Tháng 1/2011: xuất nhập khẩu khả quan

Tháng 1/2011: xuất nhập khẩu khả quan
(GD&TĐ)- Theo số liệu về kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2011 của Bộ Công thương cho thấy công tác xuất nhập khẩu 2011 đã tạo được bước khởi đầu khả quan.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 ước đạt 6 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước ước đạt 2,83 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 3,17 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 52,9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Dệt may xuất khẩu đạt kim ngạch 900 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Ảnh, internet
 Dệt may xuất khẩu đạt kim ngạch 900 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Ảnh, internet
Trong tháng 1, dệt may dẫn đầu các ngành về tăng trưởng với kim ngạch đạt 900 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng khác có mức tăng cao là thủy sản đạt 400 triệu USD, tăng 30%; điện tử, máy tính đạt 300 triệu USD, tăng 28,4%; cao su đạt 337 triệu USD, tăng 145,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 300 triệu USD, tăng 1,8%; cà phê đạt 266 triệu USD, tăng 30,4%.
Trong thời gian này, nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng giá giúp kim ngạch xuất khẩu tăng: giá hạt điều tăng 33,8%, cà phê tăng 35%, chè các loại tăng 10%, hạt tiêu tăng 66,7%, gạo tăng 2,8%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 43,4%, than đá tăng 59,7%, dầu thô tăng 17,8%, cao su tăng 69,1%.
Về nhập khẩu, trong tháng 1, nhập khẩu giảm 20,4% so với tháng 12/2010, ở mức 7 tỷ USD. Mặc dù vậy, theo quan sát của các chuyên gia, xuất khẩu vẫn chứa đựng những điều quan ngại. So với kim ngạch xuất khẩu tháng 12/2010, giảm 20%. Các nhóm hàng xuất khẩu nhiên liệu và khoáng sản; nhóm công nghiệp chế biến và nhóm nông, lâm, thủy sản đều giảm mạnh như: Dầu thô đạt 473 triệu USD, giảm 2,4% (lượng giảm 17,2%); gạo đạt 194 triệu USD, giảm 5% (lượng giảm 7,9%); than đá đạt 96 triệu USD, giảm 4,8%, (lượng giảm 40,5%). Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm là do đúng vào kỳ nghỉ lễ đầu năm tại các thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, vẫn đang có những tín hiệu khả quan cho xuất khẩu. Trước hết, đó là do sự trở lại của sản xuất và thị trường xuất khẩu sau các kỳ nghỉ tết. Riêng đối với ngành dệt may, ngay trong tháng 1 hầu hết các doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đến hết quý I/2011, thậm chí một số doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng đến quý III/2011. Hiệp hội Các nhà sản xuất giày châu Âu tuyên bố sẽ không yêu cầu kéo dài thuế đối với một số loại giày của Việt Nam và Trung Quốc, các mức thuế hiện hành sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/4/2011, đây là thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp da giầy Việt Nam.
Hơn nữa, động thái từ phía ngân hàng cũng được coi là những tín hiệu vui cho xuất khẩu. Việc thu hẹp biên độ giao dịch tỷ cùng với điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tạo điều kiện đưa tỷ giá giao dịch của các tổ chức tín dụng sát hơn với cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Các DN xuất khẩu sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn nhờ tỷ giá tăng. Theo các chuyên gia, thì cái lợi lớn là khi tỷ giá tăng sẽ hạn chế hàng nhập khẩu, giúp DN sản xuất trong nước tăng cường năng lực sản xuất và cạnh tranh. 
An Sương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ