Với những góc nhìn khác nhau, các điệu múa được dàn dựng như một kịch bản chuyên nghiệp hấp dẫn cả về nội dung và màu sắc.
Tiết mục Múa ngày mùa của Trường ĐH Phương Đông với những âm thanh vui nhộn của một ngày hội tăng gia sản xuất. Đồng thời tái diễn lại thời kỳ chiến tranh bom đạn ác liệt, nhân dân phải vừa chiến đấu vừa sản xuất.
Đây là một bài múa hấp dẫn bởi những đạo cụ hỗ trợ thiết thực như nắm rơm, chiếc liềm gặt lúa...
Lấy ý tưởng từ hoa sen, Trường ĐH Ngoại thương đã làm cho khán giả không rời mắt với tiết mục Hồn sen Việt.
Loài hoa sen vốn đã gắn với hình ảnh con người Việt Nam giản dị mà tinh tế. Những cô gái xinh đẹp, trẻ trung với điệu múa uyển chuyển làm cho cái hồn của bài múa trở nên sống động hơn.
Hướng về quê hương, đất nước với hình ảnh mộc mạc cây đa, giếng nước, hay những buổi chợ phiên với các bà, các chị gồng gánh thúng quang đi bán hàng, trường ĐH Khoa học - Tự nhiên (ĐHQGHN) múa Bức tranh quê gợi nhớ những cảm xúc và kỉ niệm trong mỗi người con xa nhà, hay ít nhất cũng làm cho các bạn trẻ không được tiếp xúc với thôn quê cũng hình dung được những dụng cụ gắn với nghề nông nghiệp như quang gánh, thúng mủng…
Quay trở lại thành phố với những buổi chiều trên cầu Long Biên ngắm con Sông Hồng bên lở bên bồi, Sóng lụa ven đô Trường ĐH Hà Nội đã làm khán giả đôi chút trầm lắng và suy tư về cuộc sống đô thị tấp nập nhưng cũng không ít những không gian yên ả trong ánh chiều hoàng hôn.
Là những người còn rất trẻ tuổi, sinh viên các trường cũng không phải là những diễn viên múa được đào tạo bài bản trong trường lớp chuyên ngành, nhưng trên sân khấu, các bạn đã thực sự tỏa sáng cả về ý tưởng lẫn điệu múa mềm mại, bay bổng.