Tết Việt mang nhiều giá trị lớn lao

GD&TĐ - Xã hội phát triển thì cách thức và không khí đón Tết cổ truyền của người Việt cũng có sự biến đổi.

Tết trải qua thời gian, đã có sự biến đổi
Tết trải qua thời gian, đã có sự biến đổi

Sự giản tiện và thay đổi từ tập tục đến suy nghĩ trong cách đón Tết xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, song ý nghĩa linh thiêng của ngày Tết Việt luôn được trân trọng gìn giữ.

Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Đinh Thị Vân Chi - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội xung quanh những giá trị Tết Việt trong đời sống hiện nay.

Thưa bà, Tết xưa và nay qua góc nhìn của người làm công tác nghiên cứu văn hóa có sự biến đổi gì?

- Nếu như trước kia nói đến Tết là nói tới “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”; bánh chưng xanh, sum họp gia đình với những lời chúc tụng tốt đẹp cùng bao lì xì mừng tuổi thì giờ đây ngày Tết con cháu nếu bận công việc, học hành ở xa mà điều kiện khó khăn thì cũng không nhất thiết phải có mặt để quây quần.

Công việc bếp núc, chế biến thực phẩm ngày Tết cũng có thể được thay thế bằng đồ làm sẵn ở siêu thị, cửa hàng. Thời gian nghỉ Tết kéo dài, nhiều gia đình có những chuyến du lịch… Từ "ăn Tết" đã chuyển thành "chơi Tết".

Có thể thấy, Tết, cũng giống như mọi vấn đề, mọi sự vật hiện tượng trong xã hội, trải qua thời gian, đều có biến đổi.

Vì vậy, sự biến đổi của Tết ngày nay so với trước đây là điều đương nhiên. Mặt khác, Tết là phong tục do con người sáng tạo ra, nên trải qua thời gian, khi con người biến đổi, cuộc sống biến đổi, suy nghĩ biến đổi, thì sự biến đổi trong các nghi thức, nghi lễ của Tết nay so với xưa cũng là tất yếu.

Cách thức đón Tết giờ đây có nhiều thay đổi, sự phai nhạt không khí đón Tết hiện nay cũng là thực tế. Bà nghĩ sao về điều này và nguyên nhân do đâu có sự biến đổi này?

- Như tôi vừa nói, sự biến đổi là có thật. Biến đổi nhiều chứ không ít. Nhưng nói là phai nhạt thì lại tùy theo từng cách nhìn nhận. Nhìn từ khía cạnh này có thể đánh giá là nhạt đi, nhưng nhìn từ khía cạnh khác thì có thể lại là đậm nét.

Ví như trước đây, để chuẩn bị cho Tết, mọi người tất bật, lo lắng trước cả tháng trời, song hiện nay thì người ta chỉ lo sắm Tết trước vài ngày đến một tuần. Xét ở khíacạnh này thì có thể đó là sự nhạt đi.

Nhưng nói về sự phấn khởi, vui vẻ, hưởng ứng không khí Tết; sự thư giãn, hưng phấn, rồi những cuộc gặp mặt chúc mừng… thì có lẽ không khí Tết có phần tưng bừng hơn.

Tết có sự biến đổi nhưng mang tính quy luật. Chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, nhu cầu của con người ngày càng gia tăng, đặc biệt là nhu cầu tinh thần. Nhu cầu vật chất nhìn chung đã được đáp ứng tốt, các dịch vụ xã hội cũng như mặt hàng phục vụ Tết luôn sẵn sàng...

Chính vì vậy, khi xã hội càng phát triển, sự biến đổi là tất yếu và chúng ta không thể cưỡng lại quy luật này.

Bà có cho rằng, Tết xưa đã được đón nhận một cách háo hức hơn bởi quanh năm khó khăn, thiếu thốn, và quan niệm “đói quanh năm no ba ngày Tết”?

- Đây cũng là quan điểm đúng trong xã hội trước đây còn khó khăn thiếu thốn, vất vả. Quanh năm không đủ ăn, Tết đến mới là dịp được quây quần vui vẻ, không phải lo toan công việc, chỉ tập trung hưởng thụ, ăn uống tưng bừng.

Mặt khác, việc chuẩn bị những nhu yếu phẩm phục vụ Tết cũng khá lâu và tất bật tạo thành một không khí háo hức chung trong xã hội.

Và nó cũng khiến con người cảm nhận không khí ngày Tết trước hàng tháng. Ngày nay, nhiều người phải giảm khẩu phần ăn uống để giảm cân, giữ dáng, tránh các loại bệnh tật do ăn uống thừa chất mang lại. Tết với nhiều người giờ đây hướng tới giá trị tinh thần nhiều hơn nên cảm nhận về không khí Tết có phần lắng đọng hơn.

Sự giảm nhiệt đối với Tết Việt trong một bộ phận công chúng phải chăng là dấu hiệu cho thấy Tết cổ truyền trong xã hội hiện đại đang giảm bớt giá trị và khía cạnh tâm linh cũng nhẹ nhàng hơn?

- Có thể khẳng định những giá trị của Tết Việt truyền thống sẽ không bao giờ mất đi mà chỉ có sự khác nhau ở các nhóm xã hội.

Xã hội xưa tương đối thuần nhất, sự phân hóa trong xã hội chưa được rõ nét nên mọi người đều như nhau về hoàn cảnh, điều kiện sống, mức sống… tạo nên tâm lý tương đối giống nhau.

Giờ đây, sự phân hóa khá rõ nét, mỗi tầng lớp xã hội có điều kiện sống khác nhau, quan điểm sống khác nhau, nên thái độ đón Tết khá phong phú và cũng khác nhau.

Vì sự đa dạng ấy nên ta không cảm nhận rõ không khí tấp nập sôi động và như nhau ở tất cả mọi người khi đón Tết.

Chúng ta có cảm giác cái gì đó đang phai nhạt trong không khí đón Tết hiện nay nhưng thực chất vẫn nhiều bạn trẻ, đặc biệt những người công tác xa gia đình, rất coi trọng Tết.

Họ chuẩn bị đặt vé tàu xe, vé máy bay trước cả tháng để được đoàn tụ bên gia đình. Đó rõ ràng là sự chuẩn bị, chờ đợi của họ đối với ngày Tết.

Nhưng những bạn trẻ quanh năm suốt tháng sống tại gia đình, thì việc quây quần đoàn tụ không còn là mong chờ nữa. Lúc đó họ lại muốn tranh thủ thời gian nghỉ Tết để thay đổi không khí. 

Cách hưởng thụ Tết này có cảm giác họ muốn rời xa truyền thống, nhưng cần hiểu rằng dịp nghỉ Tết mới là cơ hội để họ có thể thực hiện mong muốn của mình. Sự khác biệt chỉ ở cách thức đón Tết mà thôi.

Vậy dưới góc nhìn của người nghiên cứu văn hóa, theo bà đâu là những giá trị tinh thần cơ bản mà Tết truyền thống mang đến cho mỗi người?

- Có thể nói, giá trị nổi bật nhất của Tết là sự đoàn tụ, gắn bó giữa những người ruột thịt trong gia đình. Ai đi xa cũng mong ngày Tết để được về gặp mặt, thăm hỏi người thân, kể cho nhau nghe những câu chuyện trong suốt một năm qua.

Tiếp theo, Tết là dịp để mỗi người nhìn lại quá khứ, hướng tới tương lai với những mong muốn tốt đẹp. Thứ nữa là, ngày Tết làm lòng người trở nên ấm áp, bao dung và gần lại hơn với nhau.

Cho dù trước đó có thể có điều chưa hài lòng về nhau, thì ngày Tết cũng bỏ qua mà chúc nhau điều tốt lành.

Đó là sự gắn kết cộng đồng. Ngoài ra, Tết còn là dịp để mỗi người con Việt Nam cùng hướng về nguồn cội, quê hương, đất nước với tấm lòng thành kính.

Tết truyền thống Việt mang nhiều giá trị lớn lao mà cuộc sống đời thường hối hả khiến chúng ta không kịp nhận ra và phát huy những giá trị tốt đẹp đó.

Xin cám ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.