Tết cổ truyền là dịp trẻ thơ trải nghiệm văn hóa

GD&TĐ - Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc khác. Đây là dịp để cả người lớn, trẻ con đều háo hức đón chờ. Và cũng là dịp để con trẻ trải nghiệm văn hóa cổ truyền.

Tết cổ truyền là dịp trẻ thơ trải nghiệm văn hóa

Tết Nguyên Đán chia làm ba giai đoạn. Đầu tiên là thời gian giáp Tết, thường từ 23 tháng Chạp (ngày ông Công ông Táo). Theo truyền thuyết, thần Táo quân gồm ba người, hai Táo ông và một Táo bà. Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), thần Táo quân cưỡi cá chép lên thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi việc tốt xấu trong năm của từng người trong gia đình, nên ngày 23 tháng Chạp còn gọi là ngày Tết ông Táo. Táo quân là vị thần bảo vệ nơi gia đình mình cư ngụ cho nên còn được gọi là Vua Bếp.

Vị Táo quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể. Vào ngày này, các gia đình thường sẽ tỉa chân nhang, bao sái bát hương và làm lễ cúng trong đó có cá chép (phương tiện để ông Táo đi về trời). Phóng sinh cá chép là một nghi lễ khá quan trọng trong ngày này. Tuy nhiên, để trẻ hiểu được giá trị này người lớn cần hướng dẫn và làm gương. Tránh để một phong tục đẹp lại trở thành mỗi hiểm họa với con người và môi trường.

Tiếp theo là ngày 30 hay còn gọi là Tất niên. Ngày này mọi người tảo mộ ông bà hay những người thân trong gia đình đã khuất. Đặc biệt, vào tối 30, mọi người sẽ làm bữa cơm tất niên Đây được coi là bữa cơm xum họp, bữa cơm đoàn viên. Bởi dù bận rộn đến đâu thì chiều 30 tết chúng ta cũng đã trở về nhà cùng chuẩn bị sửa soạn mâm cơm cúng trời đất, ông bà, tổ tiên và trang hoàng nhà cửa đón giao thừa. Ngày này, cả nhà ngồi quay quần bên nhau.

Vì điều kiện công việc và cũng do không gian chật hẹp nên ít gia đình còn giữ tục gói bánh chưng. Tuy nhiên, một số gia đình sẽ chọn nhà có không gian rộng nhất để cùng gói bánh và cùng liên hoan tất niên. Thực tế để trẻ hiểu được giá trị của văn hóa cổ truyền. Còn người lớn được dịp ôn lại kỉ niệm xưa.

Trang hoàng nhà cửa ngày tết cũng có những giá trị riêng. Người Việt tin rằng vào ngày Tết mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác, từ ngoại vật cho đến lòng người, Vì vậy, khoảng mươi ngày trước Tết họ thường sơn, quét vôi nhà cửa lại. Ngày ba mươi tết trên ban thờ sẽ bày mâm ngũ quả. Trang hoàng nhà cửa bằng câu đối, hoa, cây cảnh làm tươi sáng thêm không khí tết, tạo cảm giác ấm áp trong mùa xuân mới.

Người lớn nên để trẻ cùng tham gia vào những công việc này để các con hiểu được giá trị của văn hóa cổ truyền. Đặc biệt, giải thích cho trẻ hiểu tại sao phải đăt mâm ngũ quả trên bàn thờ. Theo thuyết duy vật cổ đại, tất cả mọi vật chất đều được tạo nên bởi năm yếu tố ban đầu gồm: kim loại (kim), gỗ (mộc), nước (thủy), lửa (hỏa) và đất (thổ) – gọi là ngũ hành. Tư tưởng này xâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hóa của các dân tộc phương Đông. Tục lệ chưng mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết của người Việt Nam là một trong những biểu hiện của tư tưởng này.

Mâm ngũ quả là mâm trái cây có năm loại quả khác nhau. Tùy theo đặc điểm tự nhiên, phong tục tập quán và quan niệm, người dân mỗi vùng, miền có cách chọn các loại quả đặc trưng mang ý nghĩa riêng.

Từ xưa, người dân Việt xông đất-tức người đầu tiên bước vào nhà sau 12 giờ đêm sẽ là người mang lại may mắn hay xui xẻo cho năm sau.

Cùng thức đón giao thừa và người lớn sẽ lì xì ( mừng tuổi) cho trẻ con hoặc con cháu tặng cho người cao tuổi. Từ nhiều đời nay, lì xì là một trong những tục lệ tốt đẹp không thể thiếu của dân tộc Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về. Lì xì ngày Tết đã trở thành thông lệ mỗi dịp đầu năm mới và là nét văn hóa độc đáo, là bản sắc truyền thống của người Việt. Tặng lì xì là tặng món tiền thể hiện điều lành và may mắn cho đứa trẻ”.

Bắt đầu từ thời khắc giao thừa chính thức bước sang năm mới đến khi hết Tết. Những người lớn tuổi trong gia đình sẽ phát lì xì mừng tuổi cho con cháu để lấy may, kèm theo là lời chúc làm ăn phát đạt, tấn tới, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn… Còn con cháu cũng biếu ông bà, cha mẹ những phong lì xì đỏ thắm để chúc sức khỏe và trường thọ. Tuy nhiên, cũng cần dạy cho trẻ ý nghĩa của lì xi và văn hóa nhận lì xì. Tránh để một giá trị văn hóa tinh thần bị đè bẹp bởi lòng tham và sự thực dụng của con người.

Lời chúc năm mới. Tết Nguyên đán là thời điểm kết thúc năm cũ và đón chào năm mới. Nhà nhà, người người mong mỏi tiễn năm cũ và đón năm mới với nhiều hi vọng mới. Bởi vậy, ba ngày tết là là lúc mà chúng ta dành thời gian đến thăm bà con họ hàng, làng xóm và dành tặng họ những lời chúc tốt đẹp nhất. Đây là một phong trục đẹp kéo mọi người xích lại gần nhau. Trong những ngày Tết họ kiêng cữ không nóng giận, cãi cọ. Vì vậy, Tết là dịp để mọi người hàn gắn những hiềm khích đã qua và là dịp để chuộc lỗi. Mọi người đi thăm viếng nhau và chúc nhau những lời đầy ý nghĩa.

Năm mới cũng là dịp con cháu tri ân với ông bà tổ tiên. Ngày tết là lúc con cháu hướng vọng về ông bà tổ tiên. Ngày tết, trên ban thờ gia tiên lúc nào cũng thắp đèn, nến và hương trầm để tỏ lòng thành kính với các bậc tiền nhân.

Truyền thống cần được bảo tồn và phát huy. Vì vậy, trách nhiệm của người lớn là cho trẻ được trải nghiệm nét đẹp của tết cổ truyền. Những công dân tương lai chính là người bảo tồn, lưu giữ và truyền lại cho con cháu mai sau.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ