Tại Hàn Quốc, một đất nước mà những thành kiến đối với người khuyết tật vẫn còn khá nặng nề, mẹ cô, bà Woo Gap-son, đã phải trải qua rất nhiều áp lực của gia đình để nuôi Lee Hee ah khôn lớn và trưởng thành. Bà cho biết tất cả mọi người thân trong gia đình đều đã bị sốc khi Lee Hee-ah ra đời, và họ phản đối việc bà quyết định giữ nuôi Hee-ah tại Hàn Quốc chứ không cho cô đi sang Canada để làm con nuôi. Vốn là một y tá có kinh nghiệp chăm sóc những người tàn tật, và hơn tất cả là tấm lòng tận tuỵ của một người mẹ, bà Woo Gap son đã quyết tâm giữ nuôi bé Lee Hee.
Và Lee Hee ah đã không phụ lòng bà. Khi lên sáu tuổi, cô bé này đã bắt đầu được mẹ cho tập chơi đàn piano, lúc đó không phải vì cô muốn trở thành nghệ sĩ dương cầm, ban đầu chỉ là để rèn luyện cho đôi bàn tay mình. Khi ấy, Lee Hee thậm chí còn không cầm nổi cây bút chì. "Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng Hee-Ah có thể chơi piano một cách chuyên nghiệp. Nếu những nhạc công khác tập 5 tiếng, cô bé có thể tập 10 tiếng. Hee-Ah sẽ không thua kém bất cứ ai", bà Woo-Gap-Son cho biết.
Mặc dù ít ai có thể hình dung được một người chơi piano lại không có đủ mười ngón tay, nhưng với một cây đàn piano được thiết kế đặc biệt để phù hợp với đôi chân bị ngắn của mình và với sự giúp đỡ của một giáo viên dạy nhạc, Lee Hee đã bắt đầu tỏ ra là một người có tài năng âm nhạc thực sự.
Cùng với sự động viên giúp đỡ của mẹ, Lee Hee cho biết, cô đã kiên trì tập đàn 12 giờ thay vì 5 giờ đồng hồ mỗi ngày như những nghệ sĩ bình thường. Lee-Hee-Ah đã phải mất năm năm để có thể chơi được bản Fantasie Impromptu của Chopin một cách điêu luyện như hiện nay.
Mẹ Lee-Hee-Ah cho biết, bà đã đăng ký xin cho cô được tham gia dự thi trong một số cuộc thi trình diễn piano nhưng đã bị ban tổ chức từ chối chỉ vì họ lo rằng hình dáng bên ngoài của cô có thể sẽ làm cho những thí sinh khác sợ. Và điều này đã khiến bà càng trở nên quyết tâm giúp đứa con gái kém may mắn của mình hơn. Bà muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Hee-ah có thể trở thành người chơi dương cầm chuyên nghiệp, vì bà không muốn cô bị người khác khinh rẻ.
Có công mài sắt có ngày nên kim, Lee Hee-ah đã vượt qua những khó khăn vô cùng to lớn để trở thành một nghệ sĩ dương cầm điêu luyện chuyên biểu diễn các bản công xéc tô cổ điển nổi tiếng. Sau nhiều năm trời kiên trì luyện tập, Lee Hee-ah đã có thể biểu diễn piano ở trình độ điêu luyện không hề thua kém gì những nghệ sĩ chuyên nghiệp hàng đầu.
Năm 1992, tức là khi mới lên 8 tuổi, Lee Hee ah đã đoạt giải trong cuộc thi Âm nhạc quốc gia dành cho học sinh sinh viên của Hàn Quốc, và năm 1999 cô đã được nhận giải thưởng đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc vì đã biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn để vươn tới thành công.
Với những thành công đã đạt được, Lee Hee-ah đã được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Anh, Australia... và nhiều buổi hòa nhạc tại các trường học ở Hàn Quốc. Lee-Hee-Ah cũng đã từng biểu diễn cùng nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng người Pháp Richard Clayderman.
Khi nói về sự khổ luyện của mình, Lee-Hee-Ah phát biểu: “Ông trời không bao giờ cho chúng ta cơ hội tốt mà không có những khó khăn đi cùng. Tôi rất hạnh phúc với khả năng trình diễn của mình trên sân khấu, nhưng tôi phải luyện tập rất nhiều. Chúng ta không bao giờ có được những điều tốt đẹp nếu không vượt qua khó khăn. Tuy phải tập luyện rất vất vả nhưng tôi cảm thấy rất hạnh phúc, nhất là mỗi khi được biểu diễn trên sân khấu".
Theo Lee Hee-ah, mặc dù việc học piano không hề dễ dàng, nhưng "thời gian trôi qua, chiếc piano đã trở thành nguồn cảm hứng, và người bạn thân thiết nhất của tôi".
Hiện nay, nghệ sĩ dương cầm này đang là người khuyết tật biểu diễn nhạc cổ điển duy nhất trên thế giới chỉ có bốn ngón tay. Lee Hee-ah cho biết cô hy vọng là những gì cô đạt được sẽ là nguồn động viên cho nhiều người khác. Thông điệp mà Lee Hee ah muốn gửi tới mọi người là: nếu như hoàn cảnh khó khăn đã không thể ngăn cản được cô biến giấc mơ của mình thành hiện thực thì những người khác có thể làm được điều đó một cách thuận lợi hơn nhiều, bởi vì họ không bị khuyết tật như cô.
Câu chuyện về cuộc đời của Lee Hee ah đã được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong các trường học Hàn Quốc, và truyền hình nước này cũng đã làm phim về cô. Nghệ sĩ dương cầm trẻ Lee-Hee-Ah đã được nhiều học sinh sinh viên và thanh niên Hàn Quốc coi như tấm gương vượt qua khó để đi tới thành công.
Vũ Anh Tuấn