Tham vọng vượt 'ao tù' của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

GD&TĐ - Nếu việc vượt 'ao tù' thành công, HBC kỳ vọng sẽ có doanh thu gần 20 tỷ USD và lợi nhuận khoảng 1 tỷ USD vào giai đoạn 2032.

Chủ tịch Lê Viết Hải gửi gắm khát vọng vươn ra biển lớn cho lớp lãnh đạo trẻ giữa lúc khó khăn vây quanh.
Chủ tịch Lê Viết Hải gửi gắm khát vọng vươn ra biển lớn cho lớp lãnh đạo trẻ giữa lúc khó khăn vây quanh.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC, sàn Hose) chuyển giao thế hệ lãnh đạo, đưa công ty vươn tầm thế giới theo khát vọng của Chủ tịch Lê Viết Hải giữa bộn bề gian khó…

Chưa đi hết “kế hoạch lớn” đã từ nhiệm

Thông báo thay đổi nhân sự tại HBC, qua đó ông Lê Viết Hải sẽ chuyển giao quyền lãnh đạo cho con trai Lê Viết Hiếu.

Thông báo thay đổi nhân sự tại HBC, qua đó ông Lê Viết Hải sẽ chuyển giao quyền lãnh đạo cho con trai Lê Viết Hiếu.

Tháng 8/2022, tại phiên họp cổ đông bất thường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) ví: Hòa Bình như một con cá voi, nhưng được nuôi trong ao tù, không đủ không gian để vùng vẫy. Phải nhanh chóng tìm đường ra biển lớn thì cá voi mới tiếp tục tăng trưởng và sống được.

Khát vọng vươn tầm thế giới của người chèo lái con thuyền HBC có cơ sở khi nhìn vào tốc độ phát triển cũng như doanh thu ngày càng tăng mạnh của công ty.

Để vượt “ao tù”, HBC dự định thực hiện các thương vụ mua lại công ty xây dựng địa phương và tham gia dự án với tư cách là nhà đồng phát triển và đảm nhận vai trò tổng thầu tại các nước như Úc, Canada, Mỹ và châu Âu.

Cơ sở để thực hiện việc này là việc HBC đã đầu tư hơn 108 tỷ đồng vào 2 dự án tại bang Ontario, Canada và Queensland, Úc.

Nếu việc vượt “ao tù” thành công, HBC kỳ vọng sẽ có doanh thu gần 20 tỷ USD và lợi nhuận khoảng 1 tỷ USD vào giai đoạn 2032.

Kế hoạch vượt “ao tù” được Chủ tịch Lê Viết Hải đưa ra trước cổ đông. Nhưng chỉ vài tháng sau, ông Hải đã từ chức và con trai Lê Viết Hiếu kỳ vọng sẽ thay cha tiếp tục chèo lái con thuyền HBC tiến về phía trước.

Cụ thể, ông Lê Viết Hải có đơn thôi chức Chủ tịch HBC từ ngày 1/1/2023 và đã được thành viên hội đồng quản trị thông qua.

Nợ phải trả cao gấp 4 lần vốn chủ sở hữu

Nợ cao hơn vốn chủ sở hữu của HBC đang ở mức cao, cùng với khoản vay lớn và bị nợ nhiều trở thành thử thách đối với sự phát triển của HBC.

Nợ cao hơn vốn chủ sở hữu của HBC đang ở mức cao, cùng với khoản vay lớn và bị nợ nhiều trở thành thử thách đối với sự phát triển của HBC.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 (tính đến ngày 30/9/2022), HBC có tổng tài sản đạt 18.683 tỷ đồng, tăng trên 2.062 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Dù cơ cấu tài sản lớn, song HBC bị đối tác nợ rất nhiều. Các khoản phải thu ngắn hạn của HBC tại quý III đã lên đến trên 13.355 tỷ đồng. Con số này hồi đầu năm là 11.538 tỷ đồng và cuối quý II/2022 là trên 12.900 tỷ đồng.

Trong đó, danh mục khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng chiếm tỷ lệ lớn nhất với 6.164 tỷ đồng và phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng là 5.116 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của HBC cũng gia tăng. Đầu năm 2022, hệ số này đạt 2.392 tỷ đồng và đến hết quý III danh mục này tăng lên trên 2.792 tỷ đồng.

Trong khi các khoản phải thu của HBC trên 13.355 tỷ đồng thì nợ phải trả cũng lên tới trên 14.913 tỷ đồng. Trong đó, danh mục nợ ngắn hạn (tức HBC đi vay) gần tương đương với khoản phải thu (tức đối tác nợ HBC) 13.331 tỷ đồng.

Các khoản phải thu lớn đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Danh mục lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm tới 1.331 tỷ đồng và lưu chuyển thuần từ hoạt động đầu tư âm trên 319 tỷ đồng.

Như vậy, tổng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và đầu tư là trên 1.650 tỷ đồng. Con số này ở quý II là 1.564 tỷ đồng.

Chuyên gia phân tích cho rằng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và đầu tư liên tục âm là dấu hiệu báo trước khó khăn trong trung và dài hạn.

Cũng theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, vốn chủ sở hữu của HBC tiếp tục giảm so với hồi đầu năm, đạt 3.770 tỷ đồng so với 4.056 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản nợ phải trả của HBC đã đạt gần 15.000 tỷ đồng, tức cao gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu.

Giới đầu tư cho rằng, khoản đi vay tăng, bị đối tác nợ cũng tăng khiến cho dòng tiền của HBC bị tắc nghẽn.

Điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là thử thách cực đại đối với thế hệ lãnh đạo tiếp theo của HBC trước khi muốn vượt “ao tù”.

Hiện tại, giải pháp khả dĩ nhất đối với HBC có lẽ là đòi nợ từ đối tác. Khoản tiền phải thu trên 13.355 tỷ đồng đối với HBC lúc này như nguồn oxy của sự sống.

Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư chứng kiến sự lao dốc của cổ phiếu HBC từ thị giá trên 32.000 đồng/cổ phiếu ở giai đoạn đầu năm về mốc 10.000 đồng/cổ phiếu ở phiên giao dịch 16/12. Thậm chí có thời điểm, HBC về thị giá khoảng 6.000 đồng/cổ phiếu ở ngày 16/11/2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ