Để chăm con vừa nhàn vừa ngoan, chị Ngô Thị Nga (SN 1984, Hà Nội) đã bắt đầu kế hoạch rèn luyện ngay từ khi bé Bean còn trong bụng mẹ.
Ý thức được rằng giờ giấc sinh hoạt và tâm trạng của bà bầu có ảnh hưởng, tác động khá nhiều tới con nên chế độ ăn, ngủ, nghe nhạc, xem phim hay đọc sách,... khi mang thai chị Nga đều sắp xếp sao cho khoa học và hợp lý nhất.
Và kể cả khi bé Bean chào đời, chị cũng nhất quyết theo nguyên tắc 3 không: không bế ẵm nhiều; không nịnh nọt, dỗ dành; không chiều chuộng.
“Mẹ lười cho con bú”
Bé Bean sinh vào tháng 2/2015, nặng 3,8kg. Do ngôi thai ngược nên Bean được sinh ra bằng phương pháp mổ đẻ chủ động. Ngay khi còn trong tháng, chị Nga đã rèn cho bé ăn, ngủ theo cữ. Cứ 2 tiếng 1 lần mẹ sẽ cho bé ti hoặc bú bình (sữa mẹ vắt ra).
Vì Bean là “con đầu cháu sớm” nên sau khi sinh xong, chị Nga cho con về quê nội ở cữ.
Chị kể:"Thấy mình cứ 2 tiếng mới cho con ăn, rồi nhiều lần con khóc khóc nhưng mình chỉ ôm và dỗ chứ không cho ti ngay nên không ít lần bị bà nội bé quát: “nó đói, nó đòi ăn, đòi bế,… làm mẹ thì phải ôm ấp, bú mớm cho con chứ”. Thế nhưng mình không để bụng, bỏ ngoài tai và quyết chăm con theo ý mình: vẫn cho con ăn theo cữ, bé đói sẽ ăn ngon, ăn no và chơi ngoan, ngủ ngoan.
Ngoài những lúc cho con ti hoặc con khóc lâu quá phải bế lên dỗ, lúc làm vệ sinh cho con thì mình thường để con nằm chơi một mình. Con ngủ mẹ cũng không nằm gần, không ôm ấp để cho con đỡ “bện hơi” mẹ mà quấy bà. Những lúc con ngủ hay nằm chơi thì mẹ tranh thủ nghỉ ngơi hoặc làm việc nhà, kích sữa và vệ sinh máy hút sữa".
Bé Bean hồi nhỏ... |
Chị kể thêm: "Mình nuôi con nhỏ mà đêm cứ để con ngủ 1 một góc giường, mẹ và bố nằm ôm ấp, chơi điện thoại góc còn lại. Trừ khi con khóc hoặc đến giờ ti thì mẹ mới lăn sang cho con bú, vỗ vỗ vài cái, khi con ngủ thì mẹ lại lăn về chỗ cũ ngủ tiếp. Thấy mình chăm con như vậy bà ngoại còn mắng: "Con mẹ lười, không tình cảm, không vỗ về ôm ấp con"".
Có lẽ do ngay từ khi sinh ra đã bị mẹ “bơ” nên bé Bean ngoan và tự lập lắm. Bean không chỉ chơi ngoan, ăn, ngủ mà còn ị rất đều và đúng giờ. Nhờ vậy mà mẹ có nhiều thời gian chăm sóc bản thân và làm việc nhà.
Sau khi Bean đầy tháng, bố đón hai mẹ con ra nhà mới ở Hà Nội. Dù ông bố trẻ có đi làm từ sáng đến tối, dù ở nhà chỉ có mỗi 2 mẹ con trông nhau thì nhà cửa vẫn gọn gàng, sạch sẽ. Mỗi chiều bố Bean đi làm về cơm đã ngon, canh đã ngọt, bé con đã thơm tho, no tròn cho bố tha hồ hít hà, vần vò.
Ăn dặm không là cuộc chiến
Khi Bean được 6 tháng, chị Nga bắt đầu cho bé ăn dặm. Quan điểm của chị là mẹ không kiêng gì thì con cũng vậy, cứ cho con ăn phòng phú, đa dạng các loại thực phẩm sau này con đỡ kén ăn.
Sau tuần đầu tiên cho con ăn rau củ quả, chị Nga đã cho Bean làm quen với rất nhiều món ăn đa dạng như thịt nạc, thịt gà, cá, tôm, cua, trai, hến. Bà mẹ trẻ cũng chị khó tham khảo qua tivi, sách, báo và các diễn đàn trên mạng để học cách chế biến và đổi món cho con hàng ngày.
... hiện tại đã biết đi, biết chạy. |
Ngoài ra, Chị Nga vẫn duy trì việc cho ăn đúng giờ, đúng cữ. Cứ 2 tiếng con được ăn 1 bữa, luân phiên giữa cháo, sữa, hoa quả: “6h sáng con bú mẹ cữ cuối rồi mẹ đi làm, 8h ăn cháo, 10h sữa mẹ (vắt ra), 12h cháo, 14h hoa quả, 16h sữa, 18h cháo, tối lại bú mẹ. Nhờ việc ăn theo cữ mà bé Bean cứ đúng giờ là hợp tác ăn ngon lành mà không cần phải bế rong hay dỗ dành gì cả.
Nếu đến giờ mà chưa được cho ăn là Bean mè nheo và cứ bám vào bà. Cũng vì ăn đúng cữ nên việc vệ sinh của bé cũng rất đúng giờ, bà chỉ việc để ý nét mặt cháu mà "xi" kịp thời. Bean chẳng mấy khi "bĩnh" ra quần áo, nhờ vậy mà bà ở nhà chăm cháu cũng nhàn."
Khi Bean được 7 tháng, chị Nga đã không xay đồ ăn cho con nữa mà mọi thực phẩm đều được băm nhỏ rồi thả vào nồi cháo hạt đã ninh nhừ. Vì được tập ăn thô khá sớm nên bé Bean không kén đồ ăn, không bị ghê cổ hay nôn ọe mỗi khi ăn phải đồ thô như rau, củ quả luộc, hoa quả cắt miếng… Chị Nga cũng rất cẩn thận và cầu kỳ khi chuẩn bị đồ ăn cho con.
Cháo của con phải tự tay mẹ nấu và chuẩn bị thực phẩm. Nguyên liệu nấu cháo cho con luôn được lựa chọn kỹ, phải là đồ tươi mới, có nguồn gốc rõ ràng và phần lớn đều là “đồ nhà quê” do các bà gửi ra.
Theo chị Nga: “Hiện nay thực phẩm bẩn tràn lan nên mình rất cẩn thận và kỹ tính khi chọn đồ ăn cho con. Đặc biệt, mình chưa bao giờ cho con ăn đồ ăn mua sẵn như cháo dinh dưỡng, bim bim, các loại nước có ga… Mình không tin tưởng những đồ ăn thức uống này,nên cứ tránh được đến đâu thì tránh vậy”.
Song, có những thời điểm chị Nga cũng rơi vào tình trạng “mệt bở hơi tai”, stress nặng. Đó là lúc bà mới lên trông cháu cho mẹ đi làm, mọi nếp sinh hoạt của bé bị thay đổi.
“Mẹ mình mắt kém nên khi cho Bean ăn bình không nhìn rõ, khi cháu ngậm không đúng khớp bà cũng không biết để chỉnh lại khớp ngậm. Bean đang háu ăn nhưng khi ngậm sai khớp núm ti thì mút không ra sữa, lâu dần bạn ấy cáu nên không chịu nằm yên mà ti bình nữa.
Thấy cháu khó ăn nên bà bế đi rong, từ đó việc cho Bean ăn sữa như 1 cực hình. Khi Bean được 9 tháng đã nặng hơn và nghịch hơn thì việc vừa bế cháu vừa bê bình sữa cho cháu ăn khiến bà mệt mỏi. Mình đành phải đổi sang cho bé uống sữa bằng thìa.
Tuy không thể đảm bảo vệ sinh như bú bình nhưng việc bón thìa cho cháu giúp bà đỡ cực hơn, bữa sữa của con cũng nhanh hơn. Mình và mẹ chồng cũng mất gần 3 tháng mới “thuận” nhau được cách chăm sóc Bean, 1 phần do mình đã bớt cầu toàn hơn, 1 phần do bà đã quen dần với nếp sinh hoạt của cháu".
Dạy con tự lập từ bé
Bé Bean người tròn tròn chắc chắc theo kiểu mình cá trắm cứ không phúng phính, bụ bẫm. Nhưng bé nhanh nhẹn, khỏe mạnh và lanh lẹ. Các mốc phát triển của bé đều sớm hơn so với “mốc” của các cụ ngày xưa:
"2 tháng 15 ngày bạn lẫy, 5 tháng đã ngồi vững và ngồi ngoan trong ghế ăn dặm, 10 tháng bé đã bước những bước đi đầu đời. Bây giờ, khi vừa tròn 14 tháng bé Bean đã có thể chăm chỉ chạy bộ theo bố mẹ đi dạo trong khuôn viên khu nhà, đi chợ theo bà, đi công viên thì chạy vòng vòng luôn chân...".
Chị Nga kể thêm: “Nhiều lúc cũng thấy thương con. Đi cả quãng đường dài mà bố mẹ không bế, chỉ dắt tay con thôi. Bạn ấy cũng không đòi bế mà cứ cần mẫn đi, khi nào mỏi chân quá thì anh chàng ngồi thụp xuống hoặc nếu thích cái gì trên đường đi thì gồng mình lên kéo tay mẹ sà vào. Thấy bố mẹ cứ đi, bỏ xa một đoạn thì bạn ấy lại đứng dậy và cắm đầu cắm cổ lệch xệch chạy theo, yêu lắm”.
Hai vợ chồng cũng nhất quán trong cách dạy con. "Việc mình chăm con, rèn con như thế nào luôn được ông xã ủng hộ. Chồng mình chủ trương rèn con tự lập sớm nên khi con bị ngã, nếu thấy không nguy hiểm thì bố mẹ nhất định không vội vàng bế con lên ngay và tuyệt đối không dỗ dành con kiểu “đánh chừa”, bởi ngã thì con đã ngã rồi, mình có vồ vập ngay cũng không đỡ được kịp, cũng không làm con bớt đau hơn nên những lúc con ngã bố mẹ cứ kệ con và bơ đi hướng khác.
Nếu ngã nhẹ và không đau quá thì con mếu máo tí rồi tự đứng dậy. Nếu ngã đau quá thì cũng để con khóc 1 lát rồi mới bế lên. Cố gắng bế con đến chỗ nào mà con yêu thích nhất để dỗ con ngừng khóc càng nhanh càng tốt.
Khi con đã bình tĩnh hơn thì nhẹ nhàng mắng yêu con kiểu như: tại con không cẩn thận nên ngã, con làm đau nền nhà của mẹ rồi, làm hỏng giường của mẹ rồi... mẹ còn chưa mắng sao con đã khóc nhỉ!? Tuy còn bé nhưng bố mẹ cũng cần để con có ý thức về trách nhiệm của mình”.
Chị Nga cũng bật mí cho các bà mẹ bỉm sữa rằng: "Bây giờ thời buổi công nghệ nên mình nuôi con cũng nhàn, từ thực đơn ăn uống, khẩu phần ăn như thế nào, thời điểm nào nên làm gì... mình đều có thể tra cứu, tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các diễn đàn. Các mẹ nên chăm đọc từ khi mang bầu để sau này sinh con có phương pháp giáo dục riêng”.