(GD&TĐ) - Trong năm 2012, ngành du lịch phải rất nỗ lực mới đón được khoảng 6,8 triệu lượt khách quốc tế với doanh thu đạt gần 7 tỷ USD. Nghịch lý lại xảy ra có tới 3,5 triệu lượt khách trong nước đi du lịch nước ngoài, với khoản chi phí 3,5 tỷ USD...
Các di sản thế giới của Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho du khách quốc tế Ảnh: Thanh Tùng |
Vì sao du khách ngại đến Việt Nam?
Khi tìm hiểu kỹ thực tế du lịch tại Việt Nam mới thấy hết những bất cập và chúng ta cần có một chiến lược dài hơi để thay đổi. Thực tế nhiều du khách đến Việt Nam than phiền nạn chèo kéo khách, bị “chặt chém” với những giá dịch vụ trên trời, thái độ phục vụ chưa chuyên nghiệp… Đặc biệt là nhiều khách quốc tế còn bị mất cắp khi đi du lịch. Như vậy một phần nguyên nhân khiến khách du lịch lo lắng thậm chí không muốn quay trở lại Việt Nam đó là sự bất ổn về an ninh. Nhìn sang các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào, Campuchia … mặc dù tài nguyên du lịch của họ không đa dạng như Việt Nam nhưng về an ninh du lịch hơn hẳn. So sánh về vấn đề này, Giám đốc Sở VH, TT và DL TPHCM Nguyễn Thành Rum cho biết: Hiện các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Lào đã làm rất tốt mô hình này, tạo được sự yên tâm cho khách du lịch, còn Việt Nam thì chưa thực hiện được. Ở Trung tâm Du lịch của Luông Pha Băng (Lào) có hơn 10 cảnh sát du lịch thường trực, bảo vệ khoảng 300 khách du lịch; còn ở Xiêm Riệp (Campuchia) thì lực lượng này cũng có khoảng 100 người. Do đó để đảm bảo an ninh du lịch thì chúng ta cần phải tăng thêm lực lượng bảo vệ du khách. Do vậy cần thành lập cảnh sát du lịch để bảo vệ du khách có như vậy khách du lịch mới yên tâm khi đến với chúng ta.
Cần có chiến lược dài hơi
Bên cạnh đó, để phát triển ngành kinh tế không khói đòi hỏi nhà nước, đặc biệt, là Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch, cần có chiến lược lâu dài. Được biết ngay từ năm 2000, du lịch Việt Nam đã xây dựng biểu tượng và tiêu đề cho các chương trình xúc tiến quảng bá với các thông điệp nhằm định vị rõ nét hơn điểm đến Việt Nam đối với các thị trường mục tiêu. Cho đến nay, chỉ tính riêng Tổng cục Du lịch đã có 8 đề án nghiên cứu về các thị trường trọng điểm của Việt Nam, bao gồm thị trường Nga, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia và 1 đề án nghiên cứu về tình hình phát triển du lịch thế giới và những tác động đến du lịch Việt Nam; bước đầu định vị được các sản phẩm du lịch hấp dẫn của du lịch Việt Nam, gồm: du lịch biển đảo; du lịch văn hóa, lễ hội; du lịch sinh thái và du lịch thành phố, bên cạnh những dòng sản phẩm du lịch bổ trợ (như du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng...).
Song song với đó, để thu hút được du khách đến với Việt Nam cần phải xây dựng một chiến lược marketing chuyên nghiệp cho giai đoạn từ nay đến năm 2020 với các nước. Đại diện Công ty Du lịch Vietravel một trong những công ty du lịch có bề dầy kinh nghiệm chia sẻ: Việc thành lập văn phòng đại diện du lịch quốc gia tại các thị trường du lịch nguồn trọng điểm, tiềm năng là rất cần thiết. Việt Nam nên có đại diện của Tổng cục Du lịch tại các tỉnh, thành phố được xác định là trung tâm du lịch để hỗ trợ và phối hợp với cơ quan quản lý du lịch địa phương quảng bá, xúc tiến hiệu quả hơn.
Tại Hội nghị trực tuyến về Cải thiện môi trường du lịch mới đây Bộ VH, TT và DL cũng đã đưa ra 10 giải pháp cấp thiết nhằm cải thiện hình ảnh du lịch Việt Nam. Đó là cung cấp thông tin về y tế, an ninh qua internet và các ấn phẩm du lịch, công bố các địa điểm, dịch vụ đạt chuẩn và khuyến cáo du khách các địa điểm không nên đến; lắp camera tại một số trung tâm du lịch thường xảy ra tình trạng cướp giật; quy hoạch lại hoạt động dịch vụ du lịch tại các thành phố. Bên cạnh đó, có lực lượng tiếp nhận, xử lý thông tin khi xảy ra vụ việc du khách bị xâm hại; tuyên truyền vận động người bán hàng rong không ép giá, lừa đảo khách. Bộ cũng đề xuất thành lập lực lượng Cảnh sát Du lịch để bảo vệ du khách.
Thu Trà