Thanh Hóa: Hàng loạt giáo viên hoang mang vì bị cắt tiền phụ cấp đứng lớp

GD&TĐ - Tết đang cận kề, ai nấy đều mong muốn có một món tiền để mang về trang trải cho gia đình. Thế nhưng, hàng loạt giáo viên THCS ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa đang rất hoang mang vì bị không được nhận khoản tiền phụ cấp đứng lớp.

Giáo viên trường THCS Xuân Cẩm, Thường Xuân (Thanh Hóa) không được nhận tiền phụ cấp ưu đãi do nhà trường chưa xác định ai là giáo viên dôi dư.
Giáo viên trường THCS Xuân Cẩm, Thường Xuân (Thanh Hóa) không được nhận tiền phụ cấp ưu đãi do nhà trường chưa xác định ai là giáo viên dôi dư.

Những ngày qua, hàng trăm giáo viên THCS ở huyện Thường Xuân vô cùng bức xúc trước việc: Ngày 24/1/2019 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân Cầm Bá Xuân ký công văn số 106/UBND-NV, gửi Kho bạc Nhà nước huyện Thường Xuân, về việc: “Chi trả chế độ cho cán bộ giáo viên các đơn vị trường học”. Theo nội dung công văn, ông Cầm Bá Xuân đề nghị Kho bạc chỉ trả lương cho giáo viên các trường THCS, còn tiền phụ cấp ưu đãi (đứng lớp) của số giáo viên dôi dư ở các nhà trường thì giữ lại.

Theo đó, các trường chỉ nhận lương về cấp phát cho giáo viên, còn khoản tiền phụ cấp ưu đãi (đứng lớp) của họ thì không được chi trả.

Nguyên nhân dẫn đến sự việc này bắt nguồn từ ngày 20/8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định số 3130/QĐ-UBND về việc giao biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ năm 2019 của tỉnh Thanh Hóa.

Quyết định sô 3130 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Quyết định sô 3130 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. 

Theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, thì huyện Thường Xuân được giao biên chế số giáo viên THCS là 393 người. Trong khi đó, huyện Thường Xuân đang có 478 giáo viên THCS. Vì thế, để tinh giản số lượng giáo viên theo quyết định của tỉnh, thì Thường Xuân dôi dư 85 giáo viên.

Đến ngày 14/1/2019, ông Cầm Bá Xuân – Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân  ký Quyết định số 75/QĐ-UBND, về việc giao biên chế trong các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập trên địa bàn huyện năm 2019. Theo quyết định này, huyện Thường Xuân có 67 giáo viên THCS thuộc diện dôi dư đang công tác tại 16 ngôi trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo GD&TĐ, việc giáo viên bức xúc nhất là, khi  lĩnh lương thì số tiền phụ cấp ưu đãi lại không được nhận. Bởi lẽ, nhà trường cũng không thể biết được giáo viên nào là đối tượng thuộc diện dôi dư. Vì vậy, nhà trường buộc phải giữ toàn bộ số tiền phụ cấp ưu đãi lại.

Quyết định số 75 của UBND huyện Thường Xuân.
Quyết định số 75 của UBND huyện Thường Xuân. 

Thầy giáo Cầm Bá Quý – Hiệu trưởng trường THCS Xuân Cẩm, cho biết: Nhà trường có tổng số 28 giáo viên. Đến ngày 24/1/2019 vừa qua, nhà trường nhận được công văn của phòng Tài chính huyện gửi về và yêu cầu không chi khoản phụ cấp ưu đãi (đứng lớp) cho 9 giáo viên dôi dư của nhà trường. “Khi nhận công văn của phòng Tài chính cũng như quyết định của UBND huyện, chúng tôi chỉ biết là nhà trường có 9 giáo viên thuộc diện dôi dư.

Thế nhưng, các phòng liên quan của huyện không hướng dẫn cụ thể và xác định giáo viên nào thuộc diện dôi dư, bị cắt phần phụ cấp ấy. Do đó, nhà trường đành phải giữ toàn bộ khoản tiền phụ cấp ưu đãi của tất cả giáo viên trong trường, để chờ hướng dẫn và xác định cụ thể từng người” – thầy Quý nói.

Một giáo viên (đề nghị không nêu tên), bức xúc: “Năm nay, cấp trên cho giáo viên được ứng 2 tháng lương để chi tiêu Tết. Chúng tôi rất mừng vì nghĩ rằng, khi nhận lương thì sẽ được nhận cả tiền phụ cấp ưu đãi để về mua sắm tết cho gia đình. Vậy mà bỗng nhiên huyện có chỉ đạo kho bạc giữ lại khoản tiền phụ cấp ưu đãi của chúng tôi.

Trong khi đó, ở trường chúng tôi cũng chưa biết ai là người thuộc diện dôi dư, không được hưởng khoản tiền đó để mà trừ. Chỉ  vì một số người, mà tất cả chúng tôi cùng phải chịu cảnh không được nhận phụ cấp, thì quả là điều không thể chấp nhận được.

Hơn nữa, chúng tôi đi làm, chỉ trông chờ vào đồng lương và phụ cấp hàng tháng để trang trải cuộc sống. Tết nhất đang cận kề, bỗng dưng chúng tôi không được nhận khoản tiền phụ cấp ưu đãi. Như vậy, thử hỏi tâm lý của giáo viên có bị xáo trộn không? Những giáo viên ở vùng khó khăn như chúng tôi có tủi thân không?”.

Công văn đề nghị Kho bạc Nhà nước giữ tiền phụ cấp ưu đãi do ông Cầm Bá Xuân - Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân ký ngày 24/1/2019.
Công văn đề nghị Kho bạc Nhà nước giữ tiền phụ cấp ưu đãi do ông Cầm Bá Xuân - Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân ký ngày 24/1/2019. 

Trao đổi với GD&TĐ, ông Cầm Bá Xuân – Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, khẳng định: Việc huyện chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm theo quy định của tỉnh là đúng. Huyện cũng không chỉ đạo các trường không trả lương cho giáo viên.

Ngược lại, hiệu trưởng các nhà trường mà không xác định được giáo viên nào của trường mình trực tiếp đứng lớp để hưởng phụ cấp ưu đãi (đứng lớp) là thiếu trách nhiệm.

“Tôi đã chỉ đạo phòng Giáo dục, Nội vụ, Tài Chính, Kho bạc, các nhà trường phối hợp với nhau giải quyết khẩn trương việc chi trả hai tháng lương cho giáo viên để về ăn Tết. Còn trường nào không xác định được cụ thể giáo viên không trực tiếp đứng lớp để trừ khoản tiền phụ cấp ưu đãi, thì hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm”- ông Xuân nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ