(GD&TĐ) - Trong hải trình kéo dài gần trọn một tháng vắt giữa năm cũ và năm mới 2012, tàu HQ-936 của Vùng 4 hải quân chở đoàn công tác chúng tôi cùng 15 phóng viên rẽ sóng ra tuyến giữa Trường Sa vào đúng những ngày biển động. Tại các vùng đảo nổi, đảo chìm giữa trùng khơi, sau mỗi trận bão gần, bão xa và những cơn gió mùa đông bắc… biển lại cồn lên những đợt sóng như thử thách ý chí và sức chịu đựng của những ai lần đầu đặt chân tới các điểm đảo: Núi Le, Cô Lin, Len Đao, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Đông, Tiên Nữ, Trường Sa Đông.
Háo hức lên tàu ra Trường Sa |
Sau những ngày vượt sóng gió cấp 7, cấp 8, Tốc Tan là điểm đảo đầu tiên chúng tôi đặt chân lên. Có lẽ mọi người trên đảo cũng thấu hiểu nỗi vất vả của các thành viên trong đoàn nên khi vừa tới nơi, Trung uý, Bác sĩ Nguyễn Công Tuấn, phụ trách quân y đảo Tốc Tan không kịp để cánh phóng viên hỏi chuyện, chính anh là người “hỏi thăm” sức khoẻ các vị khách trước: “Các anh, chị có ai bị say sóng không?”, hai “mì chính cánh” là phóng viên nữ của báo Ninh Thuận và báo Gia Lai đon đả: “Cập đảo các anh là bọn em hết say liền à!”. Những tiếng cười vui mang tình cảm nồng ấm từ đất liền và hương vị tết sớm đến với các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữa trùng khơi làm mọi người quên hết mệt nhọc.
Những ngày biển động, chúng tôi có dịp nán lại đảo Phan Vinh dài hơn dự kiến. Còn nhớ, dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, tôi và cánh phóng viên các báo từng được ngồi bên những người lính già đầu bạc, nghe họ kể về những chuyến tàu không số chở vũ khí vào Nam trong những hải trình đầy sóng gió, giờ đây, chỉ sau vài tháng, ngay trên hòn đảo mang tên người anh hùng của Đoàn tàu không số, chúng tôi lại có mặt dưới những tán bàng vuông để nghe chuyện lính đảo.
Không hiểu cánh lính Phan Vinh mến khách hay các vị khách tới đây giỏi “gợi chuyện” mà nhiều chiến sĩ trẻ đã nhiệt tình dẫn cánh phóng viên đi khắp đảo để kể tên các loại cây và “công dụng” của chúng. Đến bữa, trên mâm cơm của khách, thấy những búp bàng vuông, những lá tra mơn mởn được bứt ra, đặt lên đĩa thay cho món rau, ai nấy đều tò mò, háo hức. Đưa lên miệng, “thực khách” thấy cả vị chát lẫn vị muối mặn mòi của biển.
“Món rau cây nhà lá vườn đấy, ăn những lá non ấy lẫn với thịt sẽ đỡ ngán”, Chính trị viên Lê Quang Mừng giới thiệu. Các thành viên trong đoàn công tác chúng tôi chăm chú nghe và thưởng thức, ai đó có ý so sánh với những lá sung, lá ổi… ăn cùng nem chua, nem thính trong đất liền, nhưng tôi hiểu với cánh lính đảo, đó chỉ là thứ gia vị chỉ xuất hiện một lần trong bữa cơm đãi khách mỗi khi họ từ đất liền ra, giống như cánh lính đảo vẫn gói những chiếc bánh chưng xinh xắn bằng lá bàng vuông để mang nét đặc trưng “Tết đảo”, chứ những lá bàng non, những lá tra mơn mởn mà các anh vẫn gọi vui là “nho biển” ấy khó có thể xuất hiện đều đặn trong bữa cơm và thế chỗ cho món rau xanh. “Nếu dùng thường xuyên, cái vị chát ấy sẽ làm khổ “đầu ra” của lính đảo”, một chàng lính trẻ đã tếu táo ghé tai tôi.
Những vạt rau hiếm hoi giữa trùng khơi |
“Rất khó tìm cách để cải thiện nguồn rau cho bộ đội phải không ?”, đặt ra câu hỏi ấy với người phụ trách mảng “thực túc” ở đảo Phan Vinh, Đại uý Phạm Ngọc Chi, Trợ lý hậu cần của đảo bảo: “Cũng khó anh ạ, bao giờ lính đảo cũng phải chịu thiếu rau vài tháng, nhất là vào mùa biển động như thế này”. Anh Chi dẫn chúng tôi ra thăm những vạt rau hiếm hoi được che chắn cẩn thận bằng những ni-lông và các tấm phên, nứa, những bức tường kiên cố được xây cao làm chỗ cho những cây mồng tơi đang vươn dài phía dưới, rồi những chiếc khay tự tạo, bên trong gieo các loại rau mầm.
“Làm thế là để tiện cho việc cơ động tránh mưa bão, mùa này chỉ cần mưa vài ngày là các loại rau của chúng em trở nên “tơi tả” và mỗi bữa chỉ bòn nhặt được một nắm rau cho vào nồi làm món canh ăn cho qua bữa”, anh Chi cho biết.
Lính đảo Phan Vinh “trổ tài” gói bánh chưng bằng lá bàng vuông |
Trong câu chuyện xoay quanh đề tài “con cá, lá rau”, chúng tôi đã được cánh lính đảo ở đây kể rằng trong số các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thì Phan Vinh chính là nơi có nhiều cá nhất. Mùa này biển động nên chúng tôi không được chứng kiến họ là những người “sát cá” như thế nào, nhưng tên các loại cá thì lại thấy họ kể vanh vách. Nào là: thu bè, bò bọc thép, bò sừng, bò ngu, cá sạo, cá hồng, cá mú hoa, mú si, mú gà, rồi: cá mó, cá nhồng, cá tráp… Mỗi người có thể kể tới hàng chục loại cá, và dĩ nhiên là chừng ấy loại đã được cánh lính đảo “thưởng thức” trong những tháng sóng yên biển lặng.
Bữa cơm “ngày tết” đãi khách đất liền của lính đảo Phan Vinh |
Giữa trùng khơi, có người gợi chuyện, dường như lính đảo cũng dễ trải lòng. Tại các điểm đảo mà chúng tôi có dịp đặt chân tới, nhiều người đã không ngại kể về mình, rồi kể về những cơ duyên để họ có được “một nửa” ở đất liền. Thiếu uý chuyên nghiệp Trần Văn Đinh, Pháo thủ tăng thuộc điểm đảo Phan Vinh là người khá mặn chuyện. Anh đã có 4 lần ra công tác ở các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Riêng Phan Vinh, đây là lần thứ hai anh tới làm nhiệm vụ, lần trước cách nay đã 15 năm. Đặt chân lên đảo, anh không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của cây xanh, của hệ thống điện sức gió và các thiết bị viễn thông, những gì anh chứng kiến thật khác so với sinh hoạt của mình và đồng đội năm 1997. “Hồi đó đảo rất hiếm nước ngọt nên hằng ngày chúng tôi phải tắm nước biển rồi tráng lại bằng nước ngọt hoặc có thời điểm 10 ngày cánh lính đảo mới được tắm nước ngọt. Gạo dự trữ thì thường để “gối” nhau, gạo mới cấp phải để dành, bởi vậy bữa ăn hằng ngày toàn là những loại gạo cũ, mốc. Món ăn tinh thần là các loại thư, báo thì cứ 6 tháng tàu ra mới được nhận.
Hồi đó đang độc thân, chưa có người yêu nên tôi vẫn “vô tư” lắm!”, Thiếu uý Trần Văn Đinh nhớ lại. Năm 2000, chàng lính trẻ Trần Văn Đinh về phép. Nhà anh ở cạnh Trường Tiểu học Mỹ Tiến (huyện Mỹ Lộc, Nam Định). Biết Đinh vẫn “chưa cùng ai” nên một cô giáo ở cùng xóm đã gợi ý: “Ở trường có mấy cô giáo trẻ, ra đó nếu “chấm” được ai thì để cô giới thiệu cho”. Nghe vậy, Đinh tính chuyện ra trường thử xem, biết đâu… Thế là cứ vào giờ ra chơi, Đinh lại diện đồng phục hải quân vào làm quen với các cô giáo trẻ.
Theo giới thiệu của “bà mai”, người mà anh có ý định tìm hiểu là một cô giáo ở xã bên cách trường hơn 5 cây số. Cô giáo làng tên Yến ấy đã không dễ xiêu lòng, bởi cô thấy viễn cảnh một người vợ với những tháng ngày biền biệt, vò võ một mình khi “một nửa” của mình sẽ là anh “lính Trường Sa”. Gần hết phép, hai người mới chỉ tiến gần thêm một chút, như cách nói vui của chàng lính đảo là mới chỉ được “cầm tay” bạn gái. Biết nhau trong những ngày phép ngắn ngủi rồi lại tạm xa nhau, chàng lính trẻ Trần Văn Đinh tiếp tục ra đảo công tác.
Hồi đó, thư từ liên lạc còn khó khăn, sóng điện thoại chưa có, anh chỉ được Yến cho số điện thoại bàn của nhà hàng xóm để “khi cần em sang nghe nhờ”. Rồi những trang thư vấn vương nỗi nhớ giữa đảo xa và đất liền đã được họ trao gửi, để rồi năm 2002 một tổ ấm chồng bộ đội-vợ giáo viên đã được dựng xây. Có với nhau hai mặt con và khi cậu út vừa sinh được hơn 1 tuổi, lần thứ tư Đinh lại viết đơn xin ra Trường Sa.
Lần này thì anh quyết tâm lắm, bởi đã có lúc anh tự nhủ một cách “lãng mạn” rằng: Càng để lâu thì mình càng… già, và như thế thì càng dễ bị tuột mất cơ hội… ra biển lớn. “Vợ em nghĩ tới cảnh một nách hai con thơ nên không muốn chồng đi công tác xa, nhưng lần này chính ông nhạc bà nhạc lại ủng hộ ý định của em, và cuối cùng thì vợ em cũng đồng ý để cho em… có mặt ở đây”, Trần Văn Đinh kể lại, giọng lém lỉnh.
Sắc mai vàng trên đảo chìm Tiên Nữ |
…Chúng tôi chia tay các điểm đảo thuộc tuyến giữa Trường Sa và trở về đất liền khi hương xuân đã bắt đầu lan toả trên khắp mọi nẻo đường. Xa đảo, bỗng thấy nhớ những đợt sóng cồn lên trong những ngày biển động, nhớ những bàn tay tài hoa của lính đảo trong mỗi lần “vào bếp”, rồi những trái bàng vuông, những vỏ ốc, vỏ sò còn mặn mòi vị biển… Ở nơi ấy, lần đầu tiên trong đời, tôi được cùng lính đảo Trường Sa đón “Tết sớm” giữa trùng khơi…
Bài, ảnh: Bùi Vũ Minh