Lê Đại Hành hoàng đế (tên húy là Lê Hoàn, sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu 941, mất ngày 8 tháng 3 năm Ất Tỵ 1005), quê làng Trung Lập thuộc Ái Châu (nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân) trong một gia đình nghèo.
Năm 16 tuổi, Lê Hoàn sớm tham gia quân đội, lập nhiều chiến công, góp phần giúp Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, lập nên quốc gia độc lập: Đại Cồ Việt.
Ông được giao giữ chức Thập đạo tướng quân, tổng chỉ huy quân đội. Nội loạn, ngoại xâm dấy binh, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được mời lên ngôi vua. Ông sớm ổn định tình hình trong nước, lãnh đạo quân dân giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược; tiếp tục xây dựng nhà nước quân chủ tập quyền độc lập, tự chủ.
Đặc biệt, ông là nhà lãnh đạo, quản lý đất nước tài ba. Lê Đại Hành Hoàng Đế đã thực thi nhiều giải pháp khuyến nông, phát triển tiểu thủ công nghiệp, phát hành tiền tệ, đẩy mạnh hoạt động thương mại, trao đổi buôn bán.
Ông luôn làm gương cho nhân dân, chăm lo phát triển nông nghiệp với hai lần tự thân cày ruộng tịch điền và việc làm này đã trở thành nghi lễ truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trên lĩnh vực ngoại giao, Lê Đại Hành thể hiện tài năng xuất chúng, khẳng định bản lĩnh, tính tự tôn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ quốc gia độc lập, thống nhất thời Đinh-Tiền Lê, đặt nền nóng cho sự trường tồn của quốc gia, dân tộc cùng bước phát triển của nhà nước phong kiến kéo dài trong lịch sử Việt Nam.
Tại lễ hội, sau phần tế lễ, đánh trống khai hội là chương trình nghệ thuật “Lê Đại Hành Hoàng Đế, chiến công nghi mãi ngàn năm” do đông đảo quần chúng, các nghệ sĩ, diễn viên đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tỉnh Thanh Hóa thể hiện nêu bật tài năng, khí phách, bản lĩnh của người Anh hùng dân tộc Lê Đại Hành cùng quân, dân quốc gia Đại Cồ Việt trong chống giặc ngoại xâm, dựng xây đất nước.
Kỷ niệm 1010 năm ngày mất Lê Đại Hành Hoàng Đế nhằm tôn vinh, khắc ghi công lao của người anh hùng dân tộc có công với nước, khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc …