(GD&TĐ) - Sáng nay 24/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã đăng đàn trả lời chất vấn của 39 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên họp toàn thể. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ĐBQH tập trung chất vấn vấn đề trọng tâm là: thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp nâng cao chất lượng GD.
Nhóm vấn đề thứ nhất: Đề nghị Bộ trưởng đưa ra các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng GD đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ)? Làm thế nào để giải quyết bất cập giữa sự phát triển nhanh quy mô các trường ĐH với chất lượng đào tạo? Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm trong việc thành lập trường ĐH, trong việc tuyển sinh, trong việc để xảy ra tình trạng “lạm phát” sinh viên (SV) khá giỏi? Đặc biệt làm thế nào để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường ĐH, CĐ ngoài công lập và ở hệ đào tạo tại chức (vừa làm vừa học)?
Có thể nói những câu hỏi trên đã xoáy sâu vào những vấn đề bức xúc của cử tri. Trong phần trả lời, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh quy mô phát triển các trường ĐH, CĐ đảm bảo đúng quy hoạch. Cái khó nhất là làm sao để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhiều giải pháp đã được Bộ đưa ra là: giảm chỉ tiêu tuyển sinh hệ đào tạo phi chính quy, thực hiện “3 công khai và 4 kiểm tra”; siết chặt chế độ thỉnh giảng của giảng viên (GV); tăng cường thanh tra kiểm tra, nhất là các trường ngoài công lập. Bộ trưởng cho biết: Bộ đang tích cực hoàn chỉnh quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, để sinh viên ra trường có nhiều cơ hội kiếm việc làm. Cũng cần nhìn vấn đề rộng hơn, theo đánh giá của Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới: Năm 2008 chỉ số chất lượng nguồn nhân lực của ta ở vị trí 126, đến năm 2011 chỉ số này tăng lên vị trí 59, đó là sự phát triển đáng mừng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trong phiên trả lời chất vấn của Quốc hội ngày hôm nay |
Trong nhóm vấn đề thứ hai, các ĐBQH yêu cầu Bộ GD & ĐT trả lời một số thắc mắc xung quanh việc cán bộ quản lý (CBQL) GD có gốc là GV lại không được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên? Một số đối tượng như cán bộ tư pháp hướng dẫn pháp luật cho HS, SV; một số nhà sư dạy tiếng Khmer trong chùa và các HS diện đặc biệt khó khăn chưa được hưởng chế độ trợ cấp? Chế độ đối với GV mầm non (MN) còn thiếu công bằng so với GV phổ thông? Giải quyết thế nào với biên chế nhân viên bảo mẫu ở các trường MN đang thiếu trầm trọng? Vì sao trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi ít có cơ hội đi học nhà trẻ?
Trong phần trả lời nhóm vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Chính phủ sẽ có quyết định mới về việc chi trả phụ cấp thâm niên cho CBQLGD có gốc là giáo viên. Các chính sách cho những đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp cũng đang được liên bộ nghiên cứu để sớm ban hành. Cần nói rõ trách nhiệm đảm bảo phát triển trường lớp Mầm non và tuyển dụng GV Mầm non là thuộc chính quyền địa phương. Bộ đang bàn về việc tuyển dụng lực lượng bảo mẫu cho các trường Mâm non để giảm tải cho các Gv đứng lớp…
Nhóm vấn đề thứ ba: Việc quá tải trong chương trình phổ thông; hiện tượng dạy thêm – học thêm tràn lan ở các trường phổ thông; hiện tượng lạm thu tiền trường; việc phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS & THPT còn nhiều bất cập…., là những bức xúc mà các ĐBQH đặt ra với Bộ trưởng Bộ GD & ĐT?
Trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã chỉ rõ:
Chương trình GD phổ thông nặng, chủ yếu vì nó được thiết kế cho mô hình trường học chính khóa 2 buổi/ngày, trong khi nhiều trường hiện nay chưa đủ điều kiện để dạy học 2 buổi/ngày. Để giải quyết tình trạng dạy thêm – học thêm trái phép, cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan QLGD; trách nhiệm của hiệu trưởng và nhất là trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của các nhà giáo. Kinh nghiệm ở một số địa phương là nếu làm kiên quyết và đồng bộ, chúng ta sẽ chấn chỉnh được triệt để tình trạng dạy thêm – học thêm trái phép. Để giảm tải, Bộ đã cắt giảm một số bài học không cần thiết trong sách giáo khoa; tăng thời lượng năm học. Về lâu dài, Bộ đang nghiên cứu tổng thể chương trình, nội dung SGK để có lộ trình giảm tải chặt chẽ, khoa học, sát thực tế. Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, GD ý thức chọn ngành, chọn nghề (hướng nghiệp) cho HS sau tốt nghiệp THCS & THPT. Các trường TCCN, các cơ sở dạy nghề (kể cả các trường ĐH, CĐ có đào tạo hệ TCCN) phải tích cực đổi mới nôi dung chương trình, phương pháp dạy học và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, để thu hút học sinh sau tốt nghiệp THCS & THPT, bổ túc THPT vào học.
Nhìn chung, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trả lời đầy trách nhiệm, thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng GD là vấn đề hết sức lâu dài, gian khổ, cần sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng toàn dân, chỉ riêng ngành GD& ĐT không đủ sức làm nổi. Và đó cũng chính là điều mà Quốc hội và cử tri có lẽ cũng thông cảm nhiều cho người đứng đầu cho ngành GD, trong giai đoạn chuẩn bị “Đổi mới căn bản, toàn diện nền GD” theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần XI đã chỉ rõ.
Đinh Lê Yên