Tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương chiều 28/12, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ đang hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chi trả lương cuối năm và thưởng Tết, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Xem xét mới đây tại các tổng công ty, Bộ trưởng nhận thấy hầu hết doanh nghiệp chưa xây dựng mức thưởng Tết cụ thể. "Nhưng nhiều khả năng mức thưởng cho người lao động sẽ là một tháng lương", bà Chuyền cho hay.
Trước đó, vào đầu tháng 11, Bộ Lao động có văn bản yêu cầu Sở Lao động 63 tỉnh thành đôn đốc doanh nghiệp trên địa bàn rà soát quy định tiền lương, thưởng Tết 2016 và thông báo cho người lao động biết. Các doanh nghiệp cần phối hợp với công đoàn xây dựng phương án hỗ trợ người lao động các khoản trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng Tết.
Thứ trưởng Lao động Phạm Minh Huân dự đoán, thưởng Tết Bính Thân 2016 sẽ cao hơn mức của năm 2015 do là tình hình kinh tế khởi sắc, chỉ số GDP tăng, sản xuất công nghiệp, lương và thu nhập cơ bản ổn định.
Bộ trưởng Lao động cũng cho hay, năm 2015 có khoảng 115.000 lao động ra ngoài nước làm việc, có thu nhập cao. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo quyền lợi cho người lao động lại nổi lên, dù Bộ đã tiến hành thanh tra, xử phạt nhưng vẫn tồn tại.
Về chính sách cho người có công, mức đề xuất bằng Tết năm ngoái với tổng số tiền khoảng 437 tỷ đồng cho khoảng 2 triệu người. Liên quan chính sách bảo trợ xã hội, Bộ trưởng đề nghị các địa phương nắm tình hình, trên cơ sở đó sớm đề xuất phương án trợ cấp gạo cho người dân; rút kinh nghiệm nhiều địa phương trước đây làm muộn nên đến tận 25 – 26 Tết người dân mới nhận được gạo.
Tết Ất Mùi 2015, thống kê từ 13.000 doanh nghiệp cả nước cho thấy mức thưởng trung bình là 5 triệu đồng, tăng 15% so với năm trước. Mức thưởng cao nhất dịp Tết Âm lịch thuộc về một doanh nghiệp tại Bình Dương, với 482 triệu đồng. Thưởng thấp nhất là 30.000 đồng, thuộc về một doanh nghiệp tư nhân ở phía Nam.