(GD&TĐ) - Những ngày đầu tháng 5 lịch sử, trong không khí chuẩn bị lễ kỷ niệm 65 năm Bác Hồ và Bộ Chính trị về Định Hóa lập thủ đô kháng chiến, chúng tôi làm một cuộc hành trình về thăm những địa danh và những di tích nơi xưa kia, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ chọn là nơi dừng chân để chuẩn bị cho chiến lược lâu dài. Theo bước chân của Người, chúng tôi được trở về với không khí của những tháng năm gian khổ mà nghĩa tình nơi Việt Bắc thiêng liêng.
Nơi thắp lửa cuộc Tổng khởi nghĩa
Hướng về vùng núi rừng Việt Bắc, nơi xưa kia Bác và Bộ Chính trị chọn là “Thủ đô kháng chiến”, chúng tôi dừng chân ở Chợ Chu Định Hóa, cách thành phố Thái Nguyên 50 km.
Cây đa cùng biển di tích trước cửa chợ Chu |
Cách thị trấn Chợ Chu khoảng 2km, chợ Chu nằm giữa ngã ba xóm Đồng Chùa, cạnh hai cây đa tỏa rộng bóng mát. Theo người già ở đây, chợ Chu được thực dân Pháp xây dựng từ trong vòng 10 năm từ 1915 đến 1925, khi chúng tiến hành xâm lược Việt Nam và chọn Định Hóa là phên giậu tiến hành những cuộc càn quét và xây dựng nhà tù. Chợ Chu được xây dọc thành nhiều gian với nhiều cột to, xù xì, chạy dọc theo một khu đất rộng. Chợ Chu không đơn thuần là một khu chợ để mua bán và sinh hoạt cộng đồng mà còn là nơi diễn ra những cuộc đàn áp đẫm máu của thực dân Pháp với những cộng sản yêu nước thời bấy giờ.
Theo cuốn Lịch sử Định Hóa của tác giả Lê Nhâm, người dày công viết lịch sử cách mạng của quê hương, chợ Chu là địa điểm đặc biệt quan trọng, là nơi khởi đầu cho cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945. Vẫn còn đây, trước cửa chợ Chu là hai cây đa lịch sử ghi dấu ấn ngày 28 tháng 3 năm 1946. Tại đây, đúng ngày này, đã diễn ra cuộc mít tinh lịch sử với hàng ngàn quần chúng tham gia. Trong cuộc mít tinh này, Việt Minh huyện Định Hóa đã tuyên bố xóa bỏ ách thống trị của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai. Từ đây, ngọn lửa cuộc Cách mạng Tháng Tám bùng lên mạnh mẽ, Mặt trận Việt Minh tiến về Hà Nội cướp chính quyền.
Ngày nay, chợ Chu của thị trấn được xây dựng khang trang hơn ở một khu mới, song vẫn còn đó chợ Chu thời Pháp cùng hai cây đa tọa lạc ngay giữa ngã ba đường. Tuy có chợ mới nhưng người dân khu vực này hàng ngày vẫn lấy chợ Chu cũ là nơi họp chợ, bày bán hàng hóa.
Cùng hướng đường đến chợ Chu, chúng tôi đến khu di tích nhà tù Chợ Chu trên đỉnh núi cao cách thị trấn hơn 1 km.
Di tích nhà tù Chợ Chu nằm trên đồi cao ở xóm Vườn Rau. Theo sử sách, năm 1889 thực dân Pháp chiếm đóng đã xây dựng đồn bốt. Năm 1894 chúng đặt cơ quan đại lý cai trị vùng này. Đến năm 1916 tiến hành xây dựng nhà tù.
Nhà tù Chợ Chu ban đầu được làm bằng tre, gỗ, đơn sơ, chủ yếu giam tù thường phạm. Nhà tù Chợ Chu giam giữ các chiến sỹ yêu nước tham gia cuộc khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên (1917) và khởi nghĩa Yên Bái(1930). Năm 1940 cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, bị thực dân Pháp đàn áp dã man, nhiều chiến sỹ cách mạng và thân nhân bị bắt và đem về giam giữ tại nhà tù Chợ Chu. Đến năm 1942 nhà tù được xây dựng lại kiên cố, bằng gạch ngói, xi măng, có thể giam giữ 200 người một lúc...
Đài tưởng niệm liệt sỹ Chu Hóa |
Cuối năm 1944 tình hình cách mạng nước ta phát triển mau lẹ, Trung ương Đảng chủ trương lấy cán bộ ở các nhà tù ra để xây dựng lực lượng, chi bộ nhà tù Chợ Chu đã nhất trí cử 12 đồng chí vượt ngục. Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Xứ uỷ và tổ chức khôn khéo, bí mật của các đồng chí trong tù, ngày 2/10/1944 các đồng chí đã vượt ngục thành công xây dựng được một vùng căn cứ địa hết sức quan trọng ở huyện Định Hoá, Đại Từ (Thái nguyên) và Sơn Dương (Tuyên Quang). Thành lập cơ quan chỉ huy chiến khu Nguyễn Huệ do đồng chí Song Hào làm bí thư, xây dựng căn cứ đón Bác Hồ và Trung ương Đảng về Tân Trào lãnh đạo toàn dân ta khởi nghĩa giành chính quyền 8/1945 thành công.
Di tích nhà tù chợ Chu, biểu tượng sinh động của người chiến sỹ cách mạng nguyện hiến dâng cuộc sống, chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của tổ quốc. Trong nhà tù Chợ Chu nhiều đồng chí đã nêu cao tấm gương sáng về tinh thần học tập, trưởng thành qua thực tiễn đấu tranh bất khuất, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đường về Chu Hóa
Cái nắng oi ả cùng tiếng ve râm ran đầu tháng năm trên con đường trải nhựa phong quang đưa chúng tôi về Chu Hóa, một xã vùng ven thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Qua tấm biển chỉ dẫn và chỉ đường của người dân, chúng tôi tới được khu nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Chu Hóa. Được biết, Chu Hóa là nơi trong những năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp Bác và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng đã về làm việc trong 11 ngày trên đường lên Việt Bắc chỉ đạo kháng chiến.
Học sinh trường THCS Chu Hóa chăm sóc Khu đền thờ lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh ở Chu Hóa |
Tại đây, chúng tôi được tiếp xúc với ông Nguyễn Kim Đức, người dày công tìm hiểu và sưu tầm những tư liệu về Bác Hồ trong những ngày ở Chu Hóa. Đồng thời, qua cuốn “Bác Hồ với Phú Thọ Phú Thọ làm theo lời Bác” đã đưa chúng tôi trở về không khí của những ngày đầu khi Bác Hồ dừng chân nơi đây. Đầu tháng 12-1946, đồng chí Trần Đăng Ninh, phụ trách đội công tác TƯ về Phú Thọ trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy chuẩn bị sẵn một số địa điểm để Bác và cơ quan Trung ương đến ở và làm việc khi cần thiết. Nơi Bác ở phải đạt yêu cầu là: “Có phong trào quần chúng tốt, đường ra lối vào thuận tiện nhưng kín đáo, bảo đảm được bí mật”.
Thi hành chỉ thị cấp trên, Tỉnh ủy Phú Thọ đã khẩn trương chuẩn bị. Mọi địa điểm đều được đồng chí Trần Đăng Ninh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ xem xét cẩn thận và quyết định chọn 3 xã ở 3 huyện là xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông; xã Chu Hóa, huyện Lâm Thao (nay về Việt Trì) và xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng. Cả 3 xã này đều là nơi có phong trào cách mạng sớm, chính quyền và các đoàn thể quần chúng vững, lại nằm gần quốc lộ, thuận tiện giao thông nhưng lại kín đáo, đảm bảo được bí mật. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn và yên tĩnh cho Bác làm việc, theo yêu cầu của đội công tác, chủ nhà các gia đình Bác ở đều vui vẻ nhường hẳn nhà cho cơ quan Trung ương, chuyển gia đình sang nhà khác ăn ở tạm một thời gian.
Khu nhà trưng bày trong khu di tích Chu Hóa |
Cũng trong thời gian dừng chân ở Chu Hóa, Bác đã ký và soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng như: Ký 8 sắc lệnh liên quan đến tổ chức, bộ máy, bổ nhiệm cán bộ, đảm bảo quyền tự do của nhân dân; Điện chúc mừng Hội nghị liên Á; viết thư trả lời các nhà báo Pháp về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Thực dân Pháp tại Việt Nam; gửi thư cho Báo Vệ quốc quân nói về 12 điều răn với chiến sỹ Vệ quốc quân và sau này trở thành 12 điều kỷ luật của Quân đội; hoàn thành tác phẩm "Đời sống mới"; viết thư cho đồng bào miền Nam sau đúng 100 ngày toàn quốc kháng chiến; Bác cũng viết thư gửi Thủ tướng Ấn Độ Nêru.. trong cuốn tài liệu Lịch sử Đảng bộ xã Chu Hóa thì những ngày Bác ở đây, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước như: Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Lương Bằng… thường xuyên đến làm việc và xin chỉ thị của Bác. Do phải giữ bí mật nên những ngày ở Chu Hóa, Bác không trực tiếp gặp cán bộ, đảng viên và nhân dân xã, nhưng Bác thường xuyên nghe các đồng chí phục vụ báo cáo về tình hình mọi mặt của địa phương, đồng thời có những chỉ thị giúp đỡ nhân dân.
Ngày nay, Chu Hóa đã đổi thay nhiều, cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng đi lên. Để tưởng nhớ và ghi dấu những ngày tháng Bác về Chu Hóa, Đảng bộ và nhân dân nơi đây đã xây dựng khu nhà lưu niệm Bác ngay trong căn nhà Bác ở năm xưa. Hiện trong nhà lưu niệm của Bác, nhân dân vẫn giữ được chiếc mâm gỗ, bộ trường kỷ bằng tre cùng nhiều văn bản, bản sao của Bác ở Chu Hóa. Ngày ngày, các em học sinh trường THCS, Tiểu học Chu Hóa thay nhau đến chăm sóc, quét dọn và trồng hoa trong khuôn viên nhà lưu niệm Bác. Đồng thời, nơi đây đã trở thành điểm đến tâm linh của du khách mọi nơi trong hành trình về nguồn.
Như Bác vẫn còn đây
Dời nhà tù Chợ Chu, chúng tôi đến thăm chùa Hang phía bên kia sườn núi đá cao sừng sững. Ngôi chùa được “thiên tạo” trong lòng đá, cách thị trấn Chợ Chu 2km.
Ngôi đền thờ chủ tịch Hồ Chí Minh ở Chu Hóa |
Theo sư thầy Thích Thanh Thắng, nhà sư trụ trì nhiều năm ở chùa này thì ngôi chùa có từ lâu rồi, sư thầy, người dân nơi đây không biết rõ ngôi chùa có từ khi nào. Họ chỉ biết, khi lớn lên đã thấy có một ngôi chùa trên vách núi đá, trong hang sâu.
Lần theo những bậc đá uốn lượn dẫn lối lên cổng chùa, chúng tôi đặt chân lên chùa Hang. Đây là ngôi chùa có cấu trúc đặc biệt, không giống với cấu trúc của những ngôi chùa thông thường. Chùa được “thiên tạo” trong hang đá. Bước vào cửa chùa là một vòng tròn cửa hang khá rộng và thoáng mát, bên trong là một hang sâu với vòm mái cao, phẳng được “sắp xếp” bởi nhiều hình khối khác nhau của đá. Không gian chùa có hai gian. Gian trên gần cửa hang và gian dưới thấp hơn gần cửa sau của chùa. Phía bên trong nữa là hang sâu chưa được khám phá.
Bước chân vào không gian chùa Hang, du khách được sống trong không khí yên tĩnh, thanh tịnh, trầm mặc và linh thiêng chốn cửa Thiền. Cái độc đáo ở ngôi chùa này có lẽ không gian có sự chan hòa giữa tuyệt phẩm của thiên nhiên với không khí tâm linh và thiện tâm từ bi của chúng sinh. Chính vì vậy mà sư thầy Thích Thanh Thắng đã khẳng định: “ Đến với chùa Hang là đến với chốn bình yên nơi tiên cảnh, thoát hẳn với bụi trần”.
Thế hệ trẻ Chu Hóa hôm nay |
Trong những năm kháng chiến chống Thực dân Pháp, những ngày đầu khi cách mạng còn trong “trứng nước” vô cùng khó khăn, gian khổ, chùa Hang còn là một căn cứ cách mạng quan trọng. Trong tình thế giặc Pháp truy lùng, càn quét lực lượng cách mạng, nhất là cơ quan đầu não của Đảng ta, chùa Hang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc bí mật, luận bàn những kế sách quan trọng chuẩn bị cho chiến dịch Thu Đông năm 1950.
Vì vậy, ngày nay, cùng với ban thờ Phật, chùa Hang còn có ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thiêng liêng và tôn kính. Điều đặc biệt, ban thờ Bác Hồ được đặt ngang với ban thờ Phật trong không gian chùa. Khi được hỏi về điều này, sư thầy Thích Thanh Thắng nhấn mạnh: “ Trong lòng dân, Bác Hồ là một vị Phật nhân từ, bác ái, nên đặt ban thờ như vậy là một niềm tôn kính vô cùng”. Đến thăm chùa Hang, không khí linh thiêng hòa cùng không khí cách mạng năm xưa làm cho lòng người không khỏi dưng dưng cảm xúc.
Hành trình của chúng tôi chỉ dừng chân ở ba khu di tích, còn nhiều địa điểm khác trong cuộc hành trình của Bác, song, Chợ Chu, Chu Hóa và chùa Hang đã có thể làm cho chúng tôi thêm hiểu về những ngày tháng cách mạng gian khổ mà Bác và Bộ Chính trị phải trải qua. Mỗi địa điểm như một nét son lịch sử, như một “Việt Bắc” để mỗi người dân trông về để thêm yêu lãnh tụ và bền sâu ý chí trong cuộc sống hôm nay.
Nguyễn Thế Lượng