Tết qua rồi, sức khỏe ta ơi!

GD&TĐ - Nhiều người thở phào nhẹ nhõm vì đã qua mùa Tết. Bao nhiêu công sức, bao nhiêu tiền của, thậm chí là bấy nhiêu sự... nhọc nhằn đổ cả vào cho Tết

Tết qua rồi, sức khỏe ta ơi!

Chẳng chi cũng là: “Đói ngày Tết, hết ngày mùa!”. Cha ông ta nói quả chẳng sai khi người người, nhà nhà dốc hết tổng lực để... xài Tết.

Tiền của vơi nhiều, thậm chí hết sạch, có khi nợ nần. Sức khỏe cũng “cạn kiệt” sau những ngày - đêm ngược xuôi viếng thăm, chúc Tết và rong chơi.

Đó là chưa kể ra hết nỗi khốn khổ, nhiều khi lên đến... tận cùng của những người tha hương thực hiện liên tiếp hai cuộc “trường chinh” tìm về và quay lại. Ôi, những chuyến xe “định mệnh” đắt đỏ và nhồi nhét

Mấy ai có được bản lĩnh khi xa rời Tết là bắt tay ngay vào làm việc được ngay! Cơ thể và tâm lý sau nhiều ngày nghỉ Tết như hãy còn vấn vương với những ngày có thể nói là “tuyệt vời” để bù đắp cho suốt một năm dài nhọc nhằn, lao khổ vì công việc, công tác, học hành...

Bởi vậy, tinh thần hãy còn bâng khuâng nhớ... Tết. Xem ra, cơ thể hãy còn theo quán tính của những ngày Tết mà chưa muốn... sớm hôm tần tảo, dành dụm để đợi chờ đến một mùa Tết khác.

Nhưng dù muốn, dù không thì những ngày Tết vui cũng chóng qua. Theo tâm lý bình thường thì cái gì vui cũng chóng qua, chỉ có nỗi buồn còn đọng lại lâu trong lòng mà thôi.

Đời sống và công việc buộc tính “ham chơi” tiềm ẩn đâu đó trong lòng mỗi người quay trở lại quỹ đạo vốn có sau những ngày buông xả cho Tết. Để nhanh chóng thiết lập lại trật tự cho mình, mỗi chúng ta chỉ cần để ý một chút, quyết tâm một chút sẽ chóng “bắt nhịp” lại với công việc thường nhật mà thôi.

Vui chơi, không quên nhiệm vụ 

Vui chơi nhưng không quên nhiệm vụ là phương pháp tốt nhất để khoảng thời gian nghỉ không phải là thời gian bỏ phí đối với công việc, mà đó chính là thời gian đánh giá lại, sắp xếp lại công việc sẽ phải làm sau khi vui xuân, hưởng Tết.

Một tinh thần luôn luôn sẵn sàng vì công việc sẽ giúp cho ta có bản lĩnh đối đầu với công việc mà không bị những áp lực về mặt tinh thần hay còn gọi là stress.

Với những người ở xa phải tính toán trước khả năng về và đi như thế nào để cho công việc không bị trễ nãi và thậm chí là... mất việc vì Tết. Lúc đó, niềm vui chưa qua mà nỗi buồn lại đến.

Hãy luôn nhớ rằng “cách làm” tức là có kế hoạch thực hiện thế nào mới là điều quan trọng. Suy nghĩ, tính toán kỹ càng sẽ cho ta cách hành động hiệu quả và nhanh. Nhờ đó, khởi động công việc sẽ tốt.

Nó bắt đầu cho một năm suôn sẻ. Với một số người, đơn giản hơn, rời Tết, trên đường đi bắt đầu lập kế hoạch cho công việc đang đón chờ phía trước.

Nhìn chung, những việc nào có sự sắp xếp và chuẩn bị đều cho kết quả tốt hơn là không có một chút gì về nó trong đầu trước khi chạm tay vào việc.

Rời Tết, tăng tốc cho cơ thể 

Muốn “tăng tốc” cho cơ thể sau khi rời Tết, không gì khác hơn là sự chuẩn bị những điều kiện cần thiết để cơ thể thích nghi ngay với công việc mà không gặp những khó khăn, tiêu biểu như thèm... ngủ, cơ bắp “đình công” trong sự mỏi mệt, nhức đầu vì dư âm của bia rượu và thậm chí là ‘thân mang trọng bệnh” do những “mặt trái” của Tết mang lại.

Tính toán sự chi tiêu sao cho phù hợp, đừng để hết Tết, hết... tiền. Lúc đó mà bảo cơ thể tăng tốc, chắc cũng chỉ tăng trong nỗi buồn nên hiệu quả sẽ không cao là điều tất nhiên.

Lo lắng vì túng thiếu và thâm... nợ sẽ gây stress cho cơ thể. Đó là một cái vòng lẩn quẩn buộc ta luôn tỉnh táo để tránh xa được chừng nào tốt chừng đó.

Chơi Tết nhưng đừng để cho cơ thể thiếu ngủ, thiếu sự vận động hợp lý bằng những bài tập thể dục thông thường vốn có. Riêng những người mắc các bệnh gan, thận, tim mạch, đái đường... thì việc chơi Tết phải tuân theo chế độ ăn và việc dùng thuốc men mà các bác sĩ đã tư vấn, chỉ định là hết sức quan trọng.

Đừng quá ham vui theo kiểu “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối” thì chắc chắn sẽ... tối sầm khi phải nhập viện cấp cứu và nằm điều trị dài ngày trong nỗi buồn mênh mang vì Tết.

Chia tay, đừng vớt đậm cú chót 

Nhiều người trong chúng ta đã qua cái thời kỳ chưa ăn đã sợ... hết. Do vậy, mặc dù Tết đã đi gần hết mùng, nhiều nhà hãy còn mứt bánh, bia rượu và thức nhấm. Nếu tập trung “oánh” một cú chót cũng sẽ hoành tráng không kém chi cú đầu. Đó là chưa kể đến việc tăng cường thêm “binh lực”.

Ngày mai bạn bè, anh chị, em, con, cháu... chuẩn bị lên đường. Chia tay ư? Buồn. Lâu lắm mới lại được gặp nhau, thôi thì của ít lòng nhiều hoặc lòng của đều nhiều như nhau tập trung nâng cốc thêm một bữa “không say không về” để ngày mai đường ai nấy đi, việc ai nấy làm.

Một số người không may, sau khi vớt đậm cú chót thì say bí tỉ quên cả giờ hẹn nhau lên đường, trễ cả tàu xe hoặc bị “Tào Tháo”... đuổi chạy dài cả đêm đến sáng, rụng rời hết chân tay nên có muốn đi cũng đành phải ngậm ngùi... ca cẩm: Mẹ ơi, con nhớ mẹ nên chưa đành đi xa!

Kiềm chế những "hội ngộ" đầu năm 

Sau một đợt nghỉ Tết dài hạn, tới lại nơi làm việc không ai tránh khỏi tay bắt mặt mừng thăm hỏi sức khỏe và chuyện vui của những ngày Tết.

Đâu đó, nhiều nơi, nhiều người lại kéo dài Tết bằng cách mang theo hạt dưa trà thuốc xúm xít cùng cắn tí tách... phì phà... để gọi là... dư âm Tết.

Ngày đầu làm việc, hơi sức đâu mà lo. Quan niệm này là một loại “dịch” tâm lý cần dần được thanh toán dần như là thanh toán “bệnh phong” vậy.

Một số người lấy “lí do” Tết nhứt về quê với hai bên họ hàng thân thích nội ngoại, vì vậy hàng xóm láng giềng, bạn bè thân hữu chưa thăm được nhau, ngồi bên nhau ba ngày xuân thì bây giờ thăm nhau và ngồi bên nhau nâng cốc để... bù đắp vậy.

Nhìn cảnh này, trong lơ mơ, trong lan man cứ tưởng rằng xuân đang... về, Tết đang... đến. Chứ hay đâu tất cả đã... phai tàn!

Mỗi chúng ta, cần tạo một thói quen lập kế hoạch cho Tết, chi tiết từng ngày càng tốt về việc thăm viếng, ngủ nghỉ, ăn uống chừng mực, tiết chế... và những việc cần phải làm ngay sau Tết cũng được lên chương trình sẵn sàng chứ đừng để “Tết... cuốn ta đi”.

Rồi lúc, Tết bay vèo qua là bắt tay ngay vào việc không chút lúng túng, bị động, uể oải. Chúng ta cũng đặc biệt tránh cái tâm lý chưa hết mùng, chưa hết Tết và thậm chí là nghêu ngao với “Tháng giêng là tháng... ăn chơi...” thì sẽ trở nên... lạc lõng!

Tết qua rồi, sức khỏe ta ơi!

Công việc phía trước bộn bề đang đợi chờ ta hăng hái ra tay với một trạng thái sức khỏe về thể chất cũng như về tinh thần sao cho... “khỏe” nhất. Không còn cách gì hơn là tự làm chủ bản thân mình sau Tết, trên cơ sở của những chuẩn bị ngay trong những ngày Tết đang hiển hiện.

Có như vậy, Tết sẽ vẹn toàn và niềm vui ngân rung đến... Tết!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ