(GD&TĐ) - Đôxtôiepxki, (tức Fyodor Mikhailovich Dostoevsky) là một nhà văn nổi tiếng người Nga, sinh ngày 11 tháng 11 năm 1821 và mất ngày 9 tháng 2 năm 1881 tại Sankt-Peterburg. Tác phẩm chính: Con người kép, Đêm trắng, Những kẻ tủi nhục,Ghi chép từ Ngôi nhà chết; Con bạc; Tội ác và trừng phạt; Thằng ngốc; Lũ người quỷ ám; Anh em nhà Karamazov...
Cùng với Lev Tolstoi, Dostoevsky được xem là một trong hai nhà văn Nga vĩ đại thế kỷ 19. Các tác phẩm của ông có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng và phong cách sáng tác của nhiều nhà văn phương Tây thế kỷ 20.
Chân dung Đôtxtôiepxki |
Nhà thơ Oleg Mitrofanovich Bavykin –Trưởng ban đối ngoại nhà văn Nga và nhà văn-nhà dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền đã giúp chúng tôi –đoàn nhà văn Nga đến Sankt-Peterburg, thăm Bảo tàng nhà văn Đôxtôiepxki nói riêng và thành phố cổ kính nói chung. Nếu như Cung điện mùa Đông làm nao lòng người bởi sự đồ sộ và hoành tráng, quy mô trong việc lưu giữ những tuyệt phẩm hội họa nổi tiếng thế giới, thì Bảo tàng Đôxtôiepxki khiêm nhường, ẩn mình sau một ngách phố. Bảo tàng Đôxtôiepxki hiện ở Sankt-Peterburg, tọa lạc tại nơi ngày xưa gia đình nhà văn đã sống những tháng năm khó khăn và hạnh phúc nhất. Cổng vào nhỏ hẹp, những khi đã qua khỏi cánh cửa gỗ đó, du khách tham quan sẽ phải đi lên cầu thang nhỏ với những bậc gỗ và các lối rẽ khác nhau. Khuôn viên bảo tàng được chia làm 2 nơi: một bên là nơi nhà văn đã từng sinh sống cùng gia đình những năm cuối thế kỷ XIX, với phòng viết, phòng ăn, phòng sinh hoạt chung... Những chiếc kệ đựng sách, những ngọn đèn, kể cả chiếc rương đựng tài liệu, bản thảo của ông cho đến và –nói đúng hơn là một khu nhà lưu giữ những kỷ vật liên quan đến nhà văn. Những con búp bê-đồ chơi của con gái nhà văn cũng còn được lưu giữ lại. Chiếc mũ phớt được cài trên mắc, gọn gàng và ngăn nắp. Căn phòng nhỏ của ông , của vợ và các con được liên thông gần nhau, nhưng vẫn tách biệt. Điều đó cho thấy, Đôxtôiepxki đã ưu tiên một khoảng không gian tối thiểu, trong điều kiện khó khăn để cho ra đời những tác phẩm bất hủ.
Bên phải là lối rẽ vào căn phòng lưu giữ những thăng trầm của nhà văn, qua hệ thống thời gain tuyến tính, bằng sánh sáng tương phản đen trắng. Cách bố cục của gian phòng rộng, với gam màu lạnh chủ đạo, mô phỏng và phác họa chân dung của Đôxtôiepxki –từ thưở ấu thơ đến khi ông qua đời. Những bước thăng trầm ấy gắn liền với những bước ngoặt trong đời của nhà văn. Ta sẽ đuợc dịp nhìn tận mắt chiếc cùm đã xiềng xích nhà văn, sơ đồ con đường nhà văn đã bị lưu đày, bút tích từ những trang bản thảo của nhà văn, ngôi nhà thời thơ ấu, kể cả phiên bản thạch cao theo tỷ lệ 1/1 ghi lại gương mặt nhà văn yên nghỉ...
Ký ức sẽ không bị lãng quên, cũng như những giá trị văn học mãi mãi được ghi nhận đằng sau sự sắp đặt trân trọng và có dụng ý bởi những kỷ vật mà nhà văn để lại cho đời. Ta sẽ hiểu, tất cả những gì liên quan tới trang viết và cuộc đời đều liên quan đến nhau. Với Đôxtôiepxki , để tác phẩm sống mãi với thời gian, ông đã phải trả giá cho lý tưởng, cho sự khát vọng sáng tạo, cho những giá trị nhân văn, thẩm mỹ mang tính nhân loại.
Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả những bức ảnh mà chúng tôi ghi lại ở bảo tàng Đôxtôiepxki.
Chiếc cùm đã xiềng xích nhà văn trước đây |
Dấu ấn còn lại |
Phòng làm việc của nhà văn |
Chu Thị Thơm