Tết và những điều kiêng kỵ

Tết và những điều kiêng kỵ

(GD&TĐ) - Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trong nhất trong năm đối với người Việt và một số nước Á Đông. Theo quan niệm của người Việt từ xưa đến nay, để cầu mong may mắn đến nhà và tránh những điều không may mắn, thì trong những ngày Tết cần phải kiêng kị không làm một số việc.

Tết và những điều kiêng kỵ ảnh 1

Kỵ mai táng

Gia đình có tang phải tạm gác nỗi buồn để láng giềng vui Tết, vì vậy có tục lệ “cất khăn tang” trong ba ngày Tết. Nhà có đại tang kiêng đi chúc Tết bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.

Kiêng quét nhà trong 3 ngày Tết

Họ sợ rằng sẽ quét hết vận đỏ đi. Vì thế ai cũng quét dọn nhà cửa, vườn tược, bao sái đồ thờ tự trước lúc giao thừa. Ở Nam Bộ sau khi quét dọn phải cất hết chổi, nếu trong ngày Tết bị mất chổi có nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm quét sạch của cải.
Ở nông thôn ngày Tết nhà nào cũng rắc vôi bột ở bốn góc vườn, rồi vẽ mũi tên hướng ra cổng để xua đuổi ma quỷ, hung thần bốn phương kéo đến gieo tai hoạ. Còn thành thị thường hay treo “quả bùa gỗ” để trấn ma quỷ.

Tranh Tết

Kiêng không treo những tranh “xui xẻo” như đánh ghen, kiện tụng mà phải tìm bằng được những tranh lợn, gà, cậu bé, vinh hoa phú quý… hy vọng năm mới sẽ có nhiều điều tốt lành, trâu bò chật ních, thóc lúa đầy bồ. Ngày Tết nhà nào cũng có lọ hoa, tuỳ theo gia cảnh mà trang trí bày biện.

Ở nông thôn thì phần nhiều là những cành hoa giấy, hoa lông gà lông vịt màu sắc rực rỡ mua ở những phiên chợ Tết hàng tổng, hàng huyện.

Song ở thành thị nhiều nhà cầu kì và kĩ tính, kén chọn những cành đào bích không những đầy hoa mà còn phải có nhiều nụ, nhiều lộc. Hoặc những cây sung thế lúc lỉu quả.

Hình như trong sâu thẳm đáy lòng ta vẫn tin vào một sự huyền bí, siêu nhiên nào đó sẽ đáp ứng được mong mỏi và nguyện vọng của mỗi người.

Xông nhà

Xông nhà ngày Tết là một việc hết sức trọng đại vì thế hầu như nhà nào cũng kiêng kị rất cẩn thận. Bởi nếu không những điều xấu sẽ vận vào bản thân, gia đình mình. Vì sợ “dông” nên phải chọn người xông nhà, tuổi tính theo hàng can không xung với năm đó và không xung tuổi với chủ nhà.

Người ta thường chọn những người gia cảnh song toàn, con cháu đông đàn dài lũ, làm ăn thịnh vượng, vì thế mới có lệ “hẹn trước”, mời đến xông nhà.

Người Nam Bộ còn có thói quen chọn người có tên đẹp như Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Lợi… mời đến xông nhà để cả năm sẽ thuận lợi, may mắn.

Thật không may cho nhà ai bị những người nặng vía xông nhà, hoặc mùng một Tết có người đến nhà xin lửa, xin nước. Thường thì trước khi bước sang năm mới ở nông thôn nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại.

Từ trong tâm thức người ta tin rằng năm mới đến sẽ đem theo của cải nhiều như nước. Chẳng thế mà sáng mùng một Tết rất nhiều nhà, nhất là ở phố phường xưa kia hay thuê người gánh nước đến. Họ được mừng tuổi đôi ba hào, thế là cả chủ nhà lẫn người quẩy thuê cả năm sẽ đều may mắn.

Một điều nữa cần nói đến là trong ngày Tết mọi người đặc biệt quan tâm đến cách ứng xử với hàng xóm láng giềng, bạn bè và những người trong gia đình.

Ai cũng tỏ ra vui vẻ, hồ hởi, thân tình trong không khí ấm áp của mùa xuân. Ai cũng ngại và sợ to tiếng hoặc xô xát thì quanh năm sẽ bị dông. Giá như điều kiêng kị này cứ giữ được trong cả năm thì hay biết bao.

Kỵ xin lửa, xin nước, vay mượn

Ngày mùng Một Tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình, vì quan niệm lửa là “vận đỏ” là ánh sáng, sự ấp áp, lửa luôn gắn với căn bếp nơi nấu nướng cho con người có những bữa ăn. Cho lửa ngày mùng Một Tết thì cả năm sẽ gặp nhiều điều không may như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai bay vạ gió. Tương tự nước được coi như nguồn tài lộc chảy và đọng lại trong nhà, nếu cho nước chẳng khác nào tự tay vứt “lộc” đi. Người xưa quan niệm không nên vay mượn vào những ngày đầu năm mới, điều đó có thể làm chúng ta rơi vào cảnh túng thiếu cả năm, không may mắn.

Kiêng xuất hành

Theo phong tục xông đất, người đầu tiên bước vào nhà ai trong ngày mùng một Tết chính là người quyết định đem lại sự may mắn hoặc xui xẻo cho gia đình ấy trong cả năm; do vậy người xông đất là người được lựa chọn các tiêu chí sức khỏe tốt, tình tình hiếu thuận, đặc biệt đang phát tài để xông đất. Nếu không phải đối tượng được mời mà cứ tự nhiên đến vào thời điểm này sẽ không được tiếp đón niềm nở. Cũng theo quan niệm này, ngày mồng 5 tháng giêng Âm lịch là ngày nguyệt kỵ, (ngày con nước) theo cách lý giải đây là ngày nước xuống mọi việc sẽ mất sự nâng đỡ, mất sức mạnh của phong thủy phù trợ không thích hợp cho xuất hành.

Kiêng ăn một số loại thực phẩm

Trong ăn uống, người ta kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt… Nếu ăn những thứ này vào dịp đầu năm hay đầu tháng sẽ không được may mắn. Ngoài ra, người già cũng khuyên con cháu trong ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, cãi nhau, chửi nhau, kiêng những điều không vui xảy ra với gia đình. Người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa trong dịp Tết.

Dù ở bất cứ nơi nào, vài tục kiêng kỵ còn được lưu truyền lại sẽ tạo nên màu sắc đa dạng cho ngày Tết, vả lại “có kiêng có lành” như ông cha ta đã nói. Tuy nhiên, những tập tục quá mê tín cần phải loại trừ, đừng kiêng quá khiến ngày xuân trở nên phiền hà mất vui.

Hải Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ