Thẳng thắn nhìn nhận về tuyển dụng, sử dụng giáo viên

GD&TĐ - Trước thực trạng tuyển dụng, sử dụng và chế độ đãi ngộ giáo viên, nhiều đại biểu Quốc hội đã “nhìn thẳng, nói thật” về những bất cập hiện nay. Các đại biểu cho rằng, cần có cách nhìn thấu đáo và những giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán về tuyển dụng, sử dụng giáo viên.  

Thẳng thắn nhìn nhận về tuyển dụng, sử dụng giáo viên

Vẫn còn những bất cập

Thẳng thắn nhìn nhận về những khó khăn, bất cập trong cơ chế tuyển dụng, sử dụng giáo viên ở các địa phương, bà Đàng Thị Mỹ Hương - Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho rằng, việc xét tuyển, tuyển dụng, đánh giá giáo viên như những viên chức thông thường khác là chưa hợp lý. Đặc biệt, việc xếp lương đối với đội ngũ giáo viên vẫn còn nhiều bất cập.

Liên quan đến chính sách tinh giản biên chế, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương chia sẻ: Đây là tinh thần chung nhưng đối với ngành Giáo dục cần xem xét và cân nhắc lại. Đối với giáo dục phải có lộ trình chứ không thể cào bằng là giảm 10% tính trên tổng biên chế sự nghiệp. “Học sinh càng ngày càng tăng, mà giáo viên không được tăng. Vì vậy đề nghị Bộ tính toán cụ thể định mức cho phù hợp với từng địa phương, chứ không thể cào bằng” - đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị quyết 19 cũng có ý: Khi giảm biên chế cần xem xét đến yếu tố đặc thù. Vì vậy, khi giảm biên chế đối với ngành Giáo dục cũng cần tính đến yếu tố này ở từng địa phương chứ không thể cào bằng.

Không đồng tình với ý kiến: Khi giảm biên chế 10% thì y tế, giáo dục cũng không được ưu tiên, ngoại lệ; đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết nêu ý kiến: Thực tế hai ngành này có số biên chế rất lớn. Do đó, muốn đạt chỉ tiêu giảm 10%, nhiều địa phương đã cắt giảm một cách cơ học đội ngũ giáo viên, chứ không thể cắt giảm ngành khác. Điều đáng nói là con số 10% không dừng lại ở một năm, mà năm sau vẫn phải tiếp tục thực hiện và chúng ta chưa biết điểm dừng.

“Ai cũng hiểu, việc khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực nào cũng cần có lộ trình và thời gian. Hiện nay, chính sách xã hội hóa cho giáo dục chưa đủ tạo động lực để thúc đẩy nhân dân tham gia. Vì thế, xã hội hóa chủ yếu ở các thành phố lớn, còn các tỉnh miền núi, vùng khó khăn thì gần như không thể xã hội hóa được.

Chúng ta tạm chưa tính đến tốc độ gia tăng dân số cơ học nhưng dân số cũng đã tăng rồi và vì thế số trẻ em trong độ tuổi đến trường cũng tăng theo. Kéo theo đó là nhu cầu về trường lớp cũng phải tăng.

Giáo dục là đào tạo con người, ảnh hưởng đến tương lai đất nước chứ không phải chỉ ảnh hưởng ở thời điểm hiện tại. Do đó, đội ngũ giáo viên không giống như viên chức ở các ngành khác mà cần được nhìn nhận đúng với vai trò, vị trí và vị thế trong xã hội. Vì vậy, việc cắt giảm biên chế giáo viên một cách cơ học để giảm chi ngân sách là không khả thi” - đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết nói.

Cần giải pháp căn cơ, thấu tình đạt lý

Khẳng định giáo viên là lực lượng lao động có tính chất đặc thù, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết thẳng thắn nói: Nếu chúng ta quy giáo viên bằng các viên chức khác là không phù hợp. Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cần được chủ động hơn trong tuyển dụng giáo viên. Đồng thời cần phân quyền, phân cấp để các địa phương chủ động trong vấn đề này.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết nêu lên một thực tế: Ngay tại TP Hồ Chí Minh, mỗi năm học đều có xây dựng các trường học. Nhưng khi tuyển dụng giáo viên đều bị vướng bởi cơ chế, chính sách; phía Bộ Nội vụ có ý kiến phản hồi rằng, phải xin ý kiến và trao đổi lại Bộ Nội vụ, khi nào đồng ý thì mới được tuyển. Vấn đề ở chỗ là, số trường đó xây xong thì các em học sinh học bằng cách nào, lấy ai là người dạy?...

“Hiện nay, cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều bị quá tải về học sinh nhưng đều không được tuyển dụng giáo viên. Khi có nhu cầu tuyển thì lại phải chờ duyệt; đến khi được duyệt thì năm học cũng kết thúc. Và nếu địa phương chủ động tuyển thì bị “bắt lỗi”. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy - học trong các nhà trường” - đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết dẫn giải.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trao đổi, qua giám sát việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên đã bộc lộ một số vấn đề: Thứ nhất là hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn còn chồng chéo. Nếu theo luật thì chúng ta đang tách ra hoạt động chuyên môn và nhân sự. Do đó đối với Bộ GD&ĐT, việc tuyển dụng nhân sự vẫn còn phụ thuộc với một số bộ ngành khác, cụ thể là Bộ Nội vụ.

Thứ hai, giáo viên là nghề đặc thù, là nhân tố rất quan trọng tạo nên chất lượng giáo dục. Hiện nay, đội ngũ này đã được chúng ta chăm chút, nhưng khi đánh giá, tuyển dụng thì vẫn sử dụng tiêu chí chung của viên chức.

Thứ 3, đó là việc sắp xếp lại đội ngũ của hiện nay, giữa vấn đề tổng biên chế của địa phương đối với biên chế dành cho ngành Giáo dục. Đặc biệt hiện nay, một số địa phương có tăng trưởng dân số một cách cơ học. Tất cả những vấn đề đó đòi hỏi chúng ta cần phải giải quyết như thế nào cho thấu tình, đạt lý.

“Nếu áp dụng cứng như Luật Viên chức đối với giáo viên là không hoàn toàn phù hợp. Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ nên hiến kế cho Quốc hội để có giải pháp tháo gỡ những bất cập hiện nay trong tuyển dụng và sử dụng giáo viên. Đặc biệt hiện nay chúng ta đang tiếp tục thảo luận Luật Giáo dục và tới đây dự định sẽ có Luật Nhà giáo; nếu đưa giáo viên đúng như viên chức các ngành khác là không khả thi”. 
Đại biểu Quốc hội Chu Lê Chinh  - đoàn Lai Châu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.