Thái Lan:Câu hỏi lớn cho hiệu quả đầu tư giáo dục

GD&TĐ -Thái Lan ưu tiên đầu tư cho giáo dục, năm 2015 chi 19,35% ngân sách cho giáo dục – tỉ lệ chi lớn nhất của ngân sách so với bất cứ ngành nào khác. Tuy nhiên, khoản đầu tư lớn này lại không chuyển hoá thành hiệu quả như mong muốn…

Thái Lan có quá nhiều trường học quy mô nhỏ khiến đầu tư dàn trải
Thái Lan có quá nhiều trường học quy mô nhỏ khiến đầu tư dàn trải

Chất lượng giáo dục tụt hậu

Hệ thống giáo dục Thái Lan xếp hạng 35 trong 40 quốc gia trong khảo sát 2014 của tổ chức Pearson Education. Còn trong kỳ khảo sát học sinh quốc tế (PISA) gần đây nhất – năm 2016 – Thái Lan xếp thứ 55 trong 72 quốc gia về kết quả chung. Về toán và khoa học, Thái Lan xếp hạng 54, còn đọc xếp hạng 57.

“Vấn đề là không phải chúng ta thiếu tiền mà là tiền không được chi tiêu hiệu quả” – theo Tongliamnark, chuyên gia chính sách Vụ Ngân sách, Bộ Giáo dục.

Kết quả khảo sát quốc tế phản ánh thực trạng tồn tại nhiều vấn đề của hệ thống giáo dục Thái Lan.

Đầu tư dàn trải là một trong những nguyên nhân lớn khiến đầu tư cho giáo kém hiệu quả. Hiện Thái Lan có 15.224 trường tiểu học và THCS tại khu vực nông thôn được xếp vào loại “trường nhỏ”. Trường nhỏ được xác định trên tiêu chí có chưa tới 20 học sinh mỗi khối lớp.

Mặc dù số trường nhỏ đã giảm hơn 20% kể từ năm 1993, loại trường này tiếp tục chiếm chủ đạo trong hệ thống trường học. Trường nhỏ thiếu thốn cả ngân quỹ lẫn giáo viên cần thiết để tăng chất lượng giảng dạy và năng lực học sinh. Thường tại trường nhỏ một giáo viên phải dạy kiêm nhiệm nhiều môn. Học sinh những trường nhỏ có điểm thấp hơn bạn đồng lứa tại những trường lớn hơn – thể hiện sự bất bình đẳng giáo dục ngày càng lớn.

Kết quả khảo sát quốc tế PISA 2012 cho thấy có sự cải thiện lớn hơn về điểm số của học sinh những trường học tại các thành phố lớn so với những trường nhỏ tại các thành phố nhỏ. Những trường ở thành phố lớn cải thiện với tỉ lệ 21,3% trong kỳ khảo sát gần đây nhất, trong khi những trường ở thành phố nhỏ mức độ cải thiện chỉ là 16,1%.

Nguy cơ 3/4 số trường đại học đóng cửa

Bất bình đẳng không chỉ ở giáo dục phổ thông mà lên tới cả bậc đại học. Khi mà truyền thông nói nhiều về thứ hạng thấp của các trường đại học hàng đầu Thái Lan so với các trường quốc tế - thì có một vấn đề nghiêm trọng hơn là sự chênh lệch quá lớn giữa các cơ sở giáo dục đại học tại nước này.

Với hơn 173 cơ sở giáo dục đại học, chỉ một số ít trường được coi là có chất lượng tốt thu hút được sự quan tâm của sinh viên. Do chính sách nhà nước ưu tiên đầu tư trọng điểm cho một số trường hàng đầu dẫn tới nguồn kinh phí dành cho số đông trường đại học “hạng hai” còn lại rất ít ỏi.

Mới đây, chính phủ Thái Lan công bố kế hoạch cho phép các trường nước ngoài mở trường nhánh tại nước này. Theo các chuyên gia thì trong bối cảnh chất lượng đào tạo của trường “hạng hai” đang hạn chế như hiện nay, việc trường quốc tế đổ bộ vào dẫn tới nguy cơ 3/4 số trường đại học của Thái Lan phải đóng cửa trong thập kỉ tới. Nguyên nhân là do số sinh viên cơ học giảm và cuộc cạnh tranh không cân sức về thương hiệu và chất lượng đào tạo với trường nước ngoài.

Kế hoạch được chính phủ Thái Lan đưa ra hồi đầu tháng 5 là cho phép các trường đại học nước ngoài lập trường “vệ tinh” tại các đặc khu kinh tế dọc biên giới với Thái Lan nếu các trường này mở các ngành đào tạo không có ở Thái Lan.

Theo Cơ quan Phát triển Kinh tế và Xã hội quốc gia, dự kiến tỉ lệ nhóm người 21 tuổi trở xuống giảm còn 20% tổng dân số vào năm 2040 – so với 62% năm 1980. Năm ngoái chỉ 80.000 sinh viên đăng ký thi đại học trong khi các trường tuyển sinh tới 150.000 chỉ tiêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ