Cậu bảo: ông bà ngoại đã cho anh em mình một tuổi thơ không thể nào quên, thì với các con, mình cũng phải có trách nhiệm như ba mẹ đã từng có trách nhiệm với mình.
Cậu nhận xét mẹ sống giản dị và có phần thực dụng. Điều đó cũng tốt, nhưng không phải trong trường hợp nào đều “sao y bản chính”.
Năm ngoái, mấy mẹ con về quê ăn Tết. Lần đầu tiên đón Tết ở quê, các con tỏ ra thích thú vô cùng. Các con được cậu đèo ra chợ hoa và được tùy thích lựa chọn những chậu hoa ưng ý. Về nhà, mấy cậu cháu cùng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa.
Các con được ngoại đưa đi chợ quê chiều 30 Tết, được xem ngoại làm những loại bánh quê, và chế biến thực phẩm để dành ăn trong những ngày Tết.
Các con được ngắm vườn mai nhà ngoại đồng loạt trổ bông, được đón giao thừa, được đi lễ chùa, vui hội chợ xuân. Có vẻ như ngoại và cậu tạo mọi cơ hội để các cháu mình có một cái Tết ý nghĩa.
Các con không ngại kể chuyện Tết nhất ở nhà cho ngoại và cậu nghe. Rằng ba mẹ không trang hoàng nhà cửa, vì nghĩ mình tha hương, ít bạn bè, không cần bày biện.
Mẹ nấu một nồi thịt kho tàu để dành ăn nhiều ngày. Mẹ mua sắm quần áo mới, bánh kẹo, thức ăn cho con và mồi nhậu cho ba. Mẹ lì xì, rồi cả gia đình cùng đến nhà các cậu, các dì ngày mùng Một, là xem như… hết Tết.
Mẹ bị ngoại và cậu khiển trách, là còn thờ ơ với con cái, rằng Tết đâu phải của riêng người lớn, đâu chỉ là viếng thăm, chúc tụng hay nhậu nhẹt.
Cậu và ngoại còn khuyến khích mẹ: nếu có điều kiện, nên đưa các cháu về quê ăn Tết, để các cháu biết quê hương cội nguồn. Đối với trẻ em, miền quê là những chân trời rộng mở để khám phá.
Nhờ Tết năm ngoái về quê ngoại, các con đã có nhiều ký ức đẹp, học được nhiều điều hay. Bản thân mẹ cũng rút kinh nghiệm, để những cái Tết trở nên ý nghĩa với các con hơn.