Thái Lan: Khuyến khích khởi nghiệp từ ghế nhà trường

GD&TĐ - Chính phủ Thái Lan vừa công bố kế hoạch lập các “câu lạc bộ khởi nghiệp” trong các trường THCS trên toàn quốc nhằm khuyến khích giới trẻ phát triển ý tưởng công nghệ và hướng tới khởi nghiệp…

Câu lạc bộ khởi nghiệp sẽ được thành lập tại các trường THCS Thái Lan
Câu lạc bộ khởi nghiệp sẽ được thành lập tại các trường THCS Thái Lan

Nuôi dưỡng nguồn lực khởi nghiệp

Câu lạc bộ khởi nghiệp được thành lập với mục đích xây dựng một cộng đồng học sinh có thể chuyển đổi ý tưởng công nghệ và nhiệt huyết thành hàng hoá và dịch vụ - và được hy vọng sẽ là sự kết nối giữa chính phủ với khu vực kinh tế tư nhân.

Đầu tư vào câu lạc bộ khởi nghiệp dự kiến phần lớn từ các công ty tư nhân - theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế Số và Xã hội, Pichet Durongkaveroj. Ông Pichet cho biết, Bộ được Phó Thủ tướng giao phát triển dự án nuôi dưỡng hệ sinh thái số (mô hình khép kín đầy đủ từ đào tạo, nghiên cứu đến kinh doanh công nghệ số hoá) của Thái Lan.

“Chúng tôi hy vọng các câu lạc bộ khởi nghiệp sẽ được thành lập tại một số trường THCS” - ông Pichet phát biểu tại Hội nghị xu hướng Số hóa - “Học sinh THCS có khả năng sáng tạo cao và là nguồn lực tiềm năng dồi dào tạo ra startup (công ty khởi nghiệp) mới nếu nhận được hỗ trợ thích đáng từ chính phủ và khu vực tư nhân”.

Nhiều tổ chức - đặc biệt là các công ty viễn thông - đã cấp kinh phí theo cách cho thấy họ rất tin tưởng vào phát triển startup trong nước.

Ông Pichet cũng cho biết, ý tưởng câu lạc bộ khởi nghiệp giúp hoàn thiện chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của Bộ Khoa học và Công nghệ. Chính phủ đã cấp 1 tỉ baht cho Bộ này để lập nên cộng đồng khởi nghiệp tại 30 trường đại học trong năm nay.

Theo Pichet thì có khoảng 5.000 startup tại Thái Lan, hầu hết được thành lập trong vài năm qua. “Số startup địa phương dự kiến đạt 10.000 vào cuối năm, giúp phát triển hệ sinh thái số Thái Lan với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và khu vực tư nhân” - Pichet nói - “Sự sáng tạo và đổi mới nền tảng kĩ thuật số là 2 nhân tố quan trọng dẫn dắt lĩnh vực này”.

Chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0)

Công nghiệp 4.0 thường được gắn với các thành tựu của trí tuệ nhân tạo, với máy móc tự động và thông minh như ô tô tự lái, in ấn 3 chiều, kết nối vạn vật (IoT), công nghệ sinh học và công nghệ nano… Kĩ thuật số được coi là một trong những yếu tố then chốt trong cách mạng công nghiệp 4.0. Rất nhiều đột phá trong công nghệ sinh học và công nghệ nano những năm qua, và các công nghệ này cũng liên quan rất nhiều đến công nghệ số. Gần đây việc số hóa trong sinh học phân tử đã trở nên dễ dàng với giá rẻ hơn rất nhiều (một hệ gene có thể được số hoá trong vài giờ đồng hồ với chi phí ít hơn 1.000 USD). Công nghệ nano cũng có những bước tiến hứa hẹn dựa vào công nghệ số. Gần đây, nước Mỹ khởi đầu chương trình nghiên cứu lớn về vật liệu tính toán, nhằm dùng các kỹ thuật của học máy để rút ngắn giai đoạn thử nghiệm trong phòng thí nghiệm khi chế tạo các vật liệu mới. Một chương trình tương tự ở Nhật cũng đã bắt đầu từ ba năm qua.

Bộ trưởng Pichet nhấn mạnh khuyến khích phát triển startup, đặc biệt là các công ty công nghệ - giúp tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Thái Lan trong tương lai.

Theo một số định nghĩa, startup là công ty đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình hoạt động, thường được cấp vốn bởi chính những người sáng lập viên để phát triển sản phẩm và dịch vụ mà họ tin rằng có nguồn cung. Do nguồn thu hạn hẹp và chi phí cao, hầu hết các startup với quy mô nhỏ thường không ổn định trong dài hạn nếu không có nguồn vốn hỗ trợ từ các quỹ đầu tư…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ