Tết xưa đã về trong lòng phố

Tết xưa đã về trong lòng phố

(GD&TĐ) - Mặc dù Hội hoa xuân tại Công viên 29 tháng 3 thành phố Đà Nẵng với việc tái hiện không gian Tết xưa thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch đã kết thúc từ ngày mùng 6 nhưng cho đến ngày 7/2, lượng khách từ khắp mọi miền đổ về Đà Nẵng vẫn không ngớt.

Chùa Linh Ứng có tượng Phật Bà cao 69,7m, đường kính tòa sen rộng 35m, trong lòng tượng có 17 tầng, mỗi tầng thờ 21 Đức Phật.
Chùa Linh Ứng có tượng Phật Bà cao 69,7m, đường kính tòa sen rộng 35m, trong lòng tượng có 17 tầng, mỗi tầng thờ 21 Đức Phật.

Chưa bao giờ, không khí Tết ở Đà Nẵng lại phong phú sắc màu và đặc biệt mang đậm sắc thái tâm linh như năm nay. Nắng ấm chan hòa khắp phố phường rực rỡ cờ hoa, đường phố đông vui nhưng không ồn ào náo nhiệt. Các chủ hãng xe Du lịch tại Đà Nẵng đều cho biết năm nay Đà nẵng cháy “tour” từ ngày 24,15 tháng chạp và khách thuê xe phần đông sẵn lòng với giá cả đặt ra, tuy nhiên việc thuê tài xế bên ngoài rất khó khăn. Chị Nguyễn Thị Hoa, Chủ hãng Du lịch ba miền ở Quận Thanh Khê cho biết, nếu như ngày thường, hãng thưa vắng khách thì trong những ngày vừa qua trung bình một ngày, có không dưới chục cuộc điện thoại gọi đến để đặt xe đời mới, phổ biến từ 5 đến 16 chỗ để đi đến các điểm du lịch ngay trong TP Đà Nẵng như Bà Nà, Bãi Bụt, Bãi Rạng, Nam ô, Non nước...; chỉ tiếc là không thể lường trước nên không đủ xe để đáp ứng nhu cầu của khách.

Tham quan gian hàng Viết thư pháp tại khu vực Tết xưa-Công viên 29/3.
Tham quan gian hàng Viết thư pháp tại khu vực Tết xưa-Công viên 29/3.

Ngoài các xe mang biển số 43 ở Đà Nẵng, có thể bắt gặp khá đông xe có biển số của các tỉnh, thành lân cận như TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị ở khu vực từ Hòa Khánh lên Bà Nà-Suối mơ; từ dọc bãi biển lên Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Tại các ngôi chùa lớn ở Đà Nẵng, đặc biệt là chùa Linh Ứng-Bãi Bụt, ngôi chùa có tượng Phật Bà Quán Thế Âm lớn nhất Việt Nam (nằm trên đỉnh đồi bán đảo Sơn Trà cao hơn 100m), người đến để tham quan và thắp hương cúng vái lũ lượt. Nhiều người cho rằng, 2 năm nay, kể từ khi ngôi chùa này mọc lên thì thời tiết mưa thuận, gió hòa, làm ăn phát đạt nên càng năng đến ngôi chùa những dịp đầu năm, đầu tháng, lễ tết. Nhưng lại có những người quan niệm, đó là vì giữa cuộc đời còn nhiều biến động khôn lường, sự hướng thiện, cầu an sẽ mang lại nhiều may mắn trong công chuyện làm ăn, kinh doanh. Hòa quyện vào thế giới tâm linh trong ngày Tết cũng là biểu hiện của ý thức tìm lại cội nguồn, phong tục, tập quán.

Học sinh tham gia trò chơi đánh đu tại Hội hoa xuân
Học sinh tham gia trò chơi đánh đu tại Hội hoa xuân

Một điều rất đáng phấn khởi với các bậc phụ huynh tại Đà Nẵng là Tết năm nay, con em họ ít tụ tập chơi bời ở các tụ điểm Internet , café, quán bar như những Tết năm trước mà quây quần cùng gia đình hay tham gia vào các trò chơi dân gian lành mạnh hơn. Phải chăng do sức thu hút từ nhiều trò chơi hấp dẫn, thú vị và chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc tại Hội hoa xuân ở Công viên 29/3. Các em học sinh tỏ ra khá thích thú với trò chơi đánh đu, đi qua cầu khỉ, vẽ tranh nghệ thuật, viết thư pháp và được tiếp xúc với không gian văn hóa Tết lạ lẫm của dân tộc Chăm, Cơ Tu…

Thế là đã có được một Tết cổ truyền thật sự, để con cháu thật sự gắn bó với cội nguồn, tổ tiên; để khi đi xa vẫn mong ngày về đoàn tụ. Một người dân ở Phường Khuê Trung-Quận Cẩm Lệ đã nói như vậy. Tết xưa đã lại về trong lòng phố nay, nao nức mà lắng đọng một cách bền bỉ…

P.V

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ