(GD&TĐ) - Susan Sithole năm nay 14, lẽ ra đang theo học lớp 9, nhưng cuộc sống hàng ngày của cô bé không phải trong trường học mà là ở góc phố Leopold Takawira, thủ đô Harare. Cô bé bán từ thuốc lá, kẹo, thẻ điện thoại và học bài học buôn bán và sinh tồn trên đường phố. Sithole, sống tại xóm nghèo ở Harare, cho biết số tiền 25 USD kiếm được mỗi tuần giúp gửi về đỡ đần cha mẹ cách Harare 500 km. “Bố mẹ cháu phải gửi cháu cho người thân tại đây vì không thể lo tiền học cho cháu” – Sithole cho biết lí do phải bỏ học để lên thủ đô kiếm việc làm. Sithole cũng nói rằng nếu được trở lại trường, cô bé rất xấu hổ vì sẽ phải học cùng lớp với những em nhỏ hơn ít nhất 5 tuổi.
Theo thống kê chính thức của tổ chức Liên minh chống tham nhũng, Sithole là một trong khoảng 63.000 trẻ dưới 15 tuổi tại Zimbabwe đang bán hàng rong, hầu hết là tại các thị trấn biên giới của Zimbabwe. So với năm 2010, quốc gia gần 13 triệu dân này chỉ có 42.000 trẻ bán rong.
Một số chuyên gia nhận xét việc chính phủ cấm các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động hồi tháng 2 năm ngoái đã làm tăng số trẻ bán rong tại quốc gia Nam Phi bởi nhiều tổ chức từng trả học phí cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn. “Chính phủ cấm các NGO từng trả học phí cho trẻ thiệt thòi vì họ nghi ngờ các tổ chức này có động cơ chính trị. Điều đó khiến nhiều trẻ không có lựa chọn nào khác là ra vỉa hè” – một nhân viên tổ chức Phúc lợi xã hội tỉnh Manicaland, thành phố lớn thứ ba Zimbabwe, nói.
Một bé gái bán nước trên đường phố Harere |
Đảng Mặt trận Yêu nước thống nhất quốc gia châu Phi Zimbabwe của tổng thống đơng nhiệm Robert Mugabe đã cấm 29 tổ chức NGO hoạt động hồi tháng 4/2012, với cáo buộc có mục đích lật đổ chính quyền.
Các quan chức từ Hiệp hội các tổ chức phi chính phủ quốc gia nói rằng từ khi có lệnh cấm này, trẻ nghèo không thể đóng số học phí từ 30 – 35 USD mỗi học kì ở bậc tiểu học. Có hơn 850.000 học nghèo đã nhận sự hỗ trợ bởi các NGO trước khi lệnh cấm ban ra.
30 USD được coi là số tiền lớn tại quốc gia có nửa dân số sống dưới mức đói nghèo 1,25 USD/ ngày. Bên cạnh đó tỉ lệ thất nghiệp là 94% năm 2009, theo cơ quan hợp tác hỗ trợ nhân đạo Liên hợp quốc. Số trẻ gia nhập nghề bán rong kiếm sống chỉ ra khủng hoảng kinh tế và xã hội sâu sắc. Thất nghiệp không chỉ ảnh hưởng đối tượng người lớn mà tác động tới đối tượng trẻ em. Hầu hết các gia đình đang vật lộn chỉ để lo thực phẩm cho mỗi bữa ăn, ngay những đứa trẻ cũng phải dậy từ sáng sớm để tham gia cuộc mưu sinh.
Zimbabwe vẫn đang phục hồi từ khủng hoảng kinh tế. Trong giai đoạn 2003 – 2009, nước này có tỉ lệ lạm phát tồi tệ nhất thế giới – mức lạm phát hàng năm lên tới 231%. Giá hàng hóa tăng gấp đôi hàng ngày và Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe phải phát hành tiền giấy mệnh giá tới 100 nghìn tỉ.
Zimbabwe từng có tỷ lệ biết chữ người lớn xấp xỉ 90% ở mức cao nhất châu Phi. Tuy nhiên, từ năm 1995 tỷ lệ biết chữ ở người lớn của Zimbabwe đã giảm liên tục, một xu hướng cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Phi khác. Bộ Giáo dục nêu con số 20,000 giáo viên đã rời Zimbabwe từ năm 2007 và rằng một nửa số trẻ em Zimbabwe không tiếp tục đi học sau cấp tiểu học. Năm học tại Zimbabwe diễn ra từ tháng 1 tới tháng 12, với các kỳ học ba tháng, xen giữa là một tháng nghỉ, với tổng số 40 tuần học tập mỗi năm. Các kỳ thi quốc gia là thi viết ở kỳ học thứ ba vào tháng 11, với các môn học cấp độ "O" và cấp độ "A" cũng được tổ chức vào tháng 6. |
Bảo Chi (Tổng hợp)