giật cuộc sống lại cho ông. Thật kỳ diệu, 24 giờ sau khi uống thuốc do bà bào chế, ông Dong đã dần hồi tỉnh và thoát khỏi tay tử thần bảy ngày sau đó. 

Trong một thập niên qua, bà Feng ngủ không tới 6 tiếng đồng hồ mỗi đêm. Bà luôn tuân thủ thời gian cho chồng uống thuốc. Ngoài ra bà cũng thường xuyên xoa bóp để giúp lưu thông khí huyết trong cơ thể ông. Bà đã nghiên cứu tài liệu của những danh y xưa và biết rằng thời điểm cho bệnh nhân uống thuốc cũng rất quan trọng. Bà còn lưu tâm đến sự thay đổi mùa, tiết và đã dùng các toa thuốc khác nhau vào buổi sáng và buổi tối. 

Năm 2008, sau nhiều năm tự học lý thuyết và thường xuyên thực hành trên một bệnh nhân đặc biệt, bà Feng Guirong đã qua được kỳ thi quốc gia và được Hội y học Trung Quốc cấp bằng khi đã 60 tuổi. 

Thiên Trang

(Theo Epochtimes)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.