Tên lửa Triều Tiên lại gây náo động

GD&TĐ - Ngày 22/6, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin quân sự nước này cho biết, Triều Tiên đã tiến hành một vụ phóng thử tên lửa từ bờ biển phía Đông vào sáng sớm cùng ngày theo giờ địa phương, bất chấp những lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và Mỹ; tuy nhiên vụ phóng dường như đã thất bại.   

Tên lửa Triều Tiên lại gây náo động

Dẫu vậy, không khí lo lắng cũng bao trùm khắp khu vực. Ngay lập tức Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc có phản ứng mạnh mẽ.

Nguy cơ bất ổn

Theo nguồn tin được trích dẫn, tên lửa Triều Tiên phóng lần này được cho là tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan. Cụ thể Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên thực hiện vụ phóng vào khoảng 5 giờ 58 (giờ địa phương) từ khu vực Wonsan ra vùng biển phía Đông nước này. Hai quả tên lửa Musudan có tầm bắn 400km đã được phóng đi, nhưng dường như một quả đã gặp sự cố.

Hai tên lửa này chỉ phóng cách nhau vài giờ và được cho là hướng về phía bờ biển Tây Nam của đảo Honshu (Nhật Bản). Tên lửa thứ nhất được phóng đi từ Wonsan, một thành phố nằm ở bờ biển phía đông Triều Tiên, đây cũng là địa điểm mà các tên lửa tầm trung khác được tiến hành thử nghiệm trên các bệ phóng di động.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc trích lời một quan chức chính phủ, nói rằng quả tên lửa đã bị nổ tung sau khi bay được 150 km và quả tên lửa thứ hai đi được 400 km. Theo các chuyên gia, việc thất bại lần này có thể do lỗi động cơ, giống với các lần thất bại trước.

Lần phóng này diễn ra bất chấp nhiều cảnh báo và hàng loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng cấm Triều Tiên phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo, mà Bình Nhưỡng bác bỏ vì cho là xâm phạm chủ quyền của mình.

Diễn biến vụ thử tên lửa của Triều Tiên sáng 22/6 là thất bại liên tiếp lần thứ 5 trong hai tháng qua của Bình Nhưỡng trong nỗ lực phát triển một loại tên lửa có tầm bắn 3.000 km, về mặt lý thuyết có thể bắn tới bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Nhật Bản và căn cứ quân sự của Mỹ tại Đảo Guam, Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Jeffrey Lewis của Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury có trụ sở tại California (Mỹ) cho biết những thất bại là phần thông thường của thử nghiệm, và Triều Tiên sớm muộn cũng sẽ khắc phục điểm yếu của loại tên lửa Musudan và đó chính là nguy cơ dẫn đến bất ổn trong tương lai, không chỉ riêng ở khu vực Đông Á này.

“Nếu Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm, các tên lửa đạn đạo trong tương lai có thể đe dọa đến Hoa Kỳ”, Lewis nói.

Có lẽ đó cũng là một trong những lý do mà Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ có những phản ứng mạnh mẽ đến thế ngay sau thông tin vụ thử tên lửa được tiết lộ.

“Khiêu khích nghiêm trọng”

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nói với các phóng viên ở Tokyo rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là sự lặp đi lặp lại hành động “khiêu khích nghiêm trọng” và không thể được dung thứ. Ông cho biết hành động khiêu khích từ Bình Nhưỡng được thực hiện trùng với dịp kỷ niệm 66 năm nổ ra chiến tranh Triều Tiên năm 1950.

Cùng với nguồn tin quân sự từ Hàn Quốc, quân đội Mỹ cũng gần như cùng thời đểm tuyên bố đã phát hiện hai tên lửa, nhiều khả năng Musudan, từ Triều Tiên, theo tiết lộ từ chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cũng khẳng định cả hai tên lửa đều rơi vào vùng biển Nhật Bản.

Thực tế, vụ thử này đã được dự đoán trước. Ngay từ hôm 21/6, Nhật Bản đặt quân đội trong tình trạng báo động về nguy cơ phóng tên lửa của Triều Tiên. Cơ quan thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời một nguồn tin từ chính phủ giấu tên cho biết, họ đã phát hiện Triều Tiên di chuyển một tên lửa tầm trung đến bờ biển phía đông trong một vài ngày trước.

Triều Tiên được cho là có khoảng 30 tên lửa Musudan chế tạo từ hồi 2007. Trong tháng 3, Hội đồng Bảo an Liên Hiêp Quốc, bao gồm cả người đồng minh thân cận là Trung Quốc, đã áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn lên Bình Nhưỡng sau vụ thử bom hạt nhân và phóng thử tên lửa lên không gian.

Hai miền Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh sau cuộc chiến 1950 - 1953 kết thúc bằng một hiệp ước đình chiến, thay vì một hiệp ước hòa bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ