Thận trọng khi gia cố bờ kè Hồ Gươm

GD&TĐ - UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến phương án sử dụng bờ kè bê tông công nghệ mới để khắc phục tình trạng một số đoạn quanh hồ đã xuống cấp. Các nhà khoa học cảnh báo về việc tác động đến hệ sinh thái có một không hai ở Hồ Gươm.

Bờ kè Hồ Gươm được xây dựng từ lâu. Ảnh: Đức Chiêm
Bờ kè Hồ Gươm được xây dựng từ lâu. Ảnh: Đức Chiêm

Công nghệ trường tồn với thời gian

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu quận này sớm tổ chức đấu thầu dự án chỉnh trang Hồ Gươm. Theo đó, quá trình chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Gươm, thành phố Hà Nội sẽ cho thay thế toàn bộ bờ kè đá quanh hồ đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Sau 2 năm nghiên cứu, thành phố sẽ dùng công nghệ mới là những khối bê tông nặng 2 tấn để kè xung quanh hồ. Mỗi khối bê tông dài khoảng 1m, được đặt thẳng xuống bờ hồ mà không phải dịch chuyển hay đào bới bất cứ thứ gì.

Được biết, Công ty Cổ phần khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) sẽ là đơn vị được giao thi công. Theo ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty này, theo khảo sát, toàn bộ kè Hồ Gươm dài khoảng 1.600 mét, trong đó có khoảng 600 mét đã hư hỏng.

Theo phương án của Công ty này, đã được trình bày trước lãnh đạo thành phố và thử nghiệm thực tế một đoạn tại hồ Trúc Bạch, thì kè Hồ Gươm sẽ là kè vát, có gân tăng cường. Mỗi cấu kiện dài 1 mét, chiều cao 2,5 mét, nặng 2,5 tấn. Chất liệu bằng bê tông cốt sợi, không có ion, không ăn mòn, có thể trường tồn trong môi trường. Có thể yên tâm với công trình trong sử dụng lâu dài.

Nói về phương án thi công, ông Thảo cho biết, không dùng tường vây, đê bao, không thay đổi mực nước Hồ Gươm, cũng không làm đường công vụ.

“Đảm bảo giữ nguyên hiện trạng nền tự nhiên đáy hồ, giữ nguyên hiện trạng cây xanh xung quanh bờ hồ, không phá vỡ kết cấu nền đất nguyên thổ dưới vỉa hè xung quanh hồ. Hạn chế tối đa ảnh hưởng tiếng ồn, bụi, không xả thải trong quá trình thi công, không làm ảnh hưởng đến các công trình di tích văn hóa lịch sử, giao thông đô thị, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần thường ngày của người dân”, ông Thảo cam kết.

Phía Busadco cũng cho biết, thời gian thi công sẽ từ 22 giờ – 5 giờ sáng từ thứ 2 đến thứ 5. Thứ 7, Chủ nhật sẽ thi công từ 0 – 5 giờ sáng. “Công nghệ này có ưu điểm là hôm nay sản xuất, mai có thể mang ra thi công. Chúng tôi cam kết, nếu thi công đồng bộ 4 mũi cùng lúc, liên tục thì khoảng 40 – 60 ngày là làm xong”, lãnh đạo Busadco nói.

Nhiều bài học về cải tạo hồ

Theo KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc kè lại bờ Hồ là việc làm thường xuyên, cần thiết để bảo đảm an toàn cho du khách và người dân, nhưng cần sử dụng công nghệ phù hợp và được các nhà khoa học đóng góp ý kiến cẩn thận vì đây là bộ mặt của Thủ đô.

Do đó, kè Hồ Gươm phải an toàn, khoa học, tiết kiệm và theo đúng quy trình, quy chuẩn Nhà nước. Việc sử dụng vật liệu gì, công nghệ ra sao cần có ý kiến đánh giá của các nhà khoa học chứ không nên làm một cách ngẫu hứng.

Chúng ta đã có nhiều bài học về việc cải tạo hồ ở Hà Nội. Việc làm bờ kè ở Hồ Gươm phải cam kết không làm xấu đi hình ảnh của hồ, giữ nguyên hiện trạng nền tự nhiên đáy hồ, cũng như giữ nguyên hiện trạng cây xanh xung quanh hồ.

Làm bờ kè này phải bảo đảm sao cho không bị cứng, cây cỏ mọc nhanh trả lại màu rêu phong phù hợp cảnh quan. Giải pháp kỹ thuật nào cũng không được làm thay đổi vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan.

KTS Trần Huy Ánh đặt câu hỏi, đơn vị thi công đưa số liệu tấm bê tông dài 1m nhưng sâu đến 2,5m và đã thử nghiệm ở Hồ Tây, vậy đã có cơ quan nào kiểm nghiệm một cách khoa học về những tác động của phương pháp này đến hồ? Hệ thống cống thoát nước và các hệ thống phụ trợ có được làm đồng bộ với hệ thống kè không?

PGS.TS Trần Tân Văn – Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thì lo ngại, diện tích hồ Hoàn Kiếm vốn đang bị xâm hại bởi các công trình nhà hàng, quán xá khiến diện tích và không gian xung quanh của hồ ngày càng bị thu hẹp và xâm hại nghiêm trọng.

Với một công trình trung tâm, là điểm nhấn của thành phố, khách du lịch, việc đặt những khối bê tông khổng lồ, quá kiên cố như vậy có thể là không cần thiết. Điều ông lo ngại nhiều hơn là việc đưa những khối bê tông lớn như vậy xuống hồ nếu không tác động đào xới thì sẽ làm thu hẹp diện tích mặt nước vốn đã bị xâm hại lâu nay.

Không nên có những tác động khiến diện tích mặt nước của hồ Hoàn Kiếm bị thu hẹp vì Hà Nội đã quá ngột ngạt bởi công trình cao tầng, xe cộ rồi”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Trong khi đó, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng như KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam khi được hỏi thì đều cho biết không nắm được dự định trên của Hà Nội.

Cả hai vị KTS đều cho rằng, lựa chọn cách nào để kè hồ Hoàn Kiếm chắc Hà Nội đã có tính toán, tuy nhiên, phương án nào cũng phải được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh gây ảnh hưởng tới không gian, cảnh quan quanh hồ.

Đừng “động” đến hệ sinh thái hồ

GS.TSKH Dương Đức Tiến, Trung tâm Công nghệ Sinh học Ứng dụng vào Đời sống và sản xuất cho biết, cần đánh giá tác động tới hệ sinh thái có sẵn của Hồ Gươm, trong quá trình thi công và tác động của bê tông đến chất lượng môi trường nước và bùn thế nào.

Khi lắp đặt các tấm bê tông này thì mực nước hồ sẽ thay đổi thế nào? Các tấm bê tông này có làm ngăn mạch nước nối ra sông Hồng của Hồ Gươm hay không?

Theo GS.TSKH Dương Đức Tiến, hiện nay cả nước chỉ còn hai hồ có giá trị sinh học lớn là Hồ Tây và Hồ Gươm. Trong Hồ Gươm có hàng trăm loài vi tảo, trong đó có những loài đặc hữu quý hiếm như tảo lục tạo nên màu xanh đặc trưng cho Hồ Gươm.

Đa dạng sinh học Hồ Gươm rất khác so với các hồ khác trên toàn quốc, nên trong quá trình tác động, cải tạo hồ, xây kè, cần phải rất thận trọng. Trước đây các nhà khoa học cũng đã cảnh báo khi nạo vét hồ, cần giữ lại lớp bùn trên vì đây là môi trường sống của rất nhiều loại sinh vật, không nên nạo vét sạch bùn giống như cải tạo hồ Thiền Quang trước đây.

Được biết năm 2017, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã triển lãm các phương án xây dựng, chỉnh trang khu vực quanh Hồ Gươm để xin ý kiến người dân.

Những hạng mục được đưa ra xin ý kiến gồm: Cải tạo, nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa; chiếu sáng; cây xanh, cảnh quan quanh hồ... Khi đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất nên thay kè bê tông bằng kè cỏ, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên, nhưng đề xuất này chưa được xem xét.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ